Bom "Sa hoàng”- vũ khí hạt nhân mạnh nhất con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bom "Sa Hoàng" là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ, và hiện vẫn là thiết bị nổ mạnh nhất con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại.
Bom "Sa Hoàng" của Liên Xô (Ảnh: Tư liệu)
Bom "Sa Hoàng" của Liên Xô (Ảnh: Tư liệu)

Vũ khí huỷ diệt mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, bom Sa hoàng, trong các tài liệu chính thức nó được gọi là bom nhiệt hạch AN 602, đã được đưa vào thử nghiệm ngày 30/10/1961. Trung tâm vụ nổ nằm ở bãi thử hạt nhân Sukhoi Nos (đảo Novaya Zemlya), điều đó góp phần giảm tối đa các hậu quả tiêu cực đối với con người.

Nét đặc biệt trong thiết kế

Bom Sa hoàng, còn được gọi là “Mẹ Cuzkin”, là quả đạn nhiệt hạch loại nhiều tầng trọng lượng 26.500 kg, dài 8 m và rộng 2,1 m. Công suất nổ của siêu bom này là 50 megaton TNT, dù ban đầu đã có kế hoạch thử đầu đạn 100 megaton. Theo lời kể của viện sĩ Andrei Sakharov, người tham gia chế tạo quả bom này, đã giảm được sức kích nổ nhờ thay thế vật liệu tầng thứ ba của nó – người ta không chế tạo nó từ uranium 238 như đã có kế hoạch, mà từ chì.

Tsar Bomba

Tsar Bomba, dịch nghĩa "bom-Sa hoàng", là tên hiệu của quả bom khinh khí AN602 — là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ, và hiện vẫn là thiết bị nổ mạnh nhất con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại.

Chiều dài: 8 m

Khối lượng: Gần 27 tấn

Loại: Vũ khí nhiệt hạch, bom khinh khí.

Người thiết kế: Yulii Borisovich Khariton, Andrei Sakharov, Victor Adamsky, Yuri Babayev, Yuri Smirnov, Yury Trutnev và Yakov Zel'dovich

Nơi chế tạo: Liên Xô

Số lượng chế tạo: 1 (cộng một quả bom giả)

Sức nổ: 50 megaton TNT (210 PJ)

Các nhà khoa học Liên Xô quyết định giảm lượng thuốc nổ của bom Sa hoàng không phải vì các vấn đề kỹ thuật, mà vì mong muốn giảm đến mức cho phép số lượng cặn phóng xạ. Và dù vụ nổ này không phải là thử nghiệm hạt nhân “sạch nhất”, bởi vì tầng thứ nhất của nó chứa lượng điện tích uranium công suất 1,5 megaton, kiểu gì cũng có tác động nhất định đến môi trường xung quanh.

Với công suất nổ khổng lồ như thế của thiết bị này, hơn 97% khối lượng kích nổ rơi vào phản ứng tổng hợp nhiệt hạch, thực tế không gây ra ô nhiễm phóng xạ.

Với mục đích làm giảm bớt những hậu quả tiêu cực, các nhà bác học đã quyết định cho nổ bom trên không, cách mặt đất 4.000 m.

Để thực hiện thành công chiến dịch này, tức là nổ quả bom mạnh nhất mà không gây ô nhiễm phóng xạ, các công trình sư đã trang bị cho bom Sa hoàng 3 chiếc dù lớn. Dù kéo dãn, dù hãm và vòm dù cơ bản làm chậm quá trình rơi, tạo điều kiện cho việc nổ bom ở độ cao cần thiết và cho phép các máy bay thoát ra khoảng cách an toàn.

Vụ nổ

Đám mây hình nấm khổng lồ của bom Sa Hoàng. (Ảnh: Pinterest)
Đám mây hình nấm khổng lồ của bom Sa Hoàng. (Ảnh: Pinterest)

Vào 11h32, sau 2 giờ bay từ sân bay Olenia, máy bay ném bom Tu-95V cùng 9 thành viên phi hành đoàn, được máy bay/phòng thí nghiệm Tu-95A hộ tống , đã bay đển điểm cho trước và ném quả bom Sa hoàng từ độ cao 10,5 km.

Việc thử nghiệm quả bom, với sức nổ tương đương 1.500 lần sức nổ của những quả bom đã phá huỷ Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), đã diễn ra theo kế hoạch. Tại địa điểm mục tiêu được quy định đã hình thành một quả cầu lửa đường kính gần 10 km phía trên bề mặt trái đất, mà có thể quan sát được từ khắp các phía ở khoảng cách 1.000 km.

Từ vụ nổ trên không tầng thấp công suất siêu lớn này, một đám mây hình nấm dâng lên đến độ cao 64 km, sóng xung kích được tạo ra vươn tới tận đảo Dickson, nằm cách đó 800 km, còn sóng địa chấn chạy vòng quanh hành tinh ba lần. Vì ion hoá khí quyển, ở khu vực nổ và các nơi cách bãi thử hàng trăm km, liên lạc vô tuyến bị mất 40 phút.

Tsar Bomba - Bom Sa Hoàng.
Tsar Bomba - Bom Sa Hoàng.

Gây hại cho dân cư

Trong trường hợp, nếu như trong bán kính 50 km từ tâm chấn vụ nổ có người, thì tất cả những người này chắc chắn đều bị các vết bỏng nặng cấp độ 3.

Tuy nhiên, trên khu vực thử nghiệm không có cư dân thường xuyên. Vào thời điểm, khi ban lãnh đạo Liên Xô quyết định biến khu vực phương Bắc này thành căn cứ hải quân - sau này thành bãi thử hạt nhân, trên các đảo có 12 khu định cư của người Nenets.

Nhưng vào năm 1957 tất cả họ đều được đưa vào đất liền sinh sống, cho nên cư dân trên đảo lúc này chỉ toàn quân nhân, nhân viên khoa học và đội ngũ kỹ thuật đảm bảo hoạt động của căn cứ.

Yury Trutnev, người tham gia chế tạo “bom Sa hoàng”, kể rằng khi thử nghiệm bom, các nhà lhoa học và các lãnh đạo đảng đã theo dõi vụ nổ hạt nhân tại địa điểm ở khoảng cách an toàn cách tâm chấn 50 km.

Đeo kính bảo hộ, mọi người tận mắt chứng kiến quá trình nổ và thán phục, mà không nhận thấy sóng xung kích chuyển động theo cỏ cây và đập vào chân họ. Sau đó những lớp sóng yếu hơn lần thứ nhất kèm theo âm thanh giống tiếng sấm rền.

Nhà vật lý lý thuyết Alecxandr Chernưshev trong bài “Vụ nổ kỷ lục của Liên xô” đã viết rằng, sau vụ nổ hai tiếng các nhà nghiên cứu đã đến địa điểm thử nghiệm, bởi ô nhiễm phóng xạ gần 1 milli tia X/giờ thực tế không có nguy hiểm gì đến cơ thể con người. Việc đến tâm chấn vụ nổ không ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ sau này.

Các phi công thử nghiệm

Vụ nổ bom Sa hoàng có thể gây nguy hiểm lớn nhất đến phi hành đoàn của hai chiếc máy bay tham gia chiến dịch. Chiếc máy bay mang bom được hoàn thiện và máy bay/phòng thí nghiệm, trên khoang có người quay phim và các chuyên gia, khi lên đường làm nhiệm vụ đều hiểu rằng cơ hội sống hay hy sinh của họ ngang bằng nhau: 50/50.

Để rút lui thuận lợi, sau khi thả bom, các phi công cần có 3 phút để thoát ra được khoảng cách an toàn. Sau 188 giây, máy bay/phòng thí nghiệm đã ở vị trí cách tâm chấn 55 km, máy bay mang bom cách 39 km, bởi vậy phi hành đoàn của họ phải chịu không ít tác động.

Mặc dù gần như tất cả các cửa sổ của máy bay đều được phủ các tấm rèm đặc biệt, sau khi bom phát nổ mọi người vẫn cảm thấy sức nóng khủng khiếp, vì thế bụi trong khoang máy bay bị cháy và mùi khét bao trùm không gian .

Tiếng nổ từ vụ thử nghiệm bom Sa Hoàng đã khiến tín hiệu radio bị nhiễu trong bán kính hàng trăm km trong suốt 1 giờ.
Tiếng nổ từ vụ thử nghiệm bom Sa Hoàng đã khiến tín hiệu radio bị nhiễu trong bán kính hàng trăm km trong suốt 1 giờ.

Theo số liệu của bộ cảm biến, sóng xung kích có dạng hình cầu mở rộng màu xanh da trời lan đến chỗ máy bay ở vị trí cách tâm chấn 115 km, sau đó máy bay bị xóc rất mạnh.

Kết quả, máy bay bị rơi 1.000 m, nhưng phi hành đoàn phản ứng kịp thời đã kiểm soát được máy bay và hai đợt sóng tiếp theo ít ảnh hưởng đến hoạt động của nó. Sau khi hạ cánh an toàn tại sân bay, phi hành đoàn Tu-95V nhìn thấy lớp sơn trắng trên thân máy bay, để phản xạ lại bức xạ ánh sáng, đã bị cháy hoàn toàn.

Thế giới động vật

Đảm bảo an toàn cho con người, những người chỉ huy chiến dịch đã cho thả những đàn dê, cừu thử nghiệm ở những khoảng cách xa tâm chấn khác nhau, để sau đó nghiên cứu xem vũ khí hạt nhân tác động lên cơ thể sống ở những khoảng cách khác nhau như thế nào.

Yury Trutnev nhớ lại rằng, sau vụ nổ, những chiếc xe chở xác động vật nối đuôi nhau chạy về khu chỉ huy. Ông rất buồn khi nhìn thấy quang cảnh này.

Nhưng, nhờ thí nghiệm này, các nhà bác học đã tìm ra phương pháp bảo vệ con người. Trong khi các nhà nghiên cứu đếm được những xác cừu, dê thì số lượng chim, cá bị tiêu diệt không ai có thể xác định chính xác được.

Môi trường xung quanh

Dù vụ nổ tương đối “sạch” không dẫn đến thảm hoạ môi trường xung quanh, nhưng ở cách điểm nổ 55 km các công trình xây dựng hư hỏng hết: một số bị sập mái, số khác bay cửa và kính, còn những cái khác thì hoàn toàn sụp đổ.

Ngoài ra, sau cuộc thử nghiệm, cảnh quan của đảo nơi vụ thử nghiệm diễn ra bị biến dạng rõ rệt, địa hình nhấp nhô của nó đã thực sự biến mất hoàn toànvà trở nên bằng phẳng.