ông K.B. Komarov, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) - đối tác xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cho biết, phía Việt Nam sẽ quyết định thời điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Ban đầu thời điểm đó dự kiến là vào năm 2021 hoặc năm 2022, nhưng theo như tôi biết hiện nay, đó có thể là năm 2027 hoặc năm 2028.
“Chúng tôi làm việc dựa theo quyết định của đối tác. Phía đối tác có thể đánh giá những thay đổi trong tiêu thụ điện của quốc gia mình và từ đó đánh giá mức độ cần thiết của điện hạt nhân ở thời điểm hiện tại”, ông K.B. Komarov nói.
Trước đó, vào năm 2010, Rosatom đã ký kết thỏa thuận với Việt Nam về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với tên gọi Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Với tiến triển rất thận trọng của Dự án, phía Rosatom cũng cho biết, điều quan trọng là Việt Nam có được sự chuẩn bị đầy đủ cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Điều này cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong tương lai. Kết quả công việc của Rosatom trong các năm trước đều nằm ở việc hoàn thiện khâu chuẩn bị cho Báo cáo tiền khả thi vào năm ngoái.
“Theo quy định của Việt Nam, Báo cáo khả thi được thực hiện bởi một bên độc lập khác, ngoài Rosatom. Đây là điều bắt buộc. Theo chúng tôi được biết, bản dự thảo báo cáo khả thi đã hoàn tất và được trình lên Chính phủ Việt Nam xem xét”, ông K.B. Komarov nói và cho biết thêm, ông đã tới Hà Nội vào giữa tháng 5/2016 và có các buổi thảo luận với Bộ Khoa học và Công nghệ về Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Nghiên cứu hạt nhân, cũng như thảo luận với Bộ Công thương về Dự án Nhà máy điện hạt nhân. Cả hai phía đều nhất trí sẽ làm việc tích cực hơn nữa và thúc đẩy tiến trình của dự án.
Trước đó, vào tháng 2/2016, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khi tiếp đại diện Công ty TNHH Phát triển năng lượng nguyên tử quốc tế Nhật Bản (JINED) cũng cho hay, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc vấn đề an toàn và quyết định thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam được dời đến năm 2020 - chậm hơn dự kiến 6 năm.
Trên bình diện quốc tế, một số quan điểm tích cực đã nhìn nhận sự phát triển của điện hạt nhân có vai trò không nhỏ trong đảm bảo nguồn cung năng lượng ở mức giá thành ổn định, đóng góp to lớn vào giảm thiểu khí CO2 phát thải vào khí quyển.
Tại Diễn đàn quốc tế về Công nghiệp hạt nhân lần thứ VIII - ATOMEXPO 2016, các chuyên gia ủng hộ phát triển điện hạt nhân cũng chỉ ra rằng, sản xuất điện hạt nhân không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và đây là yếu tố quan trọng sống còn đối với các cơ sở công nghiệp. Theo hướng này, điện hạt nhân còn được khuyến nghị trở thành nguồn điện cơ bản, kết hợp với tỷ trọng thích hợp của điện từ năng lượng tái tạo, khi mà tại nhiều quốc gia và khu vực không có đủ điều kiện thích hợp để phát triển điện tái tạo nhưng vẫn cần nguồn năng lượng sạch.
Trong số các lợi thế của điện hạt nhân có câu chuyện giá cả. Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng, khi sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu thô chiếm 60% chi phí sản xuất; vì vậy, giá thành sản xuất lên xuống phụ thuộc rất nhiều vào giá cả nhiên liệu. Đối với điện hạt nhân, uranium chỉ chiếm 4-5% chi phí sản xuất. Như vậy, biến động giá uranium hầu như không ảnh hưởng tới chi phí sản xuất.
Cũng theo tính toán của Cục Năng lượng quốc tế, trong hơn 45 năm hoạt động, các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới giảm lượng phát thải lên tới 56.000 tỷ tấn CO2. Với tốc độ sản xuất điện như hiện nay, con số này tương đương với tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới trong 2 năm. Tới năm 2030, tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Nga sẽ giảm thiểu 711 triệu tấn CO2 phát thải hàng năm, tương đương với tổng lượng khí do tất cả xe ô tô của Nga sản sinh ra trong hơn 6 năm. Nếu tính tất cả các nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế và xây dựng trong và ngoài nước, tới năm 2030, con số này lên tới 2,4 tỷ tấn, tương đương với 80% lượng khí thải hàng năm từ ô tô trên toàn thế giới.
Tháng 3/2012, thỏa thuận hợp tác về chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ lò phản ứng nghiên cứu về Nga được ký kết
Tháng 8/2015, Công ty Liên hợp Atomstroyexport - NIAEP và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết thỏa thuận khung triển khai giai đoạn đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Tháng 9/2015, hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được EVN trình lên Chính phủ.
Theo điều chỉnh quy hoạch điện VII mới được Chính phủ thông qua tháng 3/2016, tổ máy đầu tiên nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ vận hành vào năm 2028.
Tháng 11/2011, thỏa thuận về xây dựng Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ hạt nhân (CNEST) tại Việt Nam được ký kết.
Từ năm 2012 tới nay, có hơn 300 sinh viên đang học tập tại Đại học Tổng hợp nghiên cứu hạt nhân Nga MEPhI và các trường đại học khác của Rosatom.
Theo Đầu tư