The Washington Post: Mỹ lên kế hoạch cung cấp bom thông minh JDAM cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ đang lên kế hoạch gửi cho Ukraine thiết bị điện tử tiên tiến để biến các loại vũ khí hàng không không điều khiển thành "bom thông minh" có thể tấn công các vị trí, mục tiêu của Nga với độ chính xác cực cao.
Bom thông minh JDAM gắn trên máy bay chiến đấu F-16 (Ảnh: Shutterstock).
Bom thông minh JDAM gắn trên máy bay chiến đấu F-16 (Ảnh: Shutterstock).

The Washington Post ngày 14/12 đưa tin, theo tiết lộ của các quan chức cấp cao của Mỹ quen thuộc với vấn đề này, các bộ thiết bị này bao gồm hệ thống định vị toàn cầu GPS để định vị chính xác, có thể được gắn cố định lên các loại vũ khí khác nhau để tạo ra thứ mà Lầu Năm Góc gọi là Đạn tấn công trực tiếp chung (The Joint Direct Attack Munition, JDAM). Quân đội Mỹ đã áp dụng công nghệ này cho những quả bom nặng tới 2.000 pound (gần 910 kg), thường được sử dụng để trang bị cho các loại máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden hay bất kỳ cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu nào của ông có đồng ý với đề xuất liên quan hay không. Ngoài ra, do tính chất nhạy cảm của vụ việc, quan chức chính quyền giấu tên không nói rõ liệu các lực lượng Ukraine có lắp đặt bộ thiết bị điện tử tiên tiến trên máy bay chiến đấu hoặc vũ khí mặt đất, cũng không tiết lộ hệ thống vũ khí cụ thể nào của Ukraine sẽ sử dụng những thiết bị này.

Nhân viên kỹ thuật gắn thiết bị GPS lên bom JDAM (Ảnh: Washington Post).

Nhân viên kỹ thuật gắn thiết bị GPS lên bom JDAM (Ảnh: Washington Post).

Lực lượng không quân Ukraine hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào các máy bay chiến đấu dòng MiG cũ có từ thời Liên Xô. Tuy Lầu Năm Góc đã tìm cách nâng cấp chúng, nhưng không cung cấp các máy bay chiến đấu mới hơn của phương Tây, vốn đòi hỏi phải bảo dưỡng và phải thực hiện các khóa huấn luyện mới phi công rất phức tạp.

Việc Mỹ cung cấp JDAM cho Ukraine sẽ mang lại cho Kiev một phương thức mới để nhắm mục tiêu vào các đơn vị quân đội và sở chỉ huy của Nga, điều này sẽ tượng trưng cho một bước đi quan trọng khác của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga. Kể từ tháng 6, Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS, một hệ thống chính xác khác do Mỹ sản xuất, gây thương vong đáng kể cho quân đội Nga và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế, các quan chức Ukraine và Mỹ cho biết.

Chính quyền Biden trước đây đã trang bị cho Ukraine các loại vũ khí tiên tiến khác, bao gồm tên lửa chống bức xạ tốc độ cao phóng từ trên không (High-speed Anti Radiation Missile, HARM), để tăng cường khả năng thực hiện các cuộc không kích của Ukraine. Nhưng những vũ khí đó hoạt động khác với JDAM dẫn đường bằng GPS, mà là săn bức xạ do các đơn vị và sở chỉ huy của Nga phát ra.

Hệ thống phòng không tiên tiến Patriot Mỹ sắp cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Reuters).

Hệ thống phòng không tiên tiến Patriot Mỹ sắp cung cấp cho Ukraine

(Ảnh: Reuters).

Điện Kremlin đã phản ứng giận dữ trước việc phương Tây rót viện trợ quân sự, đưa ra những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh lan rộng hơn với NATO. Vì lý do đó, chính quyền Joe Biden đã tìm cách thận trọng trong việc phê duyệt các khả năng mới mà Nga có thể coi là hành động leo thang.

Hôm thứ Ba (13/12), các quan chức cấp cao của Mỹ nói với The Washington Post rằng Lầu Năm Góc cũng đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa Patriot, thứ vũ khí phòng không tinh vi nhất của quân đội Mỹ. Các quan chức cho biết ông Biden vẫn chưa phê duyệt, nhưng có thể làm như vậy ngay lập tức.

Các nhà lãnh đạo Ukraine đã khẩn cầu sự giúp đỡ của Mỹ và NATO để tăng cường khả năng phòng không của họ khi Nga thực hiện một cuộc tấn công không ngừng vào lưới điện quốc gia, làm mất nguồn nhiệt sưởi ấm cho phần lớn dân số Ukraine khi mùa đông lạnh giá đang đến. Việc cung cấp hệ thống tên lửa Patriot, dựa vào radar và tên lửa tầm xa để đánh chặn các mối đe dọa sắp tới, sẽ đáp ứng một trong những yêu cầu lớn nhất và thường xuyên nhất của Ukraine đối với Washington.

Đài CNN hôm 13/12 dẫn các nguồn tin cho biết, trong tuần này, Mỹ có thể thông báo chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Kiev. Cựu tướng quân đội Mỹ Mark Hertling nói, quân đội Ukraina sẽ không thể sử dụng Patriot ngay sau khi nhận được nó, điều này sẽ mất thời gian để chuẩn bị các đơn vị của Ukraina về sử dụng tổ hợp nếu việc đào tạo không được tiến hành bí mật trước.

Hôm thứ Tư (14/12), ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TsAMTO) cho rằng, việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không (SAM) Patriot của Mỹ cho chế độ Kiev, nếu xảy ra, sẽ là một bước cơ bản của Hoa Kỳ dẫn tới leo thang. Ông nói với Hãng thông tấn Nga Sputnik: “Đây sẽ là một bước cơ bản hướng tới sự leo thang từ phía Washington, nhằm mục đích không chỉ kéo dài sự tồn tại của chính quyền Vladimir Zelensky, mà còn làm phức tạp đáng kể các cuộc không kích của Nga nhằm vào các mục tiêu chính của hệ thống quản lý quân sự và nhà nước, cũng như hệ thống năng lượng của Ukraina”.

Video về một số vụ tấn công chính xác mục tiêu của bom thông minh DJAM

(Nguồn: Chinatimes).

Ông Korotchenko nhấn mạnh: "Bộ chỉ huy quân đội Nga cần xây dựng một kế hoạch hành động phù hợp ngay bây giờ nếu việc chuyển giao như vậy trở thành hiện thực và làm mọi cách để ngăn chặn việc tạo ra một hệ thống phòng không tích hợp ở Ukraina."

Đến nay, Mỹ đã cam kết viện trợ an ninh khoảng 20 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu “Chiến dịch Quân sự đặc biệt” chống Ukraine vào ngày 24/2.

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, hôm thứ Hai (12/12) nói rằng chính quyền đang tập trung vào việc “làm mất đi bất kỳ nỗ lực nào của Nga” để giành lợi thế trong cuộc chiến và nói Mỹ sẽ sớm công bố chuyển giao vũ khí mới cho Ukraine.