Vaccine phòng COVID-19 của Nga gây tranh cãi:

Bài 1: BS. Vũ Quốc Đạt: “Nga tiêm đại trà vaccine khi đang nghiên cứu là vi phạm về mặt đạo đức“

VietTimes –  Vaccine phòng COVID-19 của Nga (Sputnik V) vừa được công bố đã lập tức tạo ra dư luận trái chiều, cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc thêm thông tin xung quanh vaccine Sputnik V, VietTimes sẽ có một số cuộc trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực này.
BS. Vũ Quốc Đạt – Giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Minh Thúy)
BS. Vũ Quốc Đạt – Giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Minh Thúy)

Một trong các chuyên gia đó là BS. Vũ Quốc Đạt – giảng viên bộ môn Truyền nhiễm ở Trường Đại học Y Hà Nội và là thành viên tham gia xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của WHO: 

+ Xin ông cho biết một vaccine ra đời phải trải qua những giai đoạn và quy trình như thế nào? Yêu cầu nào đối với vaccine được đặt lên hàng đầu?

BS. Vũ Quốc Đạt: Để sản xuất ra một vaccine, thông thường sẽ phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn tiền lâm sàng – thực hiện các nghiên cứu về vaccine ở trong phòng thí nghiệm và trong ống nghiệm hoặc trên động vật thực nghiệm. Từ đó, các chuyên gia sẽ lựa chọn ra một số vaccine tiềm năng để thử nghiệm trên người.

Sau giai đoạn tiền lâm sàng, vaccine sẽ phải trải qua 4 giai đoạn nghiên cứu khác gồm nghiên cứu pha 1, pha 2, pha 3 và pha 4. 4 giai đoạn nghiên cứu này được thử nghiệm trên người để đánh giá các tác dụng chính và quan trọng nhất của vaccine đó là tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả khi được sử dụng cho con người.

Thực tế, các nghiên cứu ở 4 pha 1,2,3,4 sẽ có điểm khác nhau về số lượng người tham gia thử nghiệm vaccine và mục đích thử nghiệm. Bởi càng tiến tới giai đoạn sau thì số người tham gia thử nghiệm càng lớn. Có những nghiên cứu thử nghiệm vaccine với số lượng người tham gia có thể lên tới hàng vạn người hoặc thậm chí hàng chục vạn người. Đã có những vaccine trong giai đoạn pha 4 (vaccine đã được sản xuất và đưa ra thị trường) có số liệu về tính an toàn, hiệu quả khi thử nghiệm trên hàng triệu người – số người tiêm vaccine lớn. Do đó, quy trình sản xuất ra vaccine rất phức tạp từ khi còn ở trong phòng thí nghiệm tới khi thử nghiệm trên người.

Cán bộ nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm (Ảnh: Minh Thúy)
Cán bộ nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm (Ảnh: Minh Thúy) 

Việc thử nghiệm vaccine khác với thuốc điều trị. Thuốc được sử dụng cho người bệnh, còn vaccine là để sử dụng cho người lành – người hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh. Điều này khiến quy trình sản xuất ra một vaccine là vô cùng đặc biệt với những yêu cầu khắt khe, nhất là về tính an toàn. Chính vì thế, tính an toàn là yếu tố hàng đầu quyết định một vaccine có thể tồn tại và được sử dụng cho con người hay không.

Ngoài ra, vaccine thường được tiêm cho trẻ nhỏ. Nếu vaccine có vấn đề gì thì tác dụng có hại hoặc tính mất an toàn của vaccine sẽ đi theo trẻ đến suốt cuộc đời. Bởi vậy, tôi nhấn mạnh một lần nữa yêu cầu tính an toàn đối với vaccine là rất cao khi tiến hành thử nghiệm.

+ Mới đây, ngày 11/8, Nga đã tuyên bố sản xuất được vaccine phòng COVID-19 (Sputnik V) trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không tin vào chất lượng của vaccine này khi Nga bỏ qua giai đoạn rất quan trọng là thử nghiệm đại trà trên người. Ông đánh giá thế nào về việc vaccine Sputnik V ra đời mà chưa đủ quy trình 4 bước?

BS. Vũ Quốc Đạt: Tôi cho rằng có thể Nga chưa triển khai việc thử nghiệm giai đoạn 3, chứ không phải họ bỏ qua giai đoạn này.

Như tôi đã đề cập ở trên, vaccine có 4 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Khi vaccine được thử nghiệm đến giai đoạn pha 3 và pha 4 thì số lượng người thử nghiệm có thể lên tới hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn người. Tuy nhiên, các số liệu về tính an toàn, hiệu quả của vaccine Sputnik V do Nga phát triển đến thời điểm hiện tại vẫn không được công bố hoặc công bố qua những kênh chưa chính thống.

Giai đoạn pha 4 là giai đoạn thu thập thông tin khi vaccine đã được tung ra thị trường. Vì thế, dù muốn hay không thì các nhà nghiên cứu phải điều tra, cập nhật các thông tin liên quan đến tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

Vaccine phòng COVID-19 của Nga (Ảnh: VGP)
Vaccine phòng COVID-19 của Nga (Ảnh: VGP) 

Hiện, Nga không công bố các số liệu liên quan tới hiệu quả của vaccine Sputnik V. Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã dựa trên những thành quả nghiên cứu vaccine từ trước. Tuy nhiên, những thành quả này không quan trọng bằng tính an toàn của vaccine. Tính an toàn của vaccine Sputnik V đang khiến nhiều nhà khoa học băn khoăn vì khi thử nghiệm vaccine, các tác dụng phụ có thể xuất hiện ngay lập tức như sốc phản vệ, dị ứng,… nhưng có những tác dụng phụ xuất hiện chậm hơn tiềm ẩn khả năng gây tổn thương tự miễn (tổn thương về não, thận,…) nhưng đến nay các nhà khoa học trên thế giới gần như không được tiếp cận với các thông tin này từ các kênh chính thống.

Bài 1: BS. Vũ Quốc Đạt: “Nga tiêm đại trà vaccine khi đang nghiên cứu là vi phạm về mặt đạo đức“ ảnh 3

"Có thể Nga chưa triển khai việc thử nghiệm giai đoạn 3 chứ không phải họ bỏ qua giai đoạn này" - BS. Đạt nói. 

Đại dịch COVID-19 cùng virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện chưa đầy 1 năm (khoảng 8 tháng kể từ ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc). Khoảng thời gian này là quá ngắn để có thể đánh giá được hiệu quả cũng như tính an toàn của vaccine.

Một vaccine có giá trị sử dụng nên tạo được miễn dịch cho người thử nghiệm ít nhất là 1 năm. Ngoài ra, khi thời gian thử nghiệm, nghiên cứu vaccine quá ngắn thì không thể đánh giá được vaccine này có thể bảo vệ được con người trong bao lâu.

Nhiều người có thể biện minh rằng nếu sinh được kháng thể thì vòng đời của kháng thể chắc chắn sẽ dài. Nhưng điều này không phải chính xác. Bản chất kháng thể cũng là một loại  chất hữu cơ nên nó có thời gian tồn tại nhất định, khi không đủ thời gian theo dõi chúng ta sẽ không biết các kháng thể này có thể tồn tại bào lâu cũng như có hình thành trí nhớ miễn dịch không

+ Việc Nga mới chỉ nghiên cứu, công bố vaccine phòng COVID-19 và chuẩn bị tiêm đại trà vào tháng 10 tới có vi phạm về mặt đạo đức không thưa ông?

BS. Vũ Quốc Đạt: Việc Nga tiến hành nghiên cứu vaccine COVID-19 như hiện nay sẽ vi phạm một số vấn đề đạo đức. Mặc dù trong bối cảnh đại dịch, chúng ta có một số đồng thuận cho phép rút ngắn quá trình xét duyệt kết quả nghiên cứu, nhưng tất cả các thông tin về tính an toàn và hiệu quả trên người tham gia thử nghiệm cần được công khai, để những người tiếp tục tham gia vào nghiên cứu này biết được những lợi ích và nguy cơ mà họ sẽ gặp phải.

Nghiên cứu và ứng dụng là 2 phạm trù tương đối khác nhau. Trong khuôn khổ của một nghiên cứu vaccine, các nghiên cứu viên sẽ tạo điều kiện để theo dõi sát bệnh nhân trong hoàn cảnh tối ưu nhất, ưu tiên những xét nghiệm, thăm dò để có thể phát hiện và kiểm soát biến chứng có thể xảy ra. Nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng còn phải mua bảo hiểm cho bệnh nhân khi họ tham gia nghiên cứu, để đảm bảo trong trường hợp xảy ra sự cố, người tham gia nghiên cứu sẽ được bảo vệ tối đa.

Nếu Nga tiêm đại trà vaccine COVID-19 không trong khuôn khổ thử nghiệm thì sẽ có khả năng chúng ta không ghi nhận được các tác dụng phụ hoặc gây hại do việc áp dụng ngay trong thực tiễn sẽ thiếu các điều kiện theo dõi, đặc biệt là ở những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có nhiều bệnh lý mạn tính, người nghèo. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đánh giá hiệu quả của vaccine.

Theo BS. Đạt, câu hỏi lớn nhất được đặt ra ở đây đó là liệu chúng ta có nên đánh đổi để tiêm loại vaccine có thể bảo vệ sức khỏe trong một thời gian ngắn với những tác dụng phụ của nó hay không?

+ Xin ông cho biết mất bao lâu để một vaccine ra đời đảm bảo tính an toàn, hiệu quả khi sử dụng cho con người?

BS. Vũ Quốc Đạt: Rất khó để có thể đo lường được thời gian để một vaccine ra đời vì điều đó có thể phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như loại vaccine, số lượng người tham gia nghiên cứu, tiềm lực của đơn vị nghiên cứu cũng như thời gian tác dụng kỳ vọng vì mỗi một loại vaccine lại có một khoảng thời gia bảo vệ khác nhau.

Thông thường, giai đoạn xác định loại kháng nguyên và sản xuất ra kháng nguyên có thể mất từ 2-5 năm. Giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật) mất 1-2 năm, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mất từ 4-8 năm, thời gian cấp phép từ -2 năm và giai đoạn giám sát vaccine khi ra thị trường mất ít nhất từ 2-5 năm. Một số giai đoạn có thể rút ngắn như quá trình bình duyệt và đăng ký nhưng các giai đoạn còn lại hiếm khi có thể rút ngắn được.

Việc phát triển vaccine còn phụ thuộc vào liệu chúng ta đã có vaccine tương tự trước đó hay chưa. Ví dụ như cúm H1N1 xuất hiện năm 2009 hoàn toàn mới với con người. Thời điểm đó vaccine ngừa H1N1 đã được nghiên cứu rất nhanh dựa trên nền tảng là vaccine cúm mùa đã có từ trước, nhưng cũng đã mất tới gần 1 năm. Quay trở lại hiện tại, virus SARS-CoV-2 khiến con người mắc COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, trước đó chưa có vaccine cho coronavirus được chấp thuận sử dụng nên vaccine COVID-19 được nghiên cứu trong thời điểm này phải mất nhiều thời gian hơn để thử nghiệm, đánh giá.

Virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Thúy)
Virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Thúy) 

+ Được biết, nghiên cứu vaccine Sputnik V gồm 2 giai đoạn, với 2 mũi tiêm adenovirus tuýp 26 và tuýp 5 cách nhau 3 tuần, đều chứa gen mã hóa protein SARS-CoV-2 S. Vậy gen mã hóa protein SARS-CoV-2 S có vai trò như thế nào đối với quá trình nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 thưa ông?

BS. Vũ Quốc Đạt: Về bản chất, các nhà nghiên cứu vaccine COVID-19 sẽ gắn kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 trên virus đã biết từ trước đó là adenovirus – vốn là virus gây bệnh cho người với biểu hiện âm sàng nhẹ. Từ đó, kích thích kháng thể sản sinh ra trong cơ thể con người..

+ Cùng với Nga, Anh cũng đang nghiên cứu vaccine COVID-19. Ông đánh giá như thế nào về nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 của 2 nước này?

BS. Vũ Quốc Đạt: Vaccine Sputnik V của Nga được nghiên cứu dựa trên nguyên lý giống với nhiều nghiên cứu vaccine mà các nước trên thế giới đang tiến hành thử nghiệm. Nghiên cứu vaccine COVID-19 của Đại học Oxford, Anh cũng vậy. Mặc dù các nhà nghiên cứu ở Anh sử dụng hệ thống phát triển vaccine tương tự Nga nhưng họ tương đối thận trọng trong việc công bố tính hiệu quả của vaccine và đang chờ thử nghiệm lâm sàng pha 3.

Không như Nga mới nghiên cứu thử nghiệm vaccine Sputnik V giai đoạn pha 2 với 36 người, nghiên cứu của Đại học Oxford đã thử nghiệm với 1.077 bệnh nhân, trong đó có 543 người nhận vaccine COVID-19. Dự kiến giai đoạn pha 3 sẽ được thử nghiệm trên 10.260 người. Có thể thấy số người tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19 của Đại học Oxford cao hơn hẳn so với thử nghiệm của Nga. Chưa bàn về hiệu quả của vaccine nhưng rõ ràng có thể thấy nghiên cứu càng được thử nghiệm thận trọng, số liệu được cung cấp càng minh bạch thì chúng ta sẽ có niềm tin tốt hơn.

Đến nay, nghiên cứu vaccine COVID-19 của Đại học Oxford cho thấy khả năng sinh ra kháng thể tốt.

+ Dù vaccine Sputnik V của Nga đang có nhiều ý kiến trái chiều nhưng Bộ Y tế đã đăng ký đặt mua vaccine của Nga và của Anh. Ông nghĩ sao về việc này?

BS. Vũ Quốc Đạt: Theo Luật Dược, để có thể sử dụng một sinh phẩm y tế hoặc vaccine sẽ phải trải qua các đánh giá nghiêm ngặt, đồng thời, có hồ sơ thử nghiệm lâm sàng. Điều 89 Luật Dược đã quy định rõ về thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành thuốc. 

Cụ thể, thuốc phải được thử lâm sàng đầy đủ trong trường hợp là thuốc mới, thuốc dược liệu có sự kết hợp mới của dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam, có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và là vaccine lần đầu tiên đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Thuốc được miễn một số giai đoạn thử lâm sàng phải là thuốc mới đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới nhưng chưa có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả; không phải là thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trước ngày Luật này có hiệu lực, trừ thuốc có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Ngoài ra, vaccine đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới, có dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả sẽ được miễn một số giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Thuốc được miễn thử lâm sàng trong trường hợp là thuốc generic; thuốc mới đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả, trừ vaccine; thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trước ngày Luật này có hiệu lực, trừ thuốc có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Bộ Y tế cũng đã quy định chi tiết yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiêu chí xác định trường hợp miễn thử, miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam và thuốc phải yêu cầu thử lâm sàng giai đoạn 4. Vaccine được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới phải có dữ liệu lâm sàng về tính an toàn, hiệu quả.

Vì thế, việc Bộ Y tế đăng ký mua vaccine COVID-19 của Nga và Anh không có nghĩa là sẽ sử dụng vaccine này. Vaccine COVID-19 của 2 nước này có thể tạo điều kiện giúp các chuyên gia đánh giá thêm tính hiệu quả và an toàn của vaccine trên quần thể người Việt Nam trước khi quyết định sử dụng rộng rãi.

+ Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

* Xem thêm loạt bài về vaccine Covi-19 tại đây (đang cập nhật)