Theo kế hoạch phê duyệt, trong 2 năm này, 432 DNNN phải cổ phần hóa, và 22 doanh nghiệp cần bán, giao, giải thể, phá sản.
Sở dĩ con số lớn như vậy, theo ông Phạm Viết Muôn, là do trong ba năm 2011-2013, tỷ lệ cổ phần hóa đạt thấp, chỉ 99 doanh nghiệp. Vì thế trong 2 năm cuối của kế hoạch 5 năm, Chính phủ đặt mục tiêu mỗi năm hơn 200 doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Hà Nội dẫn đầu danh sách cổ phần hóa
Theo số liệu tổng kết, trong 5 năm, tỷ lệ cổ phần hóa đạt 93% so với mục tiêu.
Các đơn vị đạt kết quả cao trong việc cổ phần hóa DN gồm Hà Nội (cổ phần hóa được 32 DN), Tổng Công ty đường sắt (24 DN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (9 DN), Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (8 DN), Hải Phòng (7 DN), Bộ Giao thông vận tải (6 DN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (4 DN), Nghệ An (4 DN)…
Những đơn vị đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả gồm Bộ Công Thương (2/12 DN), Bộ Tài nguyên Môi trường (0/5), Bộ Thông tin và truyền thông (0/4 DN), Nam Định, Tiền Giang (0/5 DN), TP HCM (6/21 DN), Bình Dương, Đăk Lăk, Gia Lai cùng 0/3 DN.
Đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành
Về việc thoái vốn nhà nước, trong năm 2015 (tính đến ngày 25/12/2015), cả nước thoái được 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng bằng 1/5 lần giá trị sổ sách trong đó các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính ngân hàng là 4.418 tỷ đồng thu về 4.956 tỷ đồng.
Các đơn vị đạt kết quả tốt trong việc thoái vốn năm 2015 gồm Tập đoàn Viễn Thông Quân đội (đã thoái được 3.026 tỷ đồng, thu về 3.540 tỷ đồng), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (thoái 918 tỷ đồng, thu về 1.256 tỷ đồng), Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (thoái 1.448 tỷ đồng thu về 4.100 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thoái 362 tỷ đồng, thu về 1.122 tỷ đồng).
Vụ Đổi mới Doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) đánh giá tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt vốn nhà nước tại các công ty cổ phần đã được đẩy nhanh, nhưng số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn.
Trong năm 2016, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cả về số lượng và chất lượng.
Vào tháng 4 vừa qua, nhà đài VTV cũng xin thoái vốn khỏi K+ vì thua lỗ. Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) – ông Nguyễn Thành Lương đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình tổ chức hoạt động quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+).
Vốn hoạt động chủ yếu của VSTV là vốn vay (66 triệu USD/86 triệu USD), chiếm 77% trong tổng số vốn đầu tư nên chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn nhất là trong bối cảnh tỷ giá USD biến động mạnh theo hướng bất lợi. Hiện chi phí trả lãi vay của K+ mỗi năm là hơn 100 tỷ đồng.
Theo VTV, K+ liên tục chịu lỗ trong suốt 6 năm qua. Năm 2009, số lỗ trước lãi vay là 59,5 tỷ đồng, sau đó tăng lên 154-400 tỷ đồng những năm sau đó (nếu tính sau lãi vay, con số này dao động trong khoảng 59,5-453 tỷ mỗi năm).
Riêng năm 2015, dù tuyên bố vào giữa năm đã đạt điểm hòa vốn, song kết thúc năm tài chính, K+ vẫn lỗ 11 tỷ (trước lãi vay). Đến hết năm, lỗ lũy kế của K+ là gần 2.000 tỷ đồng.
“Trong trường hợp áp dụng mọi giải pháp vẫn không đạt được các mục tiêu, VTV đề nghị thoái vốn Nhà nước tại K+, trình Thủ tướng xem xét”, báo cáo nêu rõ.
Theo Zing