Nga phát triển hai hệ thống vũ khí chống vệ tinh trên không, sử dụng tên lửa không gian và laser

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo một bài báo đăng trên tạp chí “Tư duy Quân sự” của Bộ Quốc phòng ngày 7/4. Các nhà khoa học Nga đang phát triển 2 hệ thống vũ khí chống vệ tinh triển khai trên không và có thể trên vũ trụ.
Máy bay tiêm kích hạng nặng MiG-31D, được cho là mang tên lửa chống vệ tinh. Ảnh Military Russia.
Máy bay tiêm kích hạng nặng MiG-31D, được cho là mang tên lửa chống vệ tinh. Ảnh Military Russia.

Hệ thống vũ khí đầu tiên được phát triển trên nền tảng máy bay tiêm kích tầm xa MiG-31D và tên lửa chống vệ tinh Kontakt. Hệ thống thứ hai là phiên bản hàng không của hệ thống vũ khí laser Peresvet, lắp đặt trên máy bay vận tải quân sự Il-76.

Bài báo có đồng tác giả là trung tướng nghỉ hưu Alexander Kovalyov, TS Khoa học Kỹ thuật, Giám đốc chi nhánh St. Petersburg của Học viện Vũ trụ Tsiolkovsky, cựu Giám đốc Học viện Vũ trụ Quân sự Mozhaisky.

Hãng thông tấn TASS, trích dẫn bài báo trên tạp chí “Tư duy Quân sự” viết:

“Vũ khí chống vệ tinh của Nga được chế tạo ra trên cơ sở các phương tiện mang đường không cơ động cao, có thể thay đổi vị trí triển khai bao gồm hệ thống phòng thủ không gian (PKO) “Kontakt” được lắp đặt trên tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31, hệ thống laser chiến đấu A-60 Sokol-Echelon được lắp đặt trên máy bay vận tải Il-76 và hệ thống laser chiến đấu Peresvet đã có.”.

“Sau khi hoàn thành những cuộc thử nghiệm thực tế, hệ thống vũ khí laser chống vệ tinh trên máy bay Il-76 có thể được lắp đặt trên phương tiện bay vũ trụ, được cung cấp năng lượng từ một lò phản ứng hạt nhân. Đây là một module chiến đấu đã sẵn sàng và là mối đe dọa trực tiếp đối với các vệ tinh của đối phương.”

Máy bay A-60 là máy bay nghiên cứu laser do Tổ hợp Khoa học và Kỹ thuật Hàng không PJSC Taganrog mang tên G. M. Beriev sản xuất. Tiến trình phát triển bắt đầu vào năm 1981, thiết bị phát xung tia laser được lắp đặt trong nón mũi máy bay đặc biệt với hệ thống ngắm mục tiêu vào năm 1983. Trong một cuộc thử nghiệm,A-60 đã thành công bắn trúng mục tiêu trên không bằng tia laser. Chiếc A-60 thứ hai được chế tạo vào năm 1991.

Máy bay nghiên cứu vũ khí laser vũ trụ A-60. Ảnh Military Russia.

Máy bay nghiên cứu vũ khí laser vũ trụ A-60. Ảnh Military Russia.

Dự án Sokol Eshelon, phát triển trên máy bay A-60, bắt đầu vào năm 2003 và lần đầu tiên được công khai trong báo cáo thường niên của nhà thầu Khimpromavtomatika vào năm 2005.

Công trình nghiên cứu và phát triển hệ thống phòng thủ không gian Kontakt bắt đầu ở Liên Xô vào những năm 1980. Hệ thống phòng thủ không gian được thiết kể để tiêu diệt các mục tiêu trong không gian bao gồm các vệ tinh quân sự và đầu đạn hạt nhân của tên lửa đạn đạo bằng tên lửa vận tải 3 tầng phóng, sử dụng đầu đạn đánh chặn động năng 79M6 Kontakt, phóng từ máy bay chiến đấu hạng nặng MiG-31D. Tên lửa chống vệ tinh có thể đạt đến độ cao 120 km. Hệ thống vũ khí được lên kế hoạch phá hủy ít nhất 24 vệ tinh trong vòng 36 giờ.

Hệ thống vũ khí chống vệ tinh Kontakt bao gồm tên lửa 79M6 (trái) và máy bay tiêm kích MiG-31D mang số hiệu 072 tại thao trường Sary-Shagan, năm 2003. Ảnh Military Russia.

Hệ thống vũ khí chống vệ tinh Kontakt bao gồm tên lửa 79M6 (trái) và máy bay tiêm kích MiG-31D mang số hiệu 072 tại thao trường Sary-Shagan, năm 2003. Ảnh Military Russia.

Các thành phần riêng lẻ của hệ thống phòng thủ không gian Kontakt đã được thử nghiệm vào những năm 1980. Trong những năm 1990, quá trình phát triển bị đóng băng. Các nghiên cứu trên hệ thống vũ khí tiếp tục vào những năm 2000.

Tầm quan trọng của các hệ thống vũ khí chống vệ tinh trở nên rõ ràng sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra ở Ukraine. Các vệ tinh tình báo và trinh sát của phương Tây đóng vai trò then chốt trong các hoạt động của quân đội Ukraine và gây những tổn thất đáng kể cho Nga. Trên cơ sở những nhận thức, đánh giá về cuộc chiến tranh không gian trong tương lai, chương trình vũ khí không gian của Liên Xô được Nga phục hồi và phát triển.

Theo South Front