Phương tiện không người lái dưới nước làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga đều đang phát triển và triển khai các phương tiện không người lái dưới nước nhằm đạt được những lợi thế chiến lược tại Biển Đông
Phương tiện không người lái dưới nước làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Biển Đông (Ảnh: Asia Times)
Phương tiện không người lái dưới nước làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Biển Đông (Ảnh: Asia Times)

Các phương tiện không người lái đã làm thay đổi cục diện các cuộc chiến trên không, nay nó còn được áp dụng ở những cuộc chiến dưới biển trong bối cảnh các cường quốc đang phát triển và triển khai tàu ngầm không người lái (UVV) nhằm chiếm được ưu thế chiến lược ở trong và ngoài Thái Bình Dương.

Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga đều đang phát triển và triển khai các loại tàu ngầm không người lái này. Điều đó cho thấy sự thay đổi mà các phương tiện không người lái mang đến cho chiến tranh biển trong tương lai.

Anh là quốc gia hiện đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương. Nước này đang chuẩn bị đưa vào vận hành phương tiện không người lái dưới nước đầu tiên, để bổ sung cho các tàu ngầm lớp Astute. Những nỗ lực của Hải quân Hoàng gia Anh nhằm thiết kế, chế tạo và thử nghiệm một phương tiện không người lái dưới nước nằm trong dự án CETUS. Dự án này hướng tới mục tiêu sản xuất một phương tiện dưới nước tự động (AUV) có chiều dài 12m và nặng tới 27 tấn.

Hợp đồng của dự án CETUS dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm tài khóa 2021-2022, với chi phí dự kiến lên tới 21,5 triệu bảng Anh (29,3 triệu USD).

Hải quân Hoàng gia Anh cũng đang nghiên cứu và phát triển phương tiện không người lái dưới nước có tên là Manta, đây là một phiên bản không người lái của tàu ngầm có người lái S201 do công ty MSubs của Anh sản xuất.

Mỹ cũng đang có những nỗ lực tương tự với dự án phát triển phương tiện không người lái dưới biển siêu lớn mang tên Orca (XLUUV) sau khi Boeing được Hải quân Mỹ chọn là nhà thầu với hợp đồng trị giá 274,4 triệu USD để sản xuất 5 chiếc Orca XLUUUV năm 2019.

Orca có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ đối phó mìn, tác chiến chống tàu ngầm và tàu trên mặt nước, chiến tranh điện tử và thực hiện các nhiệm vụ tấn công mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của người điều khiển nó.

Trung Quốc cũng được cho là đang sử dụng các phương tiện không người lái dưới nước sau khi Indonesia thu giữ 3 phương tiện này của Trung Quốc hồi tháng 12 năm 2020.

Cũng trong năm 2020, Trung Quốc được cho là đã triển khai 12 phương tiện không người lái dưới nước Sea Glider ở Ấn Độ Dương để thu thập dữ liệu hải dương học nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các tàu ngầm.

UUV HSU001 của Trung Quốc có khả năng phóng một phương tiện không người lái nhỏ hơn dưới nước (Ảnh: Asia Times)
UUV HSU001 của Trung Quốc có khả năng phóng một phương tiện không người lái nhỏ hơn dưới nước (Ảnh: Asia Times)

Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng đang vận hành phương tiện không người lái dưới nước HSU-001, tương tự như các phương tiện của dự án CETUS, Manta và Orca. HSU-001 được thử nghiệm ở tỉnh Phúc Kiến và Eo biển Đài Loan, mô phỏng các hoạt động chống ngầm.

Sự gia tăng của các phương tiện không người lái dưới nước ở khu vực Thái Bình Dương đang làm thay đổi cục diện của các cuộc chiến dưới nước. Lý do các nước lớn phát triển phương tiện không người lái dưới nước là vì môi trường ở khu vực biển Thái Bình Dương gây ra những thách thức cho các chiến dịch dưới biển.

Biển Đông là một vùng biển nửa kín với vô số các tảng đá ngầm, khiến việc di chuyển trở nên vô cùng nguy hiểm đối với các lực lượng tác chiến dưới biển cũng như trên mặt nước.

Mặt khác, Biển Đông lại là một nơi lý tưởng cho các phương tiện không người lái dưới nước hoạt động bởi chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ dưới nước mà không cần người điều khiển.

Các phương tiện không người lái dưới nước có thể được sử dụng để lập bản đồ về độ sâu của vùng biển, cũng như việc ghi lại các đặc điểm như nhiệt, từ trường và âm thanh khi đi qua một khu vực cụ thể để phát hiện những điểm mù, từ đó giúp các tàu ngầm đi qua một cách an toàn mà không bị phát hiện.

Khả năng của phương tiện không người lái dưới nước đặc biệt phù hợp để sử dụng ở Biển Đông, một trong những vùng biển có nhiều thách thức nhất đối với tàu ngầm do vùng nước nông, nhiều đỉnh núi dưới nước và các bãi cát.

Vụ va chạm gần đây của tàu ngầm USS Connecticut với một núi ngầm chưa có trên bản đồ ở Biển Đông đã cho thấy mối nguy hiểm này. Ngoài ra, các phương tiện không người lái dưới nước có thể tìm kiếm các vị trí ẩn nấp cho tàu ngầm có người lái để tránh các chiến dịch chống ngầm của địch.

Tàu ngầm tấn công USS Connecticut của Mỹ (Ảnh: Asia Times)

Tàu ngầm tấn công USS Connecticut của Mỹ (Ảnh: Asia Times)

Phương tiện không người lái dưới nước cũng có thể được sử dụng cho nhiệm vụ rà phá bom mìn. Chúng có thể trinh sát và vô hiệu hóa các bãi mìn dưới biển, qua đó giảm nhu cầu cần tới các đội thợ lặn chuyên nghiệp để trinh sát, xác định và phá mìn trong những cuộc chiến đổ bộ.

Phương tiện không người lái cũng có thể thực hiện các hoạt động chống tàu ngầm bằng cách chủ động tìm kiếm, theo dõi tàu ngầm địch mà không gây nguy hiểm cho tàu trên mặt nước hoặc tàu ngầm có người lái. Vụ tàu ngầm PNS Hangor của Pakistan đánh chìm tàu khu trục INS Kukri của Ấn Độ năm 1971 đã cho thấy các tàu chiến chống ngầm có thể dễ dàng trở thành "miếng mồi ngon" cho tàu ngầm của địch.

Do đó việc sử dụng các phương tiện không người lái dưới nước để thực hiện các mục tiêu chống ngầm là một phương án hợp lý, bởi nó có thể giảm thiểu tối đa nhu cầu cần đến các tàu chiến có người lái cho những chiến dịch như vậy.

Điều đáng nói ở đây là các phương tiện không người lái dưới nước có thể trở thành vũ khí chiến lược khi được trang bị vũ khí hạt nhân. Các phương tiện không người lái dưới nước được trang bị vũ khí hạt nhân có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của quân địch bằng cách di chuyển dưới nước, tiến gần vào trong các thành phố ven biển, các cảng và căn cứ hải quân để thực hiện các mục đích tấn công.

Theo Asia Times