Dồn tiền cho quân sự
Tờ Themoscowtimes, chi phí quốc phòng 2016 của Nga dự kiến tăng 0,8%, thấp hơn so với mức tăng 10% trong vòng 5 năm tới theo kế hoạch thực hiện mục tiêu hiện đại hóa trang thiết bị đề ra bởi Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, mức chi tiêu này vẫn là một con số rất lớn so với các nước, nhất là trong bối cảnh Nga đang phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" cho 2016 khi mà nguồn thu liên tục sụt giảm rất mạnh.
Giá dầu hiện vẫn đang loanh quanh ngưỡng 40 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với tính toán của Nga trước đó là 100 USD/thùng khi lập kế hoạch ngân sách cho năm 2015.
Để bù đắp thâm hụt ngân sách, theo kế hoạch, trong năm 2016, Bộ Tài chính Nga sẽ phải vay trong nước gần 20 tỷ USD và có thể vay quốc tế khoảng 2 tỷ USD.
Đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí là một lựa chọn của ông Putin. |
Trong bối cảnh đó, việc thu về 18 tỷ USD nhờ xuất khẩu vũ khí trong 10 tháng đầu năm và triển vọng xuất khẩu vũ khí tươi sáng của Nga… là thông tin rất tích cực đối với nước này và có thể giúp ông Putin tiếp tục các chương trình đầy tham vọng của mình.
Trước đó, bắt đầu từ 2011, Kremlin triển khai kế hoạch tái trang bị vũ trang trị giá 20 ngàn tỷ rúp (gần 700 tỷ USD với tỷ giá khi đó) nhằm hiện đại hóa 70% lực lượng vũ trang Nga cho tới năm 2020. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc chi tiêu theo kế hoạch của chương trình nói trên đã gặp trở ngại.
Bước vào 2015, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) dự thảo ngân sách 3,3 ngàn tỷ rúp cho chi tiêu quốc phòng, sau đó được cắt giảm 5% xuống còn 3,1 ngàn tỷ rúp. Con số này vẫn tăng khoảng 26% so với năm 2014.
Trong cả năm qua, nước Nga vật lộn với hàng loạt các khó khăn khi giá dầu sụt giảm và bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Ông Putin đau đầu với khoản chi hàng trăm tỷ USD hiện đại hóa quân đội. Nước cờ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí đang là một giải pháp giúp Nga theo đuổi chiến lược trở thành cường quốc hàng đầu về quân sự.
Việc đồng rúp mất giá đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế nước này. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó giúp Nga lợi hơn khi xuất khẩu vũ khí. Mỗi hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 500 triệu USD giờ đây đổi được 33 tỷ rúp, thay vì 22,5 tỷ rúp hồi cuối 2014.
Kế hoạch hiện đại hóa quân đội và đầu tư mạnh hơn vào phát triển vũ khí trị giá 20 ngàn tỷ rúp của ông Putin giờ chỉ tương đương khoảng 300 tỷ USD, thay vì gần 700 tỷ USD như hồi năm 2011.
Giữ vững sức mạnh không lời
Hồi cuối 2014, Nga thực sự đau đầu với kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khi đó cho rằng, ngân sách nước này không thể triển khai kế hoạch hàng trăm tỷ USD như vậy.
Ba năm trước đó, người tiền nhiệm của Siluanov là Alexei Kudrin đã từ chức vì không đồng tình với kế hoạch chi tiêu cho quân sự vốn đã được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt.
Putin giữ vững sức mạnh quân sự. |
Việc giá dầu giảm mạnh đã khiến kinh tế Nga tăng trưởng âm, ngân sách thâm thủng, đồng rúp tụt giảm, lạm phát gia tăng. Những yếu tố này đã tác động tiêu cực tới kế hoạch đầy tham vọng của Putin. Việc chi tiêu mạnh cho quân sự trong bối cảnh khó khăn đang đe dọa vị thế tài chính của Nga.
Gần đây, 2 hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới tiếp tục cảnh báo tài chính nước Nga ngày càng xấu đi. S&P dự báo thâm hụt ngân sách Nga sẽ tăng lên 4,4% trong năm 2015, cao hơn khá nhiều so với mức 3% của Kremlin.
Trong khi đó, theo NHTW Nga, chính phủ nước này vẫn đang tăng chi tiêu quân sự. Riêng trong năm 2014, chi tiêu cho lĩnh vực này đã lên tới 84 tỷ USD. Trong năm 2015, theo như kế hoạch, chi tiêu quân sự vẫn sẽ tăng bất chấp các vấn đề đối ngoại và kinh tế trong nước.
Theo TASS, mức chi quân sự trong năm 2016 sẽ vào khoảng 3.145 tỷ rúp, tương đương 4% GDP. Hơn thế, nhiều hoạt động chi tiêu cho quân sự không nằm trong dự thảo mà chủ yếu được hoạch định cho chi tiêu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển.
Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, Nga đang bước sang giai đoạn 2 cải cách quân đội, thay thế hàng loạt trang bị mới và tiếp tục đầu tư mạnh hơn phục vụ mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu về quân sự.
Theo WB, chi tiêu quốc phòng thực tế của Nga cao hơn so với các con số được nước này công bố. Trong năm 2014, con số này đã chiếm 4,2% GDP. Trên thế giới, chỉ có rất ít nước chi tiêu cho quân sự vượt mức 4%.
Một trong những điểm nhấn trong kế hoạch của Putin là phát triển các vũ khí thiết bị mới, mà theo TASS chiếm khoảng 2/3 ngân sách dành cho lĩnh vực này. Cũng trong dự thảo ngân sách 2016, trừ chi tiêu quốc phòng, hầu hết ngân sách cho các lĩnh vực khác đều bị cắt như: giáo dục, chăm sóc y tế, xã hội…
Đây có thể là tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Nga vẫn kiên quyết giữ ngành công nghiệp quốc phòng là một ưu tiên hàng đầu và có thể dựa vào đó để hoạch định các chính sách ngoại giao trong năm 2016.
Và nếu như vậy, rất có thể, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ là lĩnh vực cuối cùng cảm nhận được sức ép thâm hụt ngân sách.
Theo VNN