Tiết kiệm hàng tỷ đồng từ 4 năm không in phim nhựa

VietTimes -- Là một trong hai bệnh viện đầu tiên ứng dụng hiệu quả hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), chỉ sau 4 năm quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim, Bệnh viện Hữu nghị không chỉ tiết kiệm hàng tỷ đồng, mà còn nhận được nhiều lợi ích từ ứng dụng công nghệ mới này.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị - cùng đồng nghiệp chẩn đoán hình ảnh tại phòng làm việc mà không cần in phim chụp. Ảnh: Chi Lê
PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị - cùng đồng nghiệp chẩn đoán hình ảnh tại phòng làm việc mà không cần in phim chụp. Ảnh: Chi Lê

Bước ngoặt trong chẩn đoán hình ảnh

Đề án triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) đã được Bộ Y tế áp dụng từ năm 2015.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị - hệ thống PACS đã có mặt tại Bệnh viện từ năm 2010, đến nay đã ứng dụng được khoảng 9 năm.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng đánh giá: “Việc áp dụng hệ thống PACS đem lại bước ngoặt lớn trong công tác chẩn đoán hình ảnh”.

Sau khi chụp khoảng 5 giây, toàn bộ kết quả chẩn đoán hình ảnh sẽ được lưu và truyền thẳng tới nhiều bộ phận trong Bệnh viện: phòng mổ, hội trường... để các bác sĩ hội chẩn, từ đó đưa ra hướng điều trị.

Phim chụp của bệnh nhân được chuyển trực tiếp tới máy tính của bác sĩ tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị. Ảnh: Chi Lê

Phim chụp của bệnh nhân được chuyển trực tiếp tới máy tính của bác sĩ tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị. Ảnh: Chi Lê

Đặc biệt, việc không in phim giúp cho các bác sĩ chuyên ngành trong Bệnh viện hội chẩn dễ dàng hơn. Ví dụ, người có bệnh lý về mắt, có liên quan tới bệnh lý về khớp gối, thì các bác sĩ chuyên ngành mắt sẽ trao đổi với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, hoặc trao đổi với chuyên khoa cơ xương khớp để có hướng điều trị chính xác cho bệnh nhân trong thời gian ngắn nhất.

Không in phim không đồng nghĩa với không có phim. Mỗi bệnh nhân sẽ có khoảng 750 ảnh mạch vành, hơn 1.000 ảnh toàn thân và video chụp mạch vành (nếu có), được lưu trữ trong 1 chiếc đĩa, có thể mang đi khắp mọi nơi, lưu trữ dễ dàng hơn phim nhựa được in ra.

Việc này không chỉ giúp cho các bác sĩ trong cùng một bệnh viện dễ dàng phối hợp, có hệ thống PACS đồng bộ tại nhiều bệnh viện khác nhau cũng mang lại lợi ích to lớn.

Bệnh nhân chỉ cần mang chiếc đĩa có lưu trữ ảnh phim tới bệnh viện khác là có thể được tiếp tục khám, chữa bệnh, không cần phải tốn chi phí chụp, chiếu một lần nữa. Bác sĩ cũng dễ dàng truy xuất tình trạng bệnh, bệnh sử, quá trình điều trị trước đó để đưa ra các phương pháp chữa bệnh phù hợp.

Giảm lãng phí

Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, kể từ áp dụng hệ thống PACS, mỗi năm bệnh viện tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng. Chi phí tiền phim X-quang của Bệnh viện đã giảm 75%, nếu tính cả số tiền mua đĩa CD thì chi phí giảm tới 55%.

“Hệ thống công nghệ thông tin cần thiết để áp dụng PACS chỉ từ 5 tỷ đến 10 tỷ đồng, sau 1 năm có thể thu hồi vốn, xoay vòng để nâng cấp hệ thống xử lý và hệ thống lưu trữ” - Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng nói.

Không in phim chụp cũng giúp các bác sĩ giảm lãng phí đáng kể trong khâu quản lý hồ sơ bệnh nhân, dần chuyển từ quản lý bệnh án bằng giấy sang quản lý bệnh án điện tử.

“Theo quy định, Bệnh viện lưu trữ phim chụp của người bệnh trong 6 - 8 năm phục vụ mục đích quản lý. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu của nước ta khiến cho phim chụp không có tuổi thọ kéo dài như vậy. Phim sẽ hỏng sau một đến hai năm nhưng Bệnh viện vẫn phải lưu trữ” - Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, việc lưu trữ hồ sơ bằng giấy rất khó trích lục khi cần thiết. Việc phim hỏng quá nhanh cũng khiến cho các bác sĩ khó có thể so sánh hiệu quả điều trị, đặc biệt ở các bệnh nhân lớn tuổi cần điều trị lâu dài.

“Trong khi đó, khi không in phim mà lưu trữ bản mềm, thì chỉ với một chiếc ổ cứng nhỏ, đĩa nhỏ có thể lưu được rất nhiều ảnh và hồ sơ, giảm thiểu diện tích mặt bằng phải sử dụng đến” - Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng nói.

Từ số tiền tiết kiệm được, Bệnh viện có nguồn vốn để tái đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống lưu trữ, nâng cao chất lượng chuyên môn, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Năm 2019, có khoảng 50 bệnh viện lớn trên toàn quốc tham gia Đề án thí điểm hệ thống PACS

PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng còn là Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học Hạt nhân Việt Nam, là người trực tiếp tham gia Đề án thí điểm hệ thống PACS của Bộ Y tế.

Đề án thí điểm hệ thống PACS có 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên từ năm 2015 - 2017, có 5 bệnh viện tham gia; Giai đoạn thứ hai từ năm 2017 trở đi, ứng dụng hệ thống tới nhiều bệnh viện trên toàn quốc.

Hệ thống PACS đã chứng tỏ hiệu quả về kinh tế, hiệu quả môi trường, hiệu quả chuyên môn, nên chỉ hết giai đoạn 1, đã có nhiều bệnh viện được trang bị hệ thống PACS.

Tính hết năm 2019, sẽ có khoảng 50 bệnh viện lớn được đầu tư, trang bị hệ thống công nghệ thông tin, đủ điều kiện để ứng dụng hệ thống PACS.