Phối hợp với Tân Cảng, tập đoàn Trung Quốc đề xuất làm cảng biển 1.100 ha ở Quảng Ninh

VietTimes – Tự giới thiệu trên website, Texhong cho biết “là một tập đoàn dệt may hàng đầu Trung Quốc, đã lên sàn giao dịch chứng khoán HongKong, là một trong những nhà cung cấp sợi bọc dẻo lớn nhất trên thế giới”. Trong khi Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng) giới thiệu là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, có gần 30 năm xây dựng và phát triển, là nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, hiện đại và lớn nhất Việt Nam.
Vị trí KCN Texhong Hải Hà. (Ảnh: QTV)
Vị trí KCN Texhong Hải Hà. (Ảnh: QTV)

Báo cáo đề xuất ý tưởng đầu tư cảng Hải Hà, huyện Hải với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong cuộc họp vào cuối tháng 6 vừa rồi, Tập đoàn Texhong cho hay đã đầu tư nhà máy dệt sợi tại KCN Hải Yên, thành phố Móng Cái; đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của KCN Texhong Hải Hà, huyện Hải Hà với diện tích 660ha, đồng thời trực tiếp đầu tư các dự án sản xuất thứ cấp tại KCN này.

“Trong thời gian tới, ngoài các dự án dệt sợi, may mặc của Texhong còn có sự tham gia đầu tư vào KCN của Tập đoàn Toray và Tập đoàn Uniqlo (Nhật Bản),…; do vậy, lưu lượng nguyên vật liệu, hàng hóa vận chuyển ra, vào khu vực này là rất lớn; bên cạnh đó, việc đầu tư nhà máy nhiệt điện Hải Hà đòi hỏi phải có bến chuyên dụng đáp ứng nhu cầu nhập nguyên liệu sản xuất của nhà máy. Từ những lý do trên, Texhong phối hợp Tân Cảng đề xuất xin được nghiên cứu đầu tư cảng tổng hợp Hải Hà, trong đó có bến chuyên dụng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Hải Hà đã giao Texhong đầu tư”- theo báo cáo của Texhong.

Trong khi, đối tác Việt Nam của họ - là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn – thì khẳng định: Với năng lực đủ mạnh và kinh nghiệm phong phú, qua quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh, khảo sát tại KCN – cảng biển Hải Hà, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với Texhong đề xuất nghiên cứu đầu tư cảng tổng hợp Hải Hà tại KCN – cảng biển Hải Hà nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực.

“Để quản lý, khai thác cảng đạt hiệu quả cao nhất, ứng dụng được công nghệ mới, hiện đại nhất trong vận hành, khai thác cũng như đảm bảo tính kết nối giữa các phân khu trong toàn bộ cảng, Tổng công ty mong muốn được nghiên cứu để đầu tư tổng thể cảng biển Hải Hà theo ranh giới được giới hạn bởi các điểm B1, C, 6A, 5A ở bản vẽ kèm theo với tổng diện tích khoảng 1.100ha, trong đó, diện tích mặt nước khoảng 300ha (bao gồm cả bến chuyên dụng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Hải Hà)”, Tân Cảng đề xuất.

Đồng ý chủ trương

Sau khi nghe lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Texhong báo cáo ý tưởng quy hoạch, đầu tư dự án cảng biển tổng hợp tại KCN – cảng biển Hải Hà, ý kiến phát biểu của các sở, ban, ngành thống nhất cao sự cần thiết đầu tư và đề xuất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn Texhong về việc nghiên cứu đầu tư theo hướng đầu tư tổng thể (không bị chia cắt) và có phương án đầu tư theo lộ trình, phù hợp với nhu cầu thực tế; Ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh hoan nghênh Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn Texhong phối hợp nghiên cứu đầu tư cảng Hải Hà.

“Đồng ý chủ trương về việc Tân Cảng phối hợp với Texhong nghiên cứu tổng thể cảng Hải Hà và đề xuất phương án đầu tư phù hợp. Yêu cầu việc nghiên cứu quy hoạch phải đảm bảo tính tổng thể; xác định rõ vị trí, chức năng , vai trò, phạm vi phục vụ của cảng Hải Hà để đề xuất quy hoạch phù hợp; quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư cần lưu ý các vấn đề: (1) xác định rõ thời gian nghiên cứu, thời gian thực hiện đầu tư và hoàn thành cụ thể; (2) tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư cảng của nhà đầu tư nước ngoài; (3) đề xuất phương án, quy mô, lộ trình đầu tư phù hợp”- ông Đọc cho ý kiến.

Tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành – người chủ trì buổi họp – đã thống nhất một số nội dung quan trọng.

Ông Thành tái khẳng định tỉnh Quảng Ninh hoan nghênh, đánh giá cao Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Tập đoàn Texhong hợp tác đề xuất nghiên cứu, đầu tư phát triển cảng biển tổng hợp tại KCN – cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà. Đề xuất này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Quy hoạch chung xây dựng KCN – cảng biển Hải Hà. Dự án triển khai sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng của KCN – cảng biển Hải Hà, giải quyết bất cập, kết nối giao thông đường bộ và đường biển thông suốt, thúc đẩy, tạo đột phá phát triển KTXH tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng Đông Bắc nói chung.

“UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phối hợp với Tập đoàn Texhong nghiên cứu quy hoạch tổng thể cảng biển Hải Hà, toàn bộ khu vực như đề nghị của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (trong đó bao gồm cả bến chuyên dụng phục vụ bốc xếp hàng hóa dành cho Nhà máy nhiệt điện Hải Hà) được giới hạn bởi các điểm B1, C, 6A, 5A ở bản vẽ kèm theo với tổng diện tích khoảng 1.100ha, trong đó, diện tích mặt nước khoảng 300ha và nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư phù hợp (quy mô, lộ trình, tiến độ đầu tư; phương thức hợp tác đầu tư đảm bảo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư cảng biển;…)”- Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành nêu ý kiến.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Tập đoàn Texhong có văn bản đề xuất việc nghiên cứu quy hoạch, phương án đầu tư (trước ngày 15/7/2018), gửi Ban Quản lý Khu tinh tế và UBND tỉnh, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng quy định hiện hành.

Ông Hong Tianzhu (Hồng Thiên Chúc) - Chủ tịch Tập đoàn Texhong - một trong những tỷ phú USD của Trung Quốc. (Ảnh: QTV)
Ông Hong Tianzhu (Hồng Thiên Chúc) - Chủ tịch Tập đoàn Texhong - một trong những tỷ phú USD của Trung Quốc. (Ảnh: QTV)

“Tập đoàn TEXHONG là tập đoàn dệt may hàng đầu củaTrung Quốc, đã lên sàn giao dịch chứng khoán tại HongKong, là một trong những nhà cung cấp sợi bọc dẻo lớn nhất trên thế giới, chuyên sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dệt may thời trang cao cấp.

Hiện tại tại Việt Nam chúng tôi có 04 cơ sơ sản xuất phân bố ở Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, Móng Cái và Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Mục tiêu phát triển của chúng tôi là phấn đấu trở thành doanh nghiệp dệt sợi hàng đầu và có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực dệt may khu vực ASEAN. Tháng 11/2014 tập đoàn Texhong đã khởi công xây dựng Dự án Khu công nghiệp Hải Hà (giai đoạn 1) , hiện đã đi vào hoạt động, hiện tại đây là dự án lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, đầu tư 450 triệu USD, diện tích 660 ha.

Cùng với đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hải Hà, Texhong cũng thành lập Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà để thực hiện dự án đầu tư chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung hiện đại quy mô lớn. Bao gồm: 3 nhà xưởng kéo sợi với quy mô 300.000 cọc sợi và các công trình phụ trợ; 3 nhà xưởng dệt vải, 2 nhà xưởng nhuộm với quy mô 1.200 cỗ máy dệt và các thiết bị nhuộm với quy mô tương ứng... tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà với tổng mức đầu tư gần 640 triệu USD”- trích mục Giới thiệu về Texhong trên website texhong.vn.

Cũng theo website này: Website chính của Tập đoàn Texhong: www.texhong.com. Trụ sở tại Thượng Hải- Trung Quốc.

Còn theo thông tin từ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: “Tập đoàn Texhong được thành lập năm 1997 và là Tập đoàn dệt sợi hàng đầu Trung Quốc. Qua 2 thập kỷ không ngừng phát triển, hiện nay Tập đoàn Texhong đã có 17 cơ sở sản xuất trên toàn thế giới, trong đó có 6 cơ sở sản xuất tại nước ngoài, ở Việt Nam có 4 cơ sở sản xuất, sản lượng đạt 300.000 tấn/năm. Trong tương lai, Tập đoàn sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở sản xuất tại châu Á và Bắc Mỹ. Mạng lưới tiêu thụ của Tập đoàn phủ khắp Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Nhật Bản, Hàn Quốc.”

Lễ ra mắt Công ty CP Tiến vận Texhong - Tân Cảng (Ảnh: saigonnewport.com.vn)
Lễ ra mắt Công ty CP Tiến vận Texhong - Tân Cảng (Ảnh: saigonnewport.com.vn) 

Thực tế, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn Texhong đã có một quá trình hợp tác bền lâu, trước khi hình thành ý tưởng đầu tư dự án cảng biển tổng hợp Hải Hà.

Cụ thể Tân Cảng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ logistics cho Texhong từ năm 2010.

“Sau hơn nửa thập kỷ, dịch vụ TCSG cung ứng cho Texhong đã tăng lên nhanh chóng cả về quy mô sản lượng (năm 2016 dự kiến tăng hơn 5 lần so với thời điểm khởi đầu) cũng như loại hình dịch vụ đa dạng (vận tải bộ, cước tàu đường biển, thủ tục Hải quan…). Với sự hợp tác chặt chẽ sẵn có và nhu cầu phát triển trong tương lai, cộng với việc nhận thấy những cơ hội lớn mà TPP và các Hiệp định thương mại tự do mang lại cho ngành dệt may và ngành logistics, TCT TCSG và Tập đoàn Texhong đã thống nhất nâng quan hệ hợp tác của hai bên lên một tầm cao mới, thành lập liên doanh là Công ty Cổ phần Tiếp vận Texhong Tân Cảng, chuyên cung cấp dịch vụ logistics cho Tập đoàn Texhong và các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam”, trích một bản tin về lễ ra mắt Công ty CP Tiếp vận Texhong – Tân Cảng vào hạ tuần tháng 9/2016 trên website của Tân Cảng.

Công ty CP Tiếp vận Texhong – Tân Cảng được thành lập ngày 06/7/2016, đăng ký trụ sở chính tại 1295B Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, Quận 2, Tp. HCM.

Với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, công ty có 3 cổ đông sáng lập: CTCP Dệt Texhong Nhơn Trạch (10 tỷ đồng, chiếm 50%); CTCP Vận tải bộ Tân Cảng (30%); CTCP Tiếp vận Tân cảng Miền Bắc (20%).

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt công ty khi ấy, P.TGĐ Tân Cảng Lê Tuấn Anh nhấn mạnh rằng Công ty Cổ phần Tiếp vận Texhong - Tân cảng không đơn thuần là phép cộng năng lực của 2 đối tác tham gia liên doanh mà sức mạnh hiệu năng của việc hợp tác sẽ nhân lên nhiều lần các giá trị kinh tế - xã hội cho cả doanh nghiệp và cộng đồng, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng công ty sẽ sớm kinh doanh ổn định, phát triển nhanh chóng, cung cấp hiệu quả các giải pháp dịch vụ logistics trọn gói, tối ưu cho Texhong Việt Nam với chất lượng dịch vụ hàng đầu./.