Vệ tinh “Matryoshka” của Nga và nỗi lo của người Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tư lệnh lực lượng không gian Hoa Kỳ, tướng John Raymond, cho rằng Nga đưa vệ tinh “Matryoshka” lên quỹ đạo dường như là để tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ
Lực lượng không gian Mỹ thực sự lo ngại trước vệ tinh Matryoshka của Nga trên quỹ đạo (Ảnh: RIA Novosti)
Lực lượng không gian Mỹ thực sự lo ngại trước vệ tinh Matryoshka của Nga trên quỹ đạo (Ảnh: RIA Novosti)

Mỹ nhiều lần bày tỏ sự quan ngại trước việc cuối năm 2019, Nga phóng vệ tinh “Kosmos 2542”. Từ vệ tinh “Kosmos 2542” tách ra một thiết bị, thiết bị này được gọi là vệ tinh “Kosmos 2543”. “Kosmos 2543” đã bay vào khu vực có thể quan sát được vệ tinh của Mỹ. Sự việc này khiến Mỹ rất bất bình. Bộ tư lệnh không gian Hoa Kỳ gọi đây là tình huống rất đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tại hội nghị về không gian vũ trụ đang diễn ra ở bang Maryland, tướng John Raymond tuyên bố: “Vệ tinh “Matryoshka” của Nga trên quỹ đạo được trang bị vũ khí để tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ”.

Tư lệnh lực lượng không gian Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Việc làm của Nga khiến chúng ta không thể sử dụng không gian vũ trụ như là một sân chơi để phát triển những khả năng của mình. Vệ tinh này được thiết kế giống như đồ chơi búp bê cổ truyền Matryoshka của Nga: bên trong mang theo một vệ tinh con, vệ tinh con này được trang bị vũ khí có thể tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ trên quỹ đạo từ một khoảng cách an toàn”.

Ông Raymond được bổ nhiệm làm tư lệnh lực lượng không gian Hoa Kỳ từ tháng 1/2020. Kể từ ngày nhậm chức, ông thường xuyên đưa ra các cáo buộc nhằm vào Nga. Lực lượng không gian Hoa Kỳ cũng mới được thành lập ngày 20/12/2019.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã tuyên bố: “Phía Nga đã nhận được tín hiệu của Mỹ về việc các vệ tinh đang ở rất gần nhau và sẽ có những điều chỉnh. Về phần mình, Nga đã từ lâu đưa ra đề xuất rằng cần phải có một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc, cấm triển khai vũ khí tấn công trong không gian vũ trụ”.

Tháng 2/2020, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố rằng: “Việc di chuyển của vệ tinh “Kosmos 2542” của Nga đã khiến Mỹ lo ngại, nhưng trên thực tế việc này không đe dọa ai và không vi phạm luật pháp quốc tế, chính việc Mỹ đang triển khai vũ khí lên không gian vũ trụ mới gây ra những tổn hại không thể bù đắp cho hệ thống an ninh ở đây”.

Tháng 4/2020 và tháng 12/2020, Mỹ đã đưa ra những tuyên bố cáo buộc Nga tiến hành phóng thử tên lửa có khả năng tiêu diệt vệ tinh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharovna tuyên bố: “Những cáo buộc của Mỹ thực chất là để cố gắng biện minh cho kế hoạch triển khai vũ khí lên không gian vũ trụ của chính mình, những vũ khí đó được phát triển trong chính nước Mỹ và các nước khác. Đó là tên lửa chống vệ tinh ASM-135 ASAT của Mỹ được tiêm kích F-15 phóng lên từ năm 1985, tên lửa này đã bắn hạ vệ tinh Solwind ở độ cao 555 km, hay tên lửa SM-3, được chiến hạm Mỹ phóng lên từ năm 2008, ở độ cao 247 km, tên lửa này đã bắn hạ vệ tinh quân sự USA-193”.

Về vệ tinh “Kosmos 2542”, kĩ sư thiết kế tàu vũ trụ Nga Alexei Kovalev cho biết, ngay từ khi bắt đầu phóng, Nga đã nói rõ “Kosmos 2542” là vệ tinh giám sát quân sự. Vệ tinh này có thể di chuyển trong không gian, có thể tiếp cận các vệ tinh của Mỹ, và có thể tự chụp ảnh. Việc dùng “Kosmos 2542” để bắn hạ các vệ tinh của Mỹ - đây là những cáo buộc điên rồ chỉ người Mỹ mới có thể nghĩ ra, rất có thể sau những cáo buộc này, cả thế giới sẽ có cảm nhận: “Nga và Mỹ đang tiến hành chiến tranh trong không gian”. Trong thời gian qua, Kosmos-2542 có tiếp cận vệ tinh USA-245 của Mỹ, nhưng vẫn giữ khoảng cách là 150 km, không quá gần như Mỹ từng tuyên bố.

Tư lệnh Lực lượng không gian Hoa Kỳ còn tuyên bố rằng: Vệ tinh “Kosmos 2543” của Nga được trang bị pháo tự động R-23, Nga bố trí R-23 trên trạm không gian Almaz.

Ông Kovalev cho biết thêm: “Ý tưởng dùng pháo để khai hỏa trong không gian thực sự là điên rồ, việc làm này không khác gì hành động tự sát đối với vệ tinh của chính mình. Phản lực sau khi bắn sẽ phá hủy hoàn toàn phần thân được thiết kế rất mỏng của vệ tinh, tiếp theo là vệ tinh sẽ thay đổi quỹ đạo, sau khi bị mất kiểm soát”.

Kĩ sư thiết kế Alexei Kovalev kết luận: “Tư lệnh lực lượng không gian Mỹ thực chất muốn moi thêm thật nhiều tiền cho đơn vị của mình. Người Mỹ vốn có bản tính tự cao tự đại, luôn cho mình mãi mãi là người “đầu tiên”, đổ lỗi cho Nga đã châm ngòi cho những việc làm của họ, rêu rao rằng Nga đang quân sự hóa không gian”.