Cầu Bạch Đằng đầu tư theo hình thức BOT với tổng đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư.
Đây là công ty cổ phần thành lập tháng 1/2015 với 8 doanh nghiệp tư nhân đình đám góp vốn.
Bao gồm các Công ty cổ phần Đầu tư Cái Mép, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Trung Nam, cuối cùng là Tập đoàn SE (Nhật Bản).
Cầu Bạch Đằng khởi công trong tháng 1/2015, với thiết kế dài 5,4km (riêng phần cầu dài 3km), rộng 25m, với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Cầu được xây dựng theo kết cấu bằng bêtông dây văng, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp và ba nhịp dây văng, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m.
Cầu Bạch Đằng là điểm cuối của cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trên địa bàn phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng. Trong khi điểm đầu của cao tốc đặt tại km 102 + 300 Quốc lộ 18, thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).
Toàn bộ phần đường của cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh và vốn vay.
Khi hoàn thành cao tốc này, quãng đường từ Hải Phòng đi Quảng Ninh giảm được 55 km xuống chỉ còn 25 km.
Tương tự, quãng đường từ Hà Nội đi Hạ Long cũng giảm được 50 km, xuống còn 130km và hoàn toàn di chuyển bằng cao tốc.
Việc giảm khoảng cách này khiến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đóng vai trò kích thích tăng lưu lượng xe và từ đó giải bài toán thua lỗ hiện nay cho cao tốc Hải Phòng – Hà Nội.
Đồng thời, việc kết nối 2 tuyến cao tốc sẽ giúp kích thích phát triển kinh tế khu vực ven biển từ Hải Phòng tới Hạ Long vốn hàng trăm năm qua thiếu kết nối hạ tầng giao thông để phát triển.
Đáng chú ý, việc kết nối hai cao tốc này giảm được thời gian di chuyển, nhưng đồng thời khiến trên cự ly 130 km từ Hà Nội đi Quảng Ninh sẽ có tới 3 trạm thu phí BOT.
Trong đó, một trạm thuộc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, một trạm thuộc cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, và một trạm thuộc dự án cầu Bạch Đằng.
Hiện, giá vé BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang đứng cao gần nhất trong số các dự án BOT đã khai thác.