Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định quan điểm của ông là người Việt vẫn có truyền thống thờ ông bà tổ tiên, nhưng không có chuyện vong báo oán và việc nhà chùa đưa ra mức giá tiền cụ thể khi cúng dường lại càng sai với tinh thần Phật học và chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thưa thượng tọa Thích Nhật Từ, xin ông cho biết quan điểm về việc vong đã chết nhập vào một người đang sống, rồi phải cúng "oan gia trái chủ" như ở chùa Ba Vàng có phải là chuyện bình thường của Phật học?
- Có thể có người nói tôi chưa đọc hết các loại kinh sách trên đời, tôi chỉ trả lời với tư cách là một nhà nghiên cứu và giảng dạy Phật học. Theo sự đọc của tôi thì trong kinh điển Phật giáo từ văn học Pali đến các kinh điển Đại thừa, có tổng cộng khoảng 38 ngàn đại kinh nhưng không có bài kinh nào đề cập đến hiện tượng vong nhập từ một người chết vào trong cơ thể của những người đang sống.
Đạo của đức Phật Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni lập ra ở Ấn Độ khi xưa, cốt yếu ở trong cái thuyết Tứ thánh đế và Thập nhị nhân duyên. Đó là phần đặc biệt của đạo Phật, mà Phật tổ đã khởi xướng lên trước tiên.
Đạo Phật là đạo gồm cả hai phương diện: thế gian và xuất thế gian, tức là cái đạo xét rõ thế gian là thế nào, để mà tìm cách giải thoát ra ngoài thế gian. Những thuyết bàn về luân hồi, về nghiệp báo, đều đã có.
Đạo Phật quan niệm khi con người trút hơi thở cuối cùng thì thân thể trở về với cát bụi, để bảo toàn năng lượng trong vòng luân hồi tái sinh. Còn phần linh hồn thì sẽ đi qua các cảnh giới khác nhau để học các bài học mới.
Kinh Phật không hề nói rằng hương hồn tồn tại rồi nhập vào thân thể người sống và yêu cầu người thân làm việc này việc kia, rồi phải trục vong như các nhà ngoại cảm Việt Nam vẫn đang làm khoảng ba thập niên gần đây.
Do đó bất kì ai dù là tăng ni hay phật tử, nhân danh Phật giáo tổ chức các sự kiện trục vong ra khỏi cơ thể người, xét về bản chất Phật học là chưa phù hợp với những gì Đức Phật giảng dạy trong các kinh.
Chúng ta phải biết phân định việc trục vong ra khỏi cơ thể còn sống mà một số người đã và đang làm dù nhân danh là ai đi nữa thì đó không phải là chủ trương của Đức Phật, không phải là quan điểm của Phật học truyền bá tới phổ thông đại chúng mà là chủ trương riêng của một số cá nhân.
Theo nghiên cứu của riêng cá nhân tôi, những người đang tham gia làm công việc trục vong có biểu hiện rối loạn đa nhân cách. Từ năm 2002 đến nay, tôi chuyên điều trị các trường hợp bị mắc căn bệnh này. Nếu không đi các tỉnh, hoặc đi thuyết pháp, tôi sẽ hỗ trợ được cho khoảng 3-4 trường hợp mỗi ngày.
Có nhiều cấp độ khác nhau của rối loạn tâm thần mà tôi từng điều trị. Nhẹ thì căng thẳng trong việc học, việc làm, không có biện pháp giải tỏa; bị nghiện facebook, nghiện internet, nghiện hút; bị xúc phạm nhân cách, bị cưỡng bức tình dục bởi người thân mà không dám nói ra; bị giáng chức, mất việc, bị stress nặng nề do tích tụ nhiều nỗi khổ niềm đau mà không dám nói ra; hoang tưởng âm thanh lúc nào cũng nghe thấy tiếng chửi bới, mắng nhiếc bên tai; bị hoang tưởng có cảm giác bị con vật nào đó bò lên người, cắn rứt trên cơ thể; bị ảo tưởng hào quang, bị tâm thần phân liệt đa nhân cách…
Người không có kiến thức về lĩnh vực này thường nghĩ rằng các biểu hiện trên là bị vong nhập, sẽ tìm nơi lễ vong, cúng bái. Tôi rất mong các gia đình hiểu đúng vấn đề, tìm hiểu kiến thức y khoa, đừng trở thành nạn nhân của mê tín dị đoan.
Nếu có người thân bị các chứng nói trên, hãy đưa đến chùa Giác Ngộ, tôi cam kết giúp đỡ để người bệnh tốt lên về sức khỏe thể chất và cả phục hồi cả tinh thần, nâng đỡ sự lạc quan, thư thái, mà không thu bất cứ một đồng tiền phí nào.
Thưa thượng tọa, khi người nhà gặp chuyện nghiêm trọng, bất cứ ai cũng sẽ cho rằng tiền không phải là vấn đề, cứu người quan trọng hơn. Nhưng khi nhà chùa thu tiền cúng dường với những mức giá cụ thể để làm công việc cúng "oan gia trái chủ" như chùa Ba Vàng có thể coi là hợp lý?
- Các nghi lễ tiến hành trục vong vốn không phải của Phật giáo, không phải chủ trương của nhà Phật, mà lại quy định về giá cả từ vài triệu đến vài chục triệu đồng (nếu có thật) thì lại càng sai với tinh thần phụng sự nhân sinh – tức là thiết thực cúng dường các Đức Phật, cũng là sai với các chủ trương nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đạo Phật quan niệm khi nhà chùa làm một chuyện tốt, chuyện nhân văn, phụng sự nhà Phật, thì việc cúng dường của phật tử là tùy hỷ vào công đức, ai có điều kiện thì tùy họ phát tâm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không quy định giá cả cụ thể cho từng hoạt động.
Nếu công việc cần chi phí, thì rất cụ thể, là chi phí cho điện, nước, hương, hoa… chứ không thể có chuyện công đức có thể quy đổi ra thành một giá thành nào hết.
Thưa ông, vậy phật tử nên tiếp nhận chuyện cúng vong như thế nào cho hợp lý?
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết tinh thần Phật giáo dạy rằng con người tự mình có thể làm chủ mạng sống của mình
|
- Truyền thống của người Việt mình vẫn cúng ông bà tổ tiên, đó là đạo lý của người làm con, cháu.
Phật học không thừa nhận có hiện tượng nhập vong. Việc lý giải tất cả những oan trái ở kiếp này, những nỗi khổ niềm đau, kiếp nạn do duyên số, do mắc nợ với các mối quan hệ khác trong quá khứ là hoàn toàn sai với quan niệm Phật học.
Trong quan niệm về định mệnh, Đức Phật dạy rằng nếu tin là cuộc sống hiện tại bị quyết định bởi một năng lượng nào đó trong quá khứ, rồi lại có thể dùng những năng lượng hiện tại để tác động vào nó, giả sử năng lượng của các nhân duyên mới bằng với năng lượng của các nhân duyên cũ, thì hai bên có khả năng triệt tiêu nhau, dẫn đến diệt vong.
Cái gọi là định mệnh (số mệnh của con người đã được an bài trước từ khi mới chào đời cho đến lúc mạng chung), nghĩa là một người sinh ra thì định mệnh của họ gắn liền với giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh và năm sinh đó, chỉ là quan niệm của một nhánh Phật pháp tồn tại ở Trung Quốc.
Tinh thần Phật giáo dạy rằng con người tự mình có thể làm chủ mạng sống của mình, chính mình ban vui hay giáng họa cho mình chớ Phật trời không can dự vào căn nghiệp của mình được. Cao hơn nữa, muốn có hạnh phúc, an vui, tự tại con người chỉ cần sống đời đạo hạnh, giữ tròn năm giới, nghĩa là không được sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Nếu thực hành được như thế là chính mỗi người trở về sống với đời sống đạo đức nhân bản, gia đình sẽ hạnh phúc, ấm êm, trên thuận dưới hòa. Bất kỳ ai quan niệm sai sẽ đánh mất cơ hội sống hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.