Putin: Thông điệp với Mỹ và 3 mục tiêu chiến lược tại Syria

Thông điệp của Putin với Mỹ rất rõ ràng: Chúng tôi lại là một quyền lực ở Trung Đông phải tính đến và chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Sau 6 tuần lễ không quân Nga phát động đòn đánh đầu tiên vào các mục tiêu, có vẻ ván cờ táo bạo của Putin đã bắt đầu đạt được mục tiêu của mình.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Khi chiến dịch không kích của Nga tại Syria kéo dài, giới bình luận phương Tây ngày càng mô tả chiến dịch quân sự của tổng thống Nga Vladimir Putin là một thảm họa. Nhiều người cho rằng hành động quân sự có thể sẽ đưa Nga sập bẫy vào bãi lầy kiểu Afghanistan.

Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ James Clapper đặt câu hỏi liệu ông Putin có một chiến lược dài hạn hay nhà lãnh đạo Nga rất cơ hội chủ nghĩa trên cơ sở qua ngày. Trong khi đó, một người có quan điểm diều hâu lâu nay về Nga là Edward Lucas cho rằng sự can thiệp vào Syria của ông Putin dù sao cũng thất bại.

Tất cả những nhận định quả quyết trên đều nhìn không nhận thấy một thực tế chủ chốt: ông Putin đang thẳng tiến trên con đường đạt được hếu hết các mục tiêu của mình tại khu vực Cận Đông. Vậy các mục tiêu của Putin tại Syria là gì và làm thế nào để đạt được chúng? Để bắt đầu, cần hiểu rõ điều ông Putin sợ nhất chính là sự hỗn loạn. Lưu ý trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng Mỹ tập trung vào việc thay đổi chế độ đã gây ra “sự phá hủy các thiết chế quốc gia” và tạo ra khoảng trống quyền lực “ngay lập tức được lấp đầy bởi những kẻ cực đoan và khủng bố”.

Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga không đơn thuần là khôi phục lại quyền kiểm soát của tổng thống Syria Bashar Assad với một đất nước ổn định và thống nhất, mà là bảo đảm một nhà nước Syria hoạt động hiệu lực – một nhà nước có thể bảo vệ các lợi ích của Nga tại Syria.

Về lý do này, trong những tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự không quân Nga đã tập trung hỏa lực không kích ngăn chặn các nhóm phiến loạn xâm nhập sâu hơn vào các khu vực trọng yếu do chính phủ kiểm soát, như khu vực duyên hải thủ phủ của người Alawite và tuyến hành lang chủ chốt chạy dọc con đường M5 nối Damascus tới Homs, Hama và miền bắc Syria. Vì lẽ các khu vực trên bị các nhóm phiến quân không phải IS vây hãm, kết quả là phần lớn các lần xuất kích của không quân Nga không tấn công vào IS.

Trong khi lực lượng của ông Assad và các đồng minh người Shiite đã không chinh phục lại lãnh thổ rộng lớn, ở mức tối thiểu họ đã chặn đứng việc tiếp tục chảy máu và củng cố vị thế của chế độ. Về khía cạnh này, ít nhất cho tới nay chiến dịch quân sự của Nga đã đạt được mục tiêu ban đầu.

Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị xuất kích chống khủng bố tại Syria
Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị xuất kích chống khủng bố tại Syria

Mục tiêu thứ hai trong chiến dịch quân sự của ông Putin là khẳng định lại quyền lực của Nga tại Trung Đông. Một lần nữa, sớm thấy dấu hiệu thành công. Quân đội Nga đã thiết lập một số cơ sở quân sự ở vùng đất của người Alawite, bảo vệ được lối vào cảng Tartus, Syria của Hạm đội Biển Đen và hiện có khả năng phóng chiếu quyền lực khắp khu vực đông Địa Trung Hải.

Rộng hơn, Nga cũng đã thành công trong vấn đề củng cố quan hệ quân sự với các thế lực người Shiite lãnh đạo tại khu vực Trung Đông như Iran, Iraq, Hezbollah, Syria. Các bên đã thành lập hai trung tâm chỉ huy, một tại Baghdad và một tại Damascus và hiện đã tạo lập một trục tiềm tàng ở khu vực đông Trung Đông. Lần đầu tiên kể từ thời tổng thống Ai Cập Anwar Sadat ủng hộ lực lượng Xô viết vào Ai Cập năm 1973, Nga đã đứng chân chắc chắn tại Trung Đông

Thông điệp của Putin với Mỹ rất rõ ràng: Chúng tôi lại là một quyền lực ở Trung Đông phải tính đến và chúng tôi sẽ không đi đâu cả.

Mục tiêu thứ ba của ông Putin là sử dụng chiến dịch quân sự Nga để chuyển sự chú ý khỏi Ukraine và buộc phương Tây lại phải bắt tay với ông. Một lần nữa, Putin được cho là sớm thành công.

Sau khi một mực đòi “Assad phải ra đi”, chính quyền của ông Obama hiện nay dường như muốn ưng thuận một dạng giai đoạn chuyển giao quyền lực nào đó mà ông Assad sẽ vẫn tại vị. Thêm nữa, các nhà ngoại giao Nga tại Vienna đã bị khóa cứng các cuộc thương lượng với những người đồng cấp Mỹ và các nước khác khi thảo luận về tương lai Syria. Trong khi đó, quan chức quân sự cấp cao Nga và Mỹ lại đàm phán với nhau để tránh va chạm bất ngờ giữa lực lượng không quân đôi bên trên không phận Syria. Mỹ có thể không thích chiến dịch can thiệp quân sự của Putin, nhưng Washington và Moscow lại một lần nữa thương lượng với nhau.

Cũng tồn tại khả năng ông Putin có thể sử dụng chiến dịch quân sự tại Syria để buộc phương Tây phải chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan khủng hoảng Ukraine. Mỹ không muốn chấp nhận một cuộc trao đổi trực tiếp liên quan Syria và Ukraine, nhưng rất có khả năng các nước châu Âu sẽ cân nhắc kịch bản này.

Các nước EU đang nóng lòng muốn giảm nhẹ cuộc khủng hoảng người di cư và lợi ích của doanh nghiệp châu Âu có thể sẽ thúc ép EU tìm cách dỡ bỏ chế độ cấm vận. Trong khi đó là một mục tiêu mở rộng của Nga hiện nay, Putin đã thành công trong việc dùng chiến dịch tại Syria để chọc thủng sự cô lập ngoại giao do phương Tây áp đặt.

Rõ ràng, chiến dịch quân sự của Nga là cơ hội cờ đến tay sớm và khi tham chiến rất nhiều điều có thể dẫn tới sai lầm. Đặc biệt, sự kiện máy bay rơi tại Ai Cập có thể khiến công luận Nga quay lưng với chiến dịch quân sự tại Syria và chế độ Assad có thể tiếp tục mất thêm lãnh thổ vào tay lực lượng phiến quân.

Tuy nhiên, 6 tuần lễ sau khi không quân Nga phát động đòn đánh đầu tiên vào các mục tiêu, có vẻ ván cờ táo bạo của ông Putin đã bắt đầu đạt được mục tiêu của mình.

*Tác giả Josh Cohen nguyên là quan chức dự án USAID (Mỹ) tại Liên Xô trước đây. Ông chuyên về phát triển doanh nghiệp và cũng là tác giả viết nhiều về các vấn đề đối ngoại.

Theo QPAN