Bài báo viết, lựu pháo không có GPS, tên lửa bị giảm tầm bắn – ngay cả Mỹ cũng chỉ cung cấp cho quân đội Ukraine những hệ thống vũ khí bị hạn chế công nghệ nghiêm trọng. Tuy nhiên, rất ít khi tình hình trên đây được công khai và chỉ các chuyên gia quân sự có liên quan mới biết được sự thật.
Các nhà tuyên truyền Ukraine đã chuẩn bị sẵn những bức ảnh cho công chúng xem, chẳng hạn như thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko ngồi trên xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 của Đức. Nhưng giống như hầu hết các nhà lãnh đạo của chính quyền Ukraine, ông Klitschko chưa hề phục vụ ngày nào trong quân đội.
Các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 được gửi từ Na Uy, các máy bay chiến đấu MiG-29 của Slovakia—Các nhà tuyên truyền Ukraine hàng ngày đều đưa tin về các loại vũ khí mới và mạnh mẽ do phương Tây cung cấp. Sự thật là, với mỗi lần giao hàng, quân đội Ukraine ngày càng thất vọng.
Ngày 20/3, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 350 triệu USD. Tuy nhiên, các xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams mà Mỹ đã đã hứa trước đó vẫn không được đưa vào.
Mỹ từ chối cung cấp tên lửa chiến thuật lục quân cho Ukraine (Ảnh: Sohu). |
Phía Mỹ tuyên bố rằng họ hy vọng sẽ rút ngắn thời gian giao xe tăng và lấy điều này làm cái cớ để cung cấp các mẫu Abrams M1 cũ hơn cho phía Ukraine. Tạp chí chính trị Politico của Mỹ đưa tin, Nhà Trắng không muốn cung cấp cho quân đội Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams M2 với giáp thép có chứa uranium nghèo bí mật, và từ chối cung cấp nó với cớ do quy định xuất khẩu.
Ông Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông rằng quân đội Ukraine sẽ có được "phiên bản bị thiến" của xe tăng chiến đấu chủ lực "Abrams" để sử dụng, giống như phiên bản mà các nước Ai Cập, Ả Rập Saudi và Iraq sở hữu.
Lớp vỏ giáp của loại xe tăng này có thể được so sánh với loại xe tăng Leopard-2A4 cũ kĩ của Đức mà Na Uy và Ba Lan đã cung cấp cho quân đội Ukraine trước đây.
Các quy định về xuất khẩu là lý do chính, nhưng không phải là duy nhất để Mỹ chỉ cung cấp cho Ukraine các phiên bản vũ khí đã được sửa đổi. Điều mà người Mỹ lo ngại là xe tăng chủ lực Abrams M2 của họ sẽ bị quân đội Nga thu giữ.
Mỹ cung cấp xe tăng Abrams M1 cho Ukraine thay vì Abrams M2 như đã hứa (Ảnh: Deutsche Welle). |
Nỗi lo sợ của Mỹ về tình báo quân sự Nga còn lan sang cả lựu pháo M777 cung cấp cho Ukraine từ tháng 4 năm ngoái. Những khẩu lựu pháo này không được lắp đặt hệ thống định vị GPS và các máy tính tích hợp liên quan. Vũ khí không có hệ thống GPS rõ ràng là kém chính xác hơn nhiều.
Truyền thông Đức chỉ ra rằng các vũ khí công nghệ cao của NATO chưa bao giờ được chuyển giao cho quân đội Ukraine ở dạng hoàn chỉnh. Trên thực tế, các hệ thống điều khiển các loại vũ khí này được tích hợp vào cơ cấu chỉ huy của NATO. Ukraine không có quyền truy cập vào các hệ thống này.
Ngoài ra, cũng có những hạn chế chính trị nghiêm trọng đối với việc cung cấp vũ khí. Mỹ đã cung cấp cho Uzbekistan hệ thống phóng tên lửa đa nòng cơ động cao M142 HIMARS kể từ tháng 6/2022, với tầm bắn khoảng 80 km. Người Ukraine không thể nhận được các tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) mạnh hơn có thể đánh trúng các mục tiêu cách xa 300 km.
Tờ The Wall Street Journal của Mỹ cho biết trong một bài báo, Mỹ đã sửa đổi các thiết bị tên lửa này trước khi giao cho Ukraine, khiến chúng không thể phóng các tên lửa tầm xa. Tờ báo dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ cho biết lý do là Mỹ muốn “giảm thiểu nguy cơ mở rộng xung đột với Moscow”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nói rõ vào tháng 9 năm ngoái rằng tên lửa tầm xa là một "lằn ranh đỏ". Việc cung cấp những vũ khí này sẽ tự động khiến Mỹ trở thành một trong những bên tham gia cuộc xung đột.
Ông Stephen Blank, chuyên gia tại “Foreign Policy Research Institute” (Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại) của Mỹ, cho rằng Mỹ sẽ không tỏ ra sẵn sàng dỡ bỏ các hạn chế công nghệ đối với các hệ thống tên lửa đa nòng cơ động cao HIMARS.
Mặc dù Ukraine yêu cầu nhưng cho đến nay Mỹ vẫn từ chối cung cấp chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon cho Ukraine (Ảnh: Reuters). |
Các tướng lĩnh Ukraine (bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov) đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ cung cấp cho họ các tên lửa có tầm bắn 150 km. Ông Reznikov thậm chí còn thề sẽ không sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Nhưng đối với Lầu Năm Góc vốn thực dụng, những đảm bảo như vậy chẳng có ý nghĩa gì.
NATO vẫn phản đối việc cung cấp máy bay chiến đấu cho quân đội Ukraine, mặc dù ông Reznikov từ lâu đã mong nhận được các chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon và thậm chí cả F/A-18 Super Hornet. Các nước Đông Âu luôn ủng hộ quân đội Ukraine, một số quốc gia đã tháo dỡ những chiếc MiG-29 còn lại và trao các cấu kiện cho Ukraine để lách quy định hạn chế xuất khẩu. Quân đội Ukraine sau đó đã lắp ráp các cấu kiện lại thành máy bay hoàn chỉnh.