Hãng tin Bloomberg dự đoán Việt Nam sẽ thặng dư thương mại 3,5% GDP trong năm 2015, đứng thứ 18/75 trong bảng xếp hạng.
Top 15 quốc gia thâm hụt thương mại
Một loạt các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề trong giao dịch thương mại toàn cầu. Nguyên nhân là do xung đột quân sự, giá dầu suy giảm hay đà đi xuống của nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng từ cà phê cho đến sữa.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, có 39 quốc gia được dự đoán sẽ có thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2015.
Trong đó bao gồm những nước phát triển như Mỹ và New Zealand hay những quốc gia có xung đột quân sự như Li Băng (Lebanon). Các nước Trung Đông là khu vực có thâm hụt thương mại nhiều nhất trong năm 2015 với mức 13,9% GDP.
Nền kinh tế Li Băng đang bị tổn thương do cuộc xung đột 4 năm qua tại nước láng giềng Syria. Tăng trưởng bình quân của quốc gia này được dự đoán là 2% trong năm nay.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách trên. Tuy nhiên, thâm hụt của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tháng qua. Nguyên nhân là do sự gia tăng nhu cầu nội địa và tăng trưởng xuất khẩu nhờ đồng Lira yếu.
Một quốc gia nữa nằm trong danh sách là Brazil. Nước này đã từng có thặng dư thương mại trong những năm 2000 nhờ xuất khẩu các hàng hóa chính.
Mặc dù vậy, khi suy thoái toàn cầu diễn ra và nhu cầu cho nguyên liệu thô suy giảm thì lợi thế của Brazil đã hết.
Quốc gia Mỹ Latinh này là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về đậu nành, lớn thứ 3 về ngô, có trữ lượng quặng sắt lớn thứ 2 thế giới và cũng xuất khẩu dầu thô.
Khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, giá các hàng hóa chính bị ảnh hưởng. Thặng dư thương mại của Brazil chỉ đạt 1,9% GDP vào tháng 4/2005.
Tính đến tháng 1/2015, quốc gia này đã có thâm hụt ngân sách 4,2% GDP. Chỉ số các hàng hóa chính của Bloomberg (Bloomberg Commodity Index) đã giảm 36% trong khoảng thời gian trên.
New Zealand là một trong những quốc gia phát triển có thể bị thâm hụt thương mại nặng nhất trong năm nay (đứng thứ 9 trong bảng 15 nước thâm hụt nặng nhất).
Lý do là vì giá sữa thế giới đã giảm 37% kể từ đầu năm 2014. Sữa và sản phẩm từ sữa chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand.
Một quốc gia phát triển nữa nằm trong danh sách là Anh (United Kingdom). Nước này chưa bao giờ có thặng dư thương mại kể từ thập niên 90.
Số liệu giao dịch thương mại năm 2014 của Anh được công bố ngày 31/3/2015 được dự đoán là thâm hụt 5% GDP. Các chuyên gia cũng dự kiến thâm hụt thương mại của Anh năm 2015 sẽ là 4,1% GDP.
Angola là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu dầu mỏ tại Châu Phi sau Nigeria và có khoảng 70% thu nhập đến từ nguồn xuất khẩu này.
Oman là nước xuất khẩu dầu ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lớn nhất tại Trung Đông, Thu nhập từ dầu thô chiếm 70% doanh thu nước này.
Theo: BizLive