Thị trường chưa có nhiều yếu tố để bứt phá. Ảnh Trọng Hiếu |
VN-Index giảm điểm trong tuần giao dịch vừa qua trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu chao đảo khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, chỉ số lao dốc mạnh trong 2 phiên đầu tuần (7 – 8/3). Lực bán dồn mạnh vào các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến VN-Index lao dốc khá nhanh và đã có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 1.460 điểm. Nhưng lực cầu bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ này đã giúp chỉ số thu hẹp đà giảm đôi chút khi kết thúc tuần. Nhìn chung, phe bán vẫn chiếm ưu thế trong tuần nhưng thanh khoản vẫn chưa tạo được sự đột biến đáng kể nào. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 38,79 điểm (-2,58%) về mức 1.466,54, còn HNX Index giảm 1,86% về mức 442,20.
Nhìn chung, các nhóm cổ phiếu chính đều suy giảm, như ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng, bất động sản. Ở chiều ngược lại, một số nhóm cổ phiếu hàng hoá được kỳ vọng hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine tăng khá, đặc biệt ở nhóm phân bón - hoá chất.
VCBS đánh giá sự phân hóa trên thị trường vẫn diễn ra với việc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung cũng như nhóm vốn hóa lớn. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu cho danh mục trung – dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.
SHS phân tích thêm rằng thị trường đã đánh rơi ngưỡng 1.470 điểm trong tuần qua, điều này có thể lý giải một phần do nhà đầu tư lo ngại những diễn biến khó lường trong hai ngày nghỉ cuối tuần cũng như nỗi lo lạm phát ở Việt Nam có thể tăng mạnh sau khi giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới.
“Trước mắt, vùng hỗ trợ trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 1/2022) có thể sẽ được test lại trong thời gian tới nếu như tâm lý trên thị trường không có sự cải thiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường trong dài hạn khi nền kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn đang có được sự ổn định tốt nếu so với các quốc gia khác trên thế giới và lạm phát có thể tăng cao trong quý I do giá xăng dầu nhưng nếu tính chung trong cả năm thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trước đó”, SHS dự báo.
Trong tuần giao dịch tiếp theo 14/3-18/3, SHS dự báo VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.425-1.450 điểm nếu như không sớm lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm. Các nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục đã mua trước đó và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm.
Về phần mình, SSI nhận định tín hiệu cho thấy khá tiêu cực khi chỉ số chính đã xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.470 điểm đi kèm với khối lượng giao dịch tăng lên. Với diễn biến trên, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ đầu tiên tại 1.450 - 1.445 điểm và vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.425 - 1.400 điểm.
Cùng chung quan điểm, VDSC dự báo thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi phục kỹ thuật nhẹ để kiểm tra lại cung cầu. Tuy nhiên, nhà đầu vẫn cần thận trọng, có thể cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục và giữ tỷ trọng ở mức an toàn. Đồng thời chỉ nên ưu tiên những cổ phiếu có nền tích lũy tích cực và đang thu hút dòng tiền.
Tương tự, MBS lưu ý nhà đầu tư đang chờ đợi phiên họp chính sách tiền tệ từ FED vào giữa tuần sau, do vậy tâm lý thận trọng sẽ lên cao, đặc biệt tuần sau cũng sẽ có phiên đáo hạn phái sinh. Các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng từ thị trường hàng hóa cơ bản vẫn chưa có nhiều thay đổi, nhà đầu tư có thể quay lại đối với nhóm cổ phiếu này sau nhịp chốt lời 2 phiên vừa qua.
Theo Nhà đầu tư