Từ đoạn video gây rúng động, giải mã khả năng và sức mạnh của phi đội UAV của Iran

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi giành được quyền sử dụng hệ thống dẫn đường Beidou, lợi khí quan trọng từ Trung Quốc, một đoạn video do Iran công bố mới đây đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên quốc tế về khả năng của UAV Iran.
Iran tổ chức cuộc diễn tập máy bay không người lái lớn vào tháng 1/2021 (Ảnh: CNS).
Iran tổ chức cuộc diễn tập máy bay không người lái lớn vào tháng 1/2021 (Ảnh: CNS).

Được biết, một tốp máy bay không người lái (UAV) của Iran đã quay cận cảnh việc triển khai cụ thể của tàu sân bay Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Đoạn phim rõ ràng đến mức có thể nhìn thấy mọi máy bay chiến đấu của Mỹ và các thiết bị quân sự khác nhau.

Về chiến công này, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố: phi đội UAV Iran hoàn toàn có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu quân sự nào của quân đội Mỹ trong khu vực.

Phía quân đội Mỹ rất hoang mang trước vụ việc. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm của họ lo lắng: Iran hiện đã sản xuất hàng chục nghìn máy bay không người lái, bao gồm các loại máy bay không người lái do thám, tấn công và tự sát. Thêm vào đó Iran đã chính thức sử dụng hệ thống định vị dẫn đường Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc, khiến máy bay không người lái thoát khỏi những hạn chế của hệ thống dẫn đường GPS nếu bị Mỹ tác động, như hổ thêm cánh, khiến khả năng tấn công của UAV Iran sẽ được nâng cao mạnh mẽ. Một khi Iran sử dụng các máy bay không người lái này để tấn công quân đội Mỹ, tàu sân bay Mỹ sẽ không thể trốn thoát.

Đoạn video tàu sân bay do UAV Iran quay gây rúng động dư luận

Cần phải biết rằng, Iran cũng là một cường quốc về tác chiến điện tử, thậm chí nước này đã nhiều lần bắn hạ và bắt giữ máy bay không người lái của Mỹ.

Tháng 12/2011, một chiếc máy bay không người lái tàng hình RQ-170 "Sentinel" của quân đội Mỹ đã bị Iran bắt sống. Ít lâu sau đó, Iran đã công bố phiên bản chiếc UAV "RQ-170" được nghiên cứu phát triển ngược của họ. Ngoài công nghệ, chiếc UAV Iran làm nhái có hiệu suất gần như tương đương với phiên bản gốc của Mỹ. Quan trọng hơn là, khi Iran sử dụng loại máy bay không người lái này bay vào Israel để thu thập thông tin tình báo, hệ thống phòng không "Patriot" của Israel đã không thể đánh chặn được. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thậm chí còn thẳng thắn lấy làm tiếc vì vào thời điểm đó đã không tự tiêu diệt chiếc UAV tàng hình RQ-170 "Sentinel", điều đã khiến tiến bộ công nghệ máy bay không người lái của Iran tiến bộ nhảy vọt khoảng 20 năm.

Ảnh trích từ đoạn video do UAV Iran quay tàu sân bay Mỹ (Ảnh: CNS).

Ảnh trích từ đoạn video do UAV Iran quay tàu sân bay Mỹ (Ảnh: CNS).

Không chỉ vậy, vào tháng 1 năm nay, Iran cũng đã điều hàng trăm máy bay không người lái các loại để tiến hành cuộc tập trận lớn. Trong cuộc tập trận kéo dài hai ngày này, các quân binh chủng khác nhau tập trung vào việc thực hiện các hoạt động phối hợp tác chiến UAV trong điều kiện chiến đấu thực tế. Cuộc tập trận bao gồm việc UAV phóng tên lửa không đối không để đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không, sử dụng bom và tên lửa dẫn đường chính xác để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất từ ​​điểm đến điểm, sử dụng máy bay không người lái tầm xa để tiêu diệt các mục tiêu xác định trước... Thông qua cuộc tập trận này, Iran đã phô diễn công nghệ máy bay không người lái tiên tiến của mình, luyện tập các chiến thuật, cách đánh của các loại máy bay không người lái liên quan và kiểm tra khả năng chiến đấu của (nhóm) máy bay không người lái trong điều kiện chiến đấu thực tế.

UAV Kaman-22 của Iran (Ảnh: CNS).

UAV Kaman-22 của Iran (Ảnh: CNS).

Trong đó, loại UAV “Kalal-12” do Iran sản xuất nom rất bắt mắt, nó không chỉ phóng thành công tên lửa không đối không “Azarakshi” do Iran sản xuất để hoàn thành việc đánh chặn và tiêu diệt mục tiêu mô phỏng đang bay tới, mà cũng thả chính xác loại bom MK-82 nặng 500 pound, tiêu diệt thành công các mục tiêu mặt nước và phá hủy các vị trí, công sự phòng thủ của “địch”.

Loại máy bay không người lái giám sát Kaman-22 có tầm bay lên tới 3.000 km giống như UAV MQ-1 "Predator" của Mỹ; thế giới bên ngoài đều cho rằng nó là một phiên bản của chiếc UAV quân sự Mỹ được phát triển bằng kỹ thuật đảo ngược.

Vào ngày thứ hai của cuộc tập trận, loại máy bay không người lái chiến đấu tầm xa “Futros” do Iran sản xuất đã tự vượt qua 1.400 km và tiêu diệt thành công mục tiêu đã định. Được biết, UAV này có tầm hoạt động lên tới 2.000 km và có thể ở trên không trong 30 giờ để duy trì trạng thái tấn công.

UAV MQ-1 Predator của Mỹ, được cho là nguyên mẫu của Kaman-22 (Ảnh: CNS).

UAV MQ-1 Predator của Mỹ, được cho là nguyên mẫu của Kaman-22 (Ảnh: CNS).

Ngoài ra, trong cuộc tập trận này, quân đội Iran cũng thực hành sử dụng máy bay không người lái trí tuệ nhân tạo để bay tập thể phát động các cuộc tấn công kiểu "chiến thuật bầy ong". Trước đó, các chuyên gia quân sự Iran đã dự tính rằng một khi Iran xảy ra chiến tranh với Mỹ, nước này có thể điều một số lượng lớn máy bay không người lái và tàu cao tốc không người lái để thực hiện một cuộc tấn công bão hòa ba chiều vào nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thông qua "chiến thuật bầy ong" và "chiến thuật bầy sói"; dùng phương thức tấn công không đối xứng này để “đưa hàng không mẫu hạm quân Mỹ xuống đáy biển”.

Trong cuộc diễn tập quân sự này, các UAV được Iran trưng ra có đầy đủ các mẫu mã, số lượng lớn và nhiều mục đích sử dụng; các thể loại bao gồm tầm xa, tầm trung và tầm ngắn; về chức năng liên quan đến nhiều mục đích chiến đấu khác nhau như trinh sát và giám sát, chuyển tiếp thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và tấn công hỏa lực. Hầu hết các mẫu đều ra mắt lần đầu tiên, thể hiện đầy đủ sự trưởng thành của công nghệ máy bay không người lái của quân đội Iran và khả năng tác chiến mạnh mẽ bằng máy bay không người lái. Người phát ngôn cuộc tập trận Mahmoud Mousavi tuyên bố: "Iran đã trở thành một trong những cường quốc về máy bay không người lái".

Một số mẫu UAV do Iran nghiên cứu tự chế thời kì ban đầu (Ảnh: CNS).

Một số mẫu UAV do Iran nghiên cứu tự chế thời kì ban đầu (Ảnh: CNS).

Trên thực tế, sự trỗi dậy của Iran trong lĩnh vực máy bay không người lái phần lớn là "nhờ công" của Mỹ. Một mặt, các lệnh trừng phạt liên tục do Mỹ áp đặt đã dẫn đến việc phát triển vũ khí và trang thiết bị của Iran tương đối chậm. Iran nhận thức rõ khoảng cách sức mạnh quá lớn với Mỹ nên trong những năm gần đây, nước này liên tục tăng cường phát triển các mẫu máy bay không người lái tiên tiến nhằm nâng cao khả năng tấn công phi đối xứng.

Mặt khác, Mỹ đã nhiều lần phát huy tác dụng to lớn trong việc “cống hiến vô tư”. Iran và đồng minh đã nhiều lần bắt sống và bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ. Năm 2011, quân đội Iran thông báo rằng họ đã bắt giữ thành công một máy bay trinh sát không người lái tàng hình RQ-170 “Sentinel” của quân đội Mỹ; vào tháng 10/2017, một máy bay không người lái MQ-9 “Reaper” của quân đội Mỹ đã bị Lực lượng vũ trang Houthi sử dụng tên lửa để bắn hạ ở khu vực phía bắc Sana, Yemen; vào tháng 6/2019, Iran cũng đã bắn hạ một UAV RQ-4 “Global Hawk” của Mỹ. Thế giới bên ngoài đều cho rằng hầu hết các máy bay không người lái nội địa của Iran đều có bóng dáng của máy bay không người lái của Mỹ. Sự phát triển của máy bay không người lái của Iran có lẽ là một bước đột phá bằng cách vay mượn các công nghệ liên quan thông qua việc tháo rời, mô phỏng chế tạo.

UAV RQ-170 "Sentinel" của quân đội Mỹ đã bị Iran bắt sống tháng 10/2011 (Ảnh: CNS).

UAV RQ-170 "Sentinel" của quân đội Mỹ đã bị Iran bắt sống tháng 10/2011 (Ảnh: CNS).

Hiện tại, Iran đã làm chủ công nghệ sản xuất máy bay không người lái tự động, và ngay cả người Nga cũng tự thấy thua kém. Ngoài ra, do chi phí và công nghệ của máy bay không người lái thấp hơn nhiều so với máy bay có người lái nên nước này có thể tiến hành sản xuất quy mô lớn. Trước sự áp đảo của máy bay không người lái Iran, tin rằng dù có hùng mạnh như quân đội Mỹ đi chăng nữa thì cũng sẽ rất phiền phức, Cuộc chiến Nagorno-Karabakh mới đây là một trường hợp điển hình về tác chiến máy bay không người lái trong thực tế. Quan trọng hơn, Iran cũng là nhà sản xuất tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo lớn ở Trung Đông. Một khi tàu sân bay Mỹ đi vào Vịnh Ba Tư để đối đầu với Iran, Iran có thể phát động chiến tranh điện tử, gây nhiễu tín hiệu GPS của Mỹ và sau đó phóng một loạt máy bay không người lái tấn công theo “chiến thuật bầy ong”, điều này sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nó. Xét cho cùng, mặc dù nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có hệ thống phòng thủ rất hoàn chỉnh, nhưng nó cũng có một vùng mù phòng thủ.

Sơ đồ mô tả Iran thả các UAV sử dụng AI (trí thuệ nhân tạo) để tấn công tàu sân bay theo "chiến thuật bầy ong" (Ảnh: QQ).

Sơ đồ mô tả Iran thả các UAV sử dụng AI (trí thuệ nhân tạo) để tấn công tàu sân bay theo "chiến thuật bầy ong" (Ảnh: QQ).

Từ đó mà xét, việc sử dụng máy bay không người lái để tấn công đã trở thành cách duy nhất của Iran để chống lại tàu sân bay Mỹ. Điều này cũng cho thấy UAV đã trở thành một trong những nhân vật chính của chiến tranh hiện đại, và chúng sẽ còn rất nhiều không gian để phát triển và triển vọng ứng dụng rộng rãi trong tương lai.

(Theo QQ, CNS).