Nhập khẩu than để bán ra thị trường đang là "cứu cánh" của TKV

VietTimes -- Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết TKV nhập khẩu than để trộn với than đang tồn kho bán ra thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhập khẩu than là để giảm tồn kho

Theo lãnh đạo của TKV, đây là một trong những giải pháp để giảm lượng than tồn kho ở khu vực miền Tây và vùng Vàng Danh, Uông Bí chứ không phải đây là nguyên nhân dẫn tới việc TKV đang tồn kho gần 11 triệu tấn than.

Lãnh đạo của TKV lý giải, do than của các vùng này lại có chất lượng kém, chất bốc thấp, nên TKV phải nhập khẩu loại than có chất bốc cao, lưu huỳnh thấp về để pha trộn với than những vùng này mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Đồng thời, với việc giá than nhập khẩu thấp, thì khi trộn than bán ra thị trường, TKV có thể hạ giá than, việc này sẽ giúp tiêu thụ than trong nước dễ dàng hơn.

Ngoài ra, lãnh đạo của TKV cho biết, nhập khẩu than cũng là một nhiệm vụ do Chính phủ giao cho TKV.

Theo đó, hiện nay điều kiện khai thác than đang dần khó khăn, trữ lượng than lộ thiên còn lại hạn chế nên khai thác xuống sâu thì chi phí lại cao. Thêm vào đó, việc nhập khẩu than cũng sẽ hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên quốc gia.

Vì vậy, TKV nhập khẩu than số lượng lớn là để đáp ứng đủ, ổn định và có tính lâu dài về nguồn cung than cho nhu cầu trong nước .

Khai thác - kinh doanh hay nhập khẩu - kinh doanh

Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo, tăng cường nhập khẩu than để bù lại cho phần thiếu hụt than trong nước và để đủ cho việc tiêu thụ chứ không định hướng là tăng cường nhập khẩu than để thay thế cho than trong nước.

Như vậy, định hướng tương lai của TKV vẫn sẽ là khai thác - kinh doanh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc TKV nhập khẩu than lại đang là kinh doanh theo xu hướng nhập khẩu - kinh doanh.

Lý do vì với việc giá than trong nước vẫn cao hơn than nhập khẩu, trong khi chất lượng than nhập khẩu vượt trội hơn than trong nước thì trong tương lai gần, TKV vẫn sẽ hoạt động chủ yếu theo hướng nhập khẩu - kinh doanh. 

Ngoài ra, với việc TKV cắt giảm 5.000 lao động trong năm 2015 và đang dự tính cắt giảm 4.000 lao động trong năm nay để "khắc phục khó khăn cũng là một động thái cho thấy TKV đang giảm khai thác than để tập trung vào việc nhập khẩu - kinh doanh.

Theo lãnh đạo của TKV, việc nhập khẩu than của Việt Nam cũng giống nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Các nước này trước đây cũng sản xuất với sản lượng khá cao nhưng sau này họ cũng lại nhập khẩu với khối lượng khá lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Chẳng hạn, Nhật Bản hiện nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn than, Hàn Quốc trên 100 triệu tấn, còn Trung Quốc vừa nhập khẩu lại vừa xuất khẩu.