So với 9 tháng cùng kỳ năm 2015, lượng xuất khẩu than đạt hơn 1,4 triệu tấn, thu về 150 triệu USD thì lượng và giá trị xuất khẩu của ngành than thời gian qua chỉ bằng 50% khối lượng và giá trị.
Tổng Cục hải quan cho biết, mặt hàng than đá xuất khẩu đang được liệt vào nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhanh, nhiều nhất trong 9 tháng qua.
Tình hình thị trường than trong nước cũng không mấy khả quan.
Theo Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 26/8/2014, Chính phủ trao quyền điều tiết, cân đối than nhập khẩu và xuất khẩu cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải sử dụng than của 2 đơn vị này. Nhưng hiện giá than sản xuất trong nước đang cao hơn giá than nhập khẩu, điều này làm các doanh nghiệp muốn "xé rào" để được tự chủ nguồn than, giảm chi phí.
Điển hình như Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Đồng Nai đang có văn bản gửi cơ quan chức năng yêu cầu được tự chủ việc nhập than sử dụng trong sản xuất điện do "Formosa đã có kinh nghiệm nhiều năm nhập khẩu than, nguồn cung cấp ổn định với giá cả và chất lượng phù hợp nên không cần thiết ký kết với hai doanh nghiệp đó nữa"
Ngoài ra, theo báo cáo của TKV, đến hết tháng 9/2016, than tồn kho của TKV lên tới 10,8 triệu tấn, với 8,9 triệu tấn than sạch.
Như vậy, tình hình trong nước của ngành than Việt Nam hiện tại đang rất khó khăn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn. Mới đây, TKV cho biết sẽ cắt giảm hơn 4.000 lao động trong ngành vì doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm...
Trái với hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu bết bát hiện nay, hoạt động nhập khẩu than từ đầu năm của ngành than rất phát triển. Theo báo cáo của Tổng cục Hải Quan, 9 tháng qua cả nước đã nhập 10,5 triệu tấn than, trị giá khoảng 654 triệu USD. Ngành than được xếp vào 1 trong 2 ngành có lượng và giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất 9 tháng qua, khoảng 147% về lượng và 82% về giá.