New York Times: một phần ba số pháo phương Tây viện trợ Ukraine đã không thể sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tờ New York Times ngày 27/11 đưa tin, Quân đội Ukraine sử dụng một số lượng lớn pháo do phương Tây viện trợ, mỗi ngày bắn hàng ngàn quả đạn; do tần suất sử dụng quá cao đã gây ra những hao mòn không lường được.
Tờ New York Times đưa tin một phần ba số pháo lựu M777 phương Tây viện trợ cho Ukraine đã không thể sử dụng được nữa (Ảnh: Sina).
Tờ New York Times đưa tin một phần ba số pháo lựu M777 phương Tây viện trợ cho Ukraine đã không thể sử dụng được nữa (Ảnh: Sina).

Theo New York Times, các quan chức Mỹ và Ukraine thừa nhận, 350 khẩu lựu pháo mà Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine đã “kiệt sức” sau nhiều tháng sử dụng quá mức và có tới một phần ba số pháo này không còn hoạt động được nữa.

Tất cả số pháo NATO cung cấp cho quân đội Ukraine đều là loại pháo nòng dài cỡ lớn, những loại pháo này không thể thay thế nòng trên chiến trường, quân đội Ukraine buộc phải vận chuyển số pháo này về Ba Lan và những nơi khác để bảo dưỡng. Bộ Tư lệnh châu Âu của Lầu Năm Góc đã thành lập một cơ sở bảo dưỡng ở Ba Lan để giúp quân đội Ukraine sửa chữa các loại pháo này. Đây đã trở thành "nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu" của NATO.

Ngoài ra, quân đội Ukraine cũng bắt đầu bị thiếu đạn pháo. Một bài viết khác trên tờ New York Times ngày 26/11 dẫn lời các quan chức phương Tây cho biết, quân đội Ukraine mỗi ngày sử dụng số lượng đạn pháo với mức đáng báo động và một số thành viên NATO đã cạn kiệt những gì họ có thể cung cấp và 20 trong số 30 nước thành viên NATO tỏ ra "đã rất mệt mỏi". Bởi lượng đạn tiêu thụ ở Ukraine trong một ngày tương đương với một tháng ở Afghanistan trước kia.

Bài viết trên New York Times ngày 26/11.

Bài viết trên New York Times ngày 26/11.

Số liệu thống kê viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine cho thấy Mỹ đã hỗ trợ Ukraine ít nhất 142 khẩu pháo xe kéo M777 155mm, đủ để trang bị cho khoảng 8 tiểu đoàn, nhưng phần lớn số pháo này đã bắt đầu bị hao mòn nhiều.

Pháo bị hao mòn vì nhiều nguyên nhân, một trong số đó là bởi đạn pháo 155mm do các nước NATO khác sản xuất sẽ bào mòn nhanh hơn nòng các lựu pháo do Mỹ sản xuất. Mỹ đã cung cấp hàng trăm nghìn viên đạn pháo 155mm cho Ukraine, nhưng quân đội Ukraine cũng đã nhận được đạn pháo 155mm từ các nước khác. Theo các nguồn tin quân sự của Mỹ, do các loại đạn pháo và thuốc phóng không phải do Mỹ sản xuất này chưa được thử nghiệm cho các loại pháo cụ thể, các binh sĩ Ukraine nhận thấy rằng việc khi chiến đấu bắn những quả đạn không phải do Mỹ sản xuất này từ pháo do Mỹ sản xuất sẽ bào mòn nhanh hơn nòng pháo.

Ngoài ra, cách thức quân đội Ukraine sử dụng pháo cũng dẫn đến việc pháo bị hao mòn nhanh chóng. Để đề phòng quân đội Nga phản công, pháo binh của quân đội Ukraine thường bắn từ một khoảng cách rất xa, tuy nhiên điều này đòi hỏi phải có lượng thuốc phóng lớn nhất sinh ra nhiệt năng lớn nhất dẫn đến nòng pháo bị bào mòn với tốc độ nhanh hơn mức bình thường.

Hiện tại, mỗi ngày quân đội Ukraine bắn từ 2.000 đến 4.000 quả đạn pháo trên chiến trường, ít hơn nhiều so với quân đội Nga. Nhưng ngay cả với mức như vậy, quân đội Ukraine đã bắt đầu phải đối mặt với vấn đề hao mòn pháo ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu của họ - lực lượng pháo binh Ukraine đã nhận thấy rằng các khẩu lựu pháo M777 của họ đã bắt đầu bắn không đủ tầm hoặc không đủ chính xác.

Bản thân khẩu M777 cũng là một loại pháo "quý tộc". Lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất với số lượng lớn kết cấu được làm bằng hợp kim titan, trọng lượng toàn bộ súng nhẹ hơn nhiều so với lựu pháo truyền thống, dễ cơ động và triển khai nhanh, nhưng cũng tương đối "xa xỉ" và không thích hợp để sử dụng quá nhiều.

Quân đội Mỹ cũng đã từng lạm dụng pháo M777 vào năm 2017. Vào thời điểm đó, một đại đội pháo binh của Thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Syria đang chiến đấu chống lại các nhóm cực đoan ở Raqqa, miền bắc Syria. 4 khẩu M777 của đại đội này trong 5 tháng đã bắn tới 23 ngàn quả đạn, gấp 55 lần quy mô bình thường khi huấn luyện. Sau đó, 3 trong số 4 khẩu M777 được trang bị cho đại đội pháo binh này đã bị hủy hoại. Một chuyện như vậy hiện đang xảy ra ở Ukraine.

Ngoài sự hao mòn của pháo, quân đội Ukraine cũng bắt đầu thiếu đạn nghiêm trọng. Tờ New York Times ngày 26/11 đã chỉ ra trong một bài viết khác rằng quân đội Ukraine đang sử dụng số lượng đạn pháo nhiều đáng kinh ngạc. Ở Afghanistan trước đây, lực lượng NATO có thể bắn 300 quả đạn pháo mỗi ngày và không cần lo lắng về các cuộc không kích, nhưng quân đội Ukraine hiện bắn hàng ngàn quả đạn pháo mỗi ngày và cần phải lo lắng về các hoạt động phản pháo của quân Nga. Kamil Grande, cựu trợ lý thư ký NATO về đầu tư quốc phòng và hiện là chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết: “(Lượng đạn pháo sử dụng) một ngày ở Ukraine nhiều hơn một tháng ở Afghanistan (trước đây).”

Pháo lựu M777 được Quân đội Ukraine sử dụng quá công suất trên chiến trường dẫn đến hư hỏng ngoài dự kiến (Ảnh: QQ).

Pháo lựu M777 được Quân đội Ukraine sử dụng quá công suất trên chiến trường dẫn đến hư hỏng ngoài dự kiến (Ảnh: QQ).

Trước tình hình đó, tờ New York Times cho rằng, các nước phương Tây đang cố gắng "lấp đầy" kho vũ khí, thiết bị được gửi tới Ukraine bằng cách mua đạn dược từ các nước khác như Hàn Quốc. Tuy nhiên, quân đội Ukraine vẫn có một số lượng lớn súng pháo do Liên Xô sản xuất và NATO không thể cung cấp các loại đạn cho pháo do Liên Xô sản xuất này. NATO thậm chí đang thảo luận về việc đầu tư vào các nhà máy cũ ở Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria để chúng sản xuất đạn pháo cỡ nòng 152mm và 122mm theo tiêu chuẩn của Liên Xô để cung cấp cho Ukraine.

Điều đáng nói là đối với việc quân đội Ukraine thiếu đạn pháo, tờ New York Times đã chỉ trích các nước châu Âu “tê liệt tinh thần”. New York Times cho biết, sau khi Liên Xô giải thể, các nước châu Âu đã nắm lấy "cổ tức hòa bình", ra sức cắt giảm ngân sách quốc phòng, quy mô quân đội và kho vũ khí của họ. New York Times chỉ trích Phương Tây cho rằng sẽ không bao giờ xảy ra chiến tranh pháo binh và xe tăng ở châu Âu nên đã cắt giảm dự trữ vũ khí, "nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng."