Thượng tọa Thích Tiến Đạt:

“Xoáy vào 'vong' báo oán và bắt bỏ tiền ra để 'giải', là trục lợi”

Viettimes -- Vụ việc thỉnh vong, cúng “oan gia trái chủ” với giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) không chỉ gây xôn xao dư luận, mà còn làm hoang mang niềm tin tâm linh vốn xưa nay được người Việt coi trọng. Làm thế nào để phân biệt tín ngưỡng với mê tín dị đoan, là câu hỏi đưa chúng tôi tìm đến ngôi chùa Đại Từ Ân nằm sâu cuối một con đường ở huyện Đan Phượng (Hà Nội), để gặp vị sư uyên bác trụ trì ngôi chùa đang có hàng trăm học viên Phật giáo theo học: Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt
Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Tín ngưỡng hay trục lợi?

 Trong không gian trầm mặc của ngôi chùa, Thượng tọa Thích Tiến Đạt trò chuyện với chúng tôi về Phật pháp bằng sự minh triết của một người có nhiều năm nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Ông giải thích sự khác nhau của tín ngưỡng và đạo Phật một cách giản dị: Tín ngưỡng của người đi chùa khác với quan điểm của phật tử chân chính, càng khác với quan điểm của những nhà tu hành. Có việc sẽ đúng với người dân, nhưng chưa chắc đã đúng với tín đồ đạo Phật, hoặc ngược lại, đúng với tín đồ nhưng chưa chắc đã đúng với người tu. “Ở mỗi vị trí khác nhau sẽ có cách hiểu khác nhau - vị hòa thượng nhấn mạnh.

Trước sự băn khoăn của chúng tôi về câu chuyện cúng vong ở chùa Ba Vàng là tín ngưỡng hay mê tín, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho hay: Đức Phật không nói chuyện cúng vong có hay không, nhưng tại sao các chùa lại cúng vong? Việc cúng vong là phong tục tập quán dân gian từ xưa đến nay, cho nên không thể nói là “không có”, cũng không thể nói là “có”.

“Bởi nếu nói 'không có', sẽ sụp đổ cả một nền tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, hệ thống hiếu đạo. Bởi nếu không có vong linh thì thờ cúng ông bà tổ tiên làm gì? Do vậy, vấn đề cần được nhìn nhận ở góc độ nào. Phật giáo đến nước nào đều thu nhập tín ngưỡng bản địa của nước đó, là sự tiếp biến văn hóa thường có. Mà ở Việt Nam, sự hiếu đạo, thờ cúng ông bà tổ tiên đã có trước khi đạo Phật đến. Do đó, nếu phế bỏ thì đạo Phật sẽ không có chỗ đứng ở Việt Nam, nên phải tiếp nhận. Về đạo đức văn hóa, việc thờ cúng ông bà tổ tiên là đúng. Bởi đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục hiếu đạo - một trong ba “chân kiềng” tạo nên văn hóa Việt Nam đã có từ thời Hùng Vương và được thế giới công nhận. Nhưng nếu nhìn theo “chiết trung” của đạo Phật, thì Đức Phật phủ nhận chuyện này.”- Thượng tọa Thích Tiến Đạt nhấn mạnh.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt đã kể một câu chuyện rất ý nghĩa mà ông bảo có từ thời Đức Phật: Một vị đại vương làm giỗ bố rất lớn, mời cả Đức Phật và chư Tăng đến dự. Sau khi ăn xong, ông hỏi Đức Phật rằng ông cúng như thế thì bố mẹ, tổ tiên có về ăn không? Nếu không ăn được thì có nên cúng nữa hay không? Đức Phật hỏi lại: “Trong đời đại vương đã từng bỏ tù ai chưa nếu họ vi phạm và nếu có thì khi gia đình họ có việc, đại vương có thả cho về không?”. Vị đại vương trả lời: “không thả, trừ khi nào họ ra tù”. Lập tức, đức Phật bảo: "Cũng như vậy, một người phải vào địa ngục thì không ai thả cho họ về để ăn giỗ. Nhưng vẫn nên cúng. Cúng là để tưởng nhớ những người đã mất, chứ không phải cúng để ông bà tổ tiên về ăn và phù hộ, rồi đốt vàng mã là sai".

Thượng tọa Thích Tiến Đạt
Thượng tọa Thích Tiến Đạt 

“Ta làm rạch ròi để biết thế nào là tín ngưỡng, là trục lợi: Nếu ai đó lợi dụng lòng tin của người khác một cách mù quáng, thì đó là trục lợi. Ví dụ rằm tháng bảy chùa cúng vong, mọi người cứ đến tụng kinh để cầu siêu độ, sau đó nhà chùa giảng dạy đạo lý cho họ, thì đó là tín ngưỡng thuần túy. Nhưng nếu cứ xoáy vào việc “vong” báo oán, phải bỏ tiền ra để “giải”, thì rõ ràng là trục lợi.”- Thượng tọa Thích Tiến Đạt nhấn mạnh.

Cúng vong là tín ngưỡng dân gian, không phải của đạo Phật

Giáo lý đạo Phật cũng hoàn toàn không có việc cúng sao, nhưng hiện nay lại có, cũng có lý do lịch sử. Phật giáo bác học khác với Phật giáo quần chúng. Tín ngưỡng phổ thông dành cho những người chỉ đi chùa lễ Phật vào ngày rằm, mùng một, lễ tết chứ không phải là người tu theo đạo Phật. Tín ngưỡng phổ thông chiếm đa số người dân Việt Nam. Còn những người học và tu theo đạo Phật thì ít (số phật tử, tăng ni hiểu sâu về đạo Phật lại khác).

Chính vì vậy, không có gì lạ khi Giáo hội Phật giáo khẳng định không có cúng vong, cúng sao, nhưng trụ trì chùa vẫn bảo có. Họ có căn cứ của họ, nhưng vấn đề là xem xét ở vị trí nào? Nếu nói về nhà tu hành thì phải đặt vào vị trí của người tu hành để hiểu đạo Phật, chứ không thể đặt vào vị trí của người đi lễ dân gian. Đây gọi là thuyết chính danh.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt cũng cho biết, ông đã nghe từ lâu về những vụ việc ở chùa Ba Vàng. “Tất cả các chùa ở miền Bắc, miền Nam đều có cúng vong, vì cứ có người chết là đưa lên chùa để cúng vong. Mà đã cúng vong thì phải thỉnh vong. Đây gọi là tín ngưỡng phổ thông. Nhưng điều mà người ta làm không đúng là mời một vong linh nhập vào ai đó để nói chuyện. Việc này không có trong giáo lý đạo Phật. Không ai có khả năng mời vong linh đã chết nhiều đời, nhiều kiếp nhập vào người để nói chuyện, càng không có vong linh nào có thể nhập vào cơ thể chúng ta đang sống được, bởi vật chất (Sắc) và tâm (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) của con người chúng ta gắn kết chặt chẽ với nhau. Khi chết, hồn mới tách ra được, nhưng người khác cũng không nhập vào được. Điều này có thể rất rõ: Nếu thỉnh vong linh nhập vào thân thể tôi được, thì tôi có thể thỉnh ngay Đức Phật nhập vào thân thể tôi để thuyết pháp, không cần các thầy sư thuyết pháp nữa.”- Thượng tọa Thích Tiến Đạt lý giải.

Chùa Đại Từ Ân - nơi Thượng tọa Thích Tiến Đạt trụ trì
Chùa Đại Từ Ân  - nơi Thượng tọa Thích Tiến Đạt trụ trì

Về việc cúng vong, Thượng tọa nói thêm: Người ta chỉ cúng vong trong giai đoạn "trung ấm", tức là sau khi người chết và được cho là “hồn” chưa đầu thai vào kiếp khác. Giai đoạn này nhiều nhất là 49 ngày, vì có người sau khi chết, “hồn” lập tức đầu thai vào kiếp khác, có người thì 7 ngày, có người 14 ngày mới nhập. Vì thế cúng vong là để cảnh tỉnh cho “hồn” đừng lạc vào đường tà, mà hướng đến thiện đạo, nên gọi là “khai thị” cho vong. Qua giai đoạn này, có cúng cũng chỉ là cầu siêu chứ không có tác dụng “khai thị”, bởi “hồn” đã đi rồi, ai vào địa ngục thì đã vào rồi, nên chỉ còn là “thăm hỏi, động viên”, chứ không thể giúp cho họ thoát được địa ngục, trừ khi họ tự cải tạo tốt. Không ai có thể biết được kiếp trước kiếp sau của chúng sinh, ngoài Đức Phật, các vị A La Hán. Địa ngục là cảnh giới riêng, độc lập và không ảnh hưởng gì đến chúng ta và chúng ta cũng không thể làm gì ảnh hưởng được tới nó.

Đạo Phật không có chủ trương, cũng không có quan điểm, mà thấy thế nào nói thế. Chủ trương, quan điểm là của cá nhân mỗi người. Cái thấy của Đức Phật là cái thấy đúng chân lý. Nhưng sau này mỗi trường phái giải thích theo mỗi cách khác nhau nên rất phức tạp.

Trước khi về lại trai phòng, Thượng tọa Thích Tiến Đạt kết thúc câu chuyện với chúng tôi thật ý nghĩa:  “Ranh giới giữa tín ngưỡng đạo Phật và mê tín khó phân định. Mê tín nghĩa là tin mà không hiểu, tin một cách mù quáng. Dù là chính pháp của Phật nhưng nếu tin một cách mù quáng mà không thấu hiểu thì vẫn là mê tín. Bởi thế Đức Phật đã nói: “Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Phật giáo đòi hỏi tin bằng trí tuệ, bằng thực nghiệm, chứ không phải là tin qua tuyên truyền.”