"Tàu ngầm tận thế" của Nga được chuyên gia Mỹ đánh giá là khuấy động "Chiến tranh Lạnh mới" có gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hải quân Nga đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm dài nhất thế giới mà nhà sản xuất mô tả là tàu nghiên cứu, trong khi truyền thông Mỹ nói là tàu do thám và có thể mang vũ khí hạt nhân.
Tàu ngầm Belgorod trong bức ảnh chụp năm 2019 (Ảnh: TASS)
Tàu ngầm Belgorod trong bức ảnh chụp năm 2019 (Ảnh: TASS)

Hải quân Nga đã tiếp nhận tàu Belgorod hồi đầu tháng này tại cảng Severodvinsk - theo công ty đóng tàu lớn nhất của nước này, Sevmash. Nhiều chuyên gia cho rằng thiết kế của nó là một phiên bản được cải biến của tàu ngầm tên lửa định hướng lớn Oscar II, nhưng dài hơn để sau này có thể mang theo ngư lôi tàng hình mang đầu đạn hạt nhân và trang thiết bị thu thập thông tin tình báo.

Nếu tàu Belgorod có thể thêm được những sức mạnh mới đó cho hạm đội của Nga, nó có thể tạo ra sự trở lại của một cuộc Chiến tranh Lạnh trên đại dương trong thập kỷ tới mà trong đó các tàu ngầm của Mỹ và Nga theo dõi, săn lùng lẫn nhau trong các cuộc đối đầu căng thẳng.

Với chiều dài hơn 184 m, Belgorod là chiếc tàu ngầm dài nhất thế giới tính đến thời điểm này – thậm chí nó còn dài hơn cả các tàu ngầm tên lửa dẫn đường và đạn đạo thuộc lớp Ohio của Hải quân Mỹ, có chiều dài 171 m.

Tàu Belgorod được hạ thủy vào năm 2019 và đáng lẽ ra đã được bàn giao cho Hải quân Nga từ năm 2020 sau quá trình thử nghiệm, nhưng kế hoạch này bị chậm trễ do đại dịch COVID-19, theo hãng thông tấn TASS của Nga. Hiện vẫn chưa có thời gian triển khai cụ thể con tàu này.

Hình ảnh đồ họa mô tả thiết kế và thông số kỹ thuật của Belgorod và Poseidon (Ảnh: Covert Shores)

Hình ảnh đồ họa mô tả thiết kế và thông số kỹ thuật của Belgorod và Poseidon (Ảnh: Covert Shores)

“Siêu ngư lôi”

Theo kênh CNN của Mỹ, thứ duy nhất khiến tàu Belgorod khác biệt so với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử trong Hải quân Nga – hoặc các tàu ngầm nguyên tử đang hoạt động trên khắp thế giới – chính là nhiệm vụ của nó.

Theo TASS, con tàu ngầm này sẽ được trang bị các ngư lôi có thể mang đầu đạn hạt nhân Poseidon, hiện đang trong quá trình phát triển. Poseidon có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm dặm và né tránh các hệ thống phòng thủ bờ biển bằng cách di chuyển dọc theo đáy biển.

“Loại “siêu ngư lôi” nguyên tử này là độc nhất trong lịch sử thế giới,” chuyên gia về tàu ngầm của Mỹ, H. I. Sutton viết trên website Covert Shores của mình trong tháng 3. “Poseidon là một lớp vũ khí hoàn toàn mới. Nó sẽ làm thay đổi việc hoạch định hải quân ở cả Nga và phương Tây, dẫn tới sự phát triển các vũ khí phản kháng mới.”

Giới chức ở cả Nga và Mỹ đều nói rằng, mẫu ngư lôi này có thể mang theo nhiều đầu đạn có trọng lượng lớn, tạo ra những cơn sóng phóng xạ, khiến cho những vùng bờ biển bị nó tấn công không thể sống được trong suốt nhiều thập kỷ.

Vào tháng 11/2020, ông Christopher A. Ford, lúc bấy giờ là trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề an ninh và chống phổ biến hạt nhân, nói rằng Poseidon đang được thiết kế để “nhấn chìm các thành phố bờ biển của Mỹ bằng sóng thần phóng xạ.”

Một bản báo cáo của Ủy ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) trong tháng 4 nói rằng Poseidon được chế tạo với mục đích sử dụng như một loại vũ khí trả đũa, đáp trả lại kẻ địch sau khi có một đòn tấn công hạt nhân nhằm lãnh thổ Nga.

Theo báo cáo của CRS, tàu ngầm Belgorod đủ khả năng mang theo 8 ngư lôi Poseidon, mặc dù một số chuyên gia vũ khí cho rằng nó chỉ mang theo được 6 quả.

Năm 2019, ông Sutton viết rằng Poseidon, dự kiến có đường kính 2 m và chiều dài 20 m, “là ngư lôi lớn nhất từng được phát triển” trên thế giới. Nó có kích thước “lớn gấp 3 lần nếu so với các loại ngư lôi “hạng nặng” thông thường,” ông Sutton viết.

Ảnh đồ họa mô tả thiết kế của Poseidon (Ảnh: Naval News)

Ảnh đồ họa mô tả thiết kế của Poseidon (Ảnh: Naval News)

Nhiều ngờ vực

CRS báo cáo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tiết lộ về Poseidon trong một bài phát biểu năm 2018, nói rằng “Chúng ít gây tiếng ồn, có khả năng cơ động cao và có rất ít điểm yếu để kẻ địch có thể khai thác.”

Nếu được lắp đầu đạn truyền thống, Poseidon có thể được sử dụng để tiêu diệt nhiều mục tiêu “bao gồm các nhóm tàu sân bay, căn cứ phòng thủ dọc bờ biển và cơ sở hạ tầng,” ông Putin nói.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ngờ vực về khả năng thực sự của loại vũ khí này, và liệu nó có thể được biên chế trong quân đội Nga hay không.

“Đây vẫn chỉ là một công nghệ đang trong quá trình phát triển, cả ngư lôi lẫn nền tảng phóng,” Hans Kristensen, Giám đốc của Dự án Thông tin Nguyên tử tại Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Poseidon được dự kiến là sẽ tiếp tục được phát triển và chỉ có thể sẵn sàng được triển khai trong nửa sau của thập kỷ này, ông Kristensen cho hay. CRS nói rằng phải đến năm 2027 Poseidon mới có thể được triển khai.

Vị chuyên gia chỉ ra rằng bản thân tàu ngầm Belgorod thực ra chỉ là một tàu thử nghiệm cho lớp tàu ngầm nguyên tử Khabarovsk sắp ra mắt, chiếc đầu tiên có khả năng được hạ thủy ngay trong năm nay. Bên cạnh đó, khả năng nghèo nàn của quân đội Nga cũng được thể hiện rõ trong cuộc chiến ở Ukraine, trong đó nhiều chuyên gia phân tích cho là do thiết kế vũ khí không tốt và quy trình bảo dưỡng nghèo nàn.

“Ukraine là một lời nhắc nhở rằng các loại vũ khí tối tân của Nga không phải những viên đạn bạc mà đầy các vấn đề về độ tin cậy. Có nhiều lý do để tin rằng một loại ngư lôi hạt nhân có tầm bắn liên lục địa cũng sẽ gặp phải những vấn đề tương tự,” ông Kristensen nói.

Nhưng nhiều chuyên gia khác lại tỏ ra thận trọng khi cho rằng tàu ngầm Belgorod hay ngư lôi Poseidon không được như lời quảng cáo.

“Đưa ra những nhận định về các sức mạnh chiến thuật dưới mặt đất, dưới lòng biển, hay lực lượng nguyên tử của Nga – đặc biệt là dựa trên thực tế ở Ukraine – có thể dẫn đến việc đánh giá thấp nguy hiểm về lực lượng chiến lược của họ,” Thomas Shugart, cựu sĩ quan lực lượng tàu ngầm của Mỹ và hiện là chuyên gia phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.

“Cũng giống như việc quan sát pha rút quân đầy hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, và sau đó đặt nghi vấn về sức mạnh của tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ vậy – đó là một kết luận mà các địch thủ của Mỹ sẽ chỉ đưa ra nếu như đã hứng chịu tổn thất,” vị chuyên gia nói thêm.

Ảnh đồ họa mô tả thiết kế của tàu ngầm lớp Khabarovsk (Ảnh: Covert Shores)

Ảnh đồ họa mô tả thiết kế của tàu ngầm lớp Khabarovsk (Ảnh: Covert Shores)

“Trò mèo vờn chuột dưới nước”

Tàu ngầm Belgorod có thể là chiếc đầu tiên trong một hạm đội gồm 4 tàu ngầm có thể mang theo Poseidon, CRS nói, trong đó 2 chiếc sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương và 2 chiếc gia nhập Hạm đội phương Bắc của Nga.

Ông Sutton viết vào năm 2020 rằng 3 tàu ngầm tiếp theo được trang bị Poseidon, thuộc lớp Khabarovsk đã đề cập tới, “rất có khả năng trở thành mẫu tàu ngầm định hình những năm 2020 bởi chúng đại diện cho một địch thủ khó nhằn.”

“Hải quân các nước khác ít khả năng ganh đua với nó, mà họ sẽ muốn chống lại nó,” ông Sutton nói về lớp Khabarovsk. “Trò chơi mèo vờn chuột dưới nước mà trong đó các tàu ngầm của Mỹ và Anh theo đuổi tàu ngầm Nga, có thể được tái hiện lại. Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương” có thể sớm xuất hiện, ông viết.

Mặc dù tàu Belgorod có thể chỉ là nền tảng thử nghiệm ngư lôi Poseidon, nhưng ông Sutton nói rằng chiếc tàu ngầm này cũng có thể hoạt động như một nền tảng thu thập thông tin tình báo.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra hồi đầu tháng này, hãng đóng tàu Nga nhấn mạnh về những khả năng phi quân sự của tàu Belgorod, nói rằng con tàu này mở ra “nhiều cơ hội mới cho nước Nga” trong việc thực hiện “những cuộc khám phá khoa học, chiến dịch cứu hộ ở những khu vực địa dương xa xôi của thế giới.”

Theo CNN