Sau lời xin lỗi của trụ trì chùa Ba Vàng, cần xử lý nghiêm và đẩy mạnh truyền thông

VietTimes -- Trong câu chuyện nhà chùa nhận tiền cúng dường để giải vong, người dân đã nghe được lời xin lỗi của trụ trì chùa Ba Vàng, nhưng cần hơn nữa là sự thay đổi sau câu chuyện đáng tiếc này, để người dân theo bất kỳ phái Phật giáo nào cũng đều tốt đẹp và hướng thiện.

Chiều 29/3/2019, sau những ngày xôn xao về vụ việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) tổ chức gọi vong, cúng oan gia trái chủ thu hàng trăm tỉ đồng và những bài giảng của bà Phạm Thị Yến, một Phật tử chùa Ba Vàng, trái với luân thường đạo lý, gây bức xúc dư luận, Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa - đã thừa nhận sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Phật giáo, chính thức xin lỗi nhân dân, tăng ni, Phật tử, tín đồ trên cả nước.

Theo quan điểm Phật giáo, xin lỗi gọi là sám hối, để không phạm tội cũ, không tạo lỗi mới. Sám hối phải xuất phát từ động cơ chính yếu là tâm thấy hổ thẹn và mong cầu tiến. Tuy nhiên, phần đông người có tội lỗi đều tìm cách khéo léo che đậy cho người khác không thấy lỗi của mình. 

Trước khi nói lời xin lỗi, trụ trì chùa Ba Vàng từng tìm cách giải thích: "Giáo lý của đạo Phật nói về luật nhân quả, giải vong, báo oán là cách giúp người ta biết sợ quả báo mà phải sửa mình". Cách nói này cũng không thể che giấu bản chất mê tín dị đoan của hành vi "gọi vong đóng tiền". 

Phải có chế tài xử lý hành vi "gọi vong đóng tiền"

Các vị chức sắc GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đều thống nhất quan điểm “sư trụ trì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Vì vậy bên cạnh lời xin lỗi, sư trụ trì còn phải trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc nhận tiền của người dân cúng "oan gia trái chủ" ở chùa thời gian qua.

Trên cơ sở quan điểm của GHPGVN, cơ quan chức năng địa phương cần xác định mức độ vi phạm, căn cứ vào quy định pháp luật để công khai hình thức xử lý, giải quyết triệt để và mang tính răn đe. Tránh tình trạng để lâu sẽ "biến tướng" thành nhiều "mô hình chùa Ba Vàng" ở một số chùa và tăng ni, khiến vấn đề ngày càng phức tạp.

Trước đó, UBND phường Quang Trung ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hành nghề mê tín dị đoan" với bà Phạm Thị Yến, mức xử phạt 5 triệu đồng, theo Nghị định 158. Đây mới là mức phạt ban đầu, chưa phải hình thức xử lý cuối cùng với bà Yến. 

Xử phạt hành chính ban đầu với bà Phạm Thị Yến số tiền 5 triệu đồng.
Xử phạt hành chính ban đầu với bà Phạm Thị Yến số tiền 5 triệu đồng.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm khác của bà Yến như: thông tin trục lợi, hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đăng ký ở chùa Ba Vàng.

Nhiều luật sư và nhà nghiên cứu phân tích có dấu hiệu lừa đảo trong việc thỉnh vong và cúng "oan gia trái chủ" của bà Yến và chùa Ba Vàng. 

Chính quyền sở tại cũng đã khuyến khích người dân tố giác việc bà Phạm Thị Yến, chùa Ba Vàng lợi dụng gọi vong và cúng "oan gia trái chủ" để thu tiền. Một số người đã tìm tới các văn phòng luật sư, cơ quan báo chí để tố giác việc đã nộp hàng chục triệu đồng cúng vong ở chùa Ba Vàng. 

Trả lại cho Phật giáo giá trị đích thực

Sau khi trụ trì chùa Ba Vàng xin lỗi trong phiên họp bất thường ngày 29/3, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị tăng ni, Phật tử chùa Ba Vàng và các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tích cực hoạt động Phật sự, tu học theo hướng Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.

Đây cũng là dịp để truyền thông chấn chỉnh những méo mó xung quanh việc kinh doanh dưới "vỏ" tâm linh, trả lại cho tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng những giá trị đích thực.

Nhiều diễn đàn Phật Giáo đã chia sẻ những lời răn dạy của Pháp chủ Giáo hội Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ nhấn mạnh vai trò của người xuất gia trong việc gìn giữ sự trong sáng, tính chân thiện mỹ của Phật pháp: Đó là phải có trách nhiệm hiểu giáo lý của đạo Phật, để chuyên tâm phụng đạo, giữ gìn Phật pháp.

"Thiện thượng, hạ địa, duy ngã độc tôn" là câu của Thái tử Tất Đạt Đa (sau này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) ý nói chỉ có "ta" mới quyết định được cho chính ta. Đây cũng chính là cách tư duy của Phật giáo nguyên thủy, nhằm đề cao nỗ lực tu tập của bản thân. Vì chỉ chính mình mới gieo nhân, gặt quả cho bản thân. Phật không tác động được cả hữu hình lẫn siêu hình lên khách thể, nên không cho, không nhận, không thưởng, không phạt.

Bởi thế, người dân cần hiểu được "vô ngã" để không bị lợi dụng đến con đường dùng tiền để quy đổi, giải nghiệp.

Người tu hành cũng cần tu tập để có chính tư duy, chính ngữ, chính kiến, chính nghiệp mới đủ khả năng khai sáng cho tín đồ, giúp họ tạo nghiệp tốt, gieo nhân thiện, gặt quả lành.