Điều thú vị là các giá trị nhận - rút này luôn gần như bằng nhau theo số liệu tại mỗi kỳ báo cáo.
Theo báo cáo tài chính mới nhất là BCTC hợp nhất Quý I/2016, ngay trong 3 tháng đầu năm 2016, Nam A Bank đã nhận tổng cộng 2.495 tỷ đồng tiền gửi từ các giao dịch với các bên có liên quan với Thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành của Ngân hàng.
Tuy nhiên, trong thời gian này, các giao dịch ở hướng ngược lại cũng được tiến hành và cho ra một giá trị tương đương. Cụ thể, trong kỳ, chính các bên có liên quan với Thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành Nam A Bank đã thực hiện rút 2.494 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng này. Hay có nghĩa, cả quý đầu năm, người thân và công ty của các “sếp” Nam A Bank thực chất chỉ gửi ròng vào ngân hàng này vỏn vẹn… 1 tỷ đồng.
Trước đó, theo BCTC hợp nhất Quý III/2015, trong kỳ, Nam A Bank đã nhận tổng cộng 8.764 tỷ đồng tiền gửi từ các giao dịch với các bên có liên quan với Thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành của Ngân hàng. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, lượng rút ra của các bên này cũng lên đến 8.761 tỷ đồng.
Trước nữa, theo BCTC hợp nhất Quý II/2015, nếu lượng tiền gửi vào là 6.655 tỷ đồng thì lượng rút ra cũng lên tới 6.637 tỷ đồng. Còn theo BCTC hợp nhất Quý I/2015, trong khi lượng tiền gửi vào là 2.927 tỷ đồng thì lượng rút ra là 2.893 tỷ đồng. Hay theo BCTC hợp nhất Quý II/2014, nếu lượng tiền gửi vào là 10.311 tỷ đồng thì lượng rút ra còn lên tới 10.332 tỷ đồng.
Qua các thống kê nêu trên, có thể thấy tốc độ và tần suất rút - gửi tiền của các bên thân hữu với lãnh đạo Nam A Bank qua chính ngân hàng này là rất đáng kể.
Hoạt động này, trước tiên về mặt hình thức, sẽ đem đến một số tác động tới kết quả hoạt động và kinh doanh của Nam Á. Chỉ tiêu huy động mới, doanh số thanh toán, dư nợ cho vay và kể cả một số tỷ lệ an toàn hoạt động có thể cũng sẽ “đẹp” hơn. Nhưng như đã nói đó là những điểm nổi, dễ nhìn….
Câu chuyện thu lãi
Báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2016 của Nam A Bank có cho biết một số thông tin về kết quả kinh doanh của ngân hàng này.
Theo đó, hết Quý I, Nam A Bank báo lãi 87 tỷ đồng trước thuế, tăng 8,07% so với cùng kỳ 2015. Đóng góp lớn nhất vào kết quả doanh thu này, tất nhiên, là thu nhập lãi thuần với 269 tỷ đồng, tăng mạnh 35,92% so với cùng kỳ.
NIM lãi suất của ngân hàng cho thấy một số dấu hiệu cải thiện khi Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 23,57% lên 737 tỷ đồng, trong khi Chi phí lãi và các chi phí tương tự chỉ tăng 17,40% lên 468 tỷ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự thực tế đã nhận trong kỳ của Nam A Bank là 643 tỷ đồng, trong khi Chi phí lãi và các chi phí tương tự đã trả là 428 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến cuối Quý 1/2016, có 94 tỷ đồng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự mà Nam A Bank đã ghi nhận hạch toán nhưng thực tế chưa thu, chiếm 12,75%.
Bảng cân đối kế toán cho hay, tính đến 31/3/2016, Nam A Bank đang có 1.425 tỷ đồng Tài sản có khác.
589,220 tỷ đồng trong đó là Các khoản lãi, phí phải thu – một con số thực sự lớn, bởi, tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong cả Quý I/2016 mới chỉ là 737 tỷ đồng. Vậy các khoản lãi, phí phải thu này liên quan đến các khoản cho vay nào (liệu có phải là các bên liên quan của lãnh đạo Nam A Bank)?!
Nên nhớ, lợi nhuận cả năm 2015 của Nam A Bank chỉ là 194 tỷ đồng, chưa đầy 1/3 Các khoản lãi, phí phải thu nêu trên.
564 tỷ đồng Các khoản phải thu và 279 tỷ đồng Tài sản có khác (hai tiểu khoản khác của khoản mục Tài sản có khác) cũng là những số liệu rất đáng quan tâm. Trong một bài viết khác, VietTimes từng đề cập việc “kênh trú nợ xấu” trong khu vực Tài sản Có khác.
Ninh Giang – Hoàng Nguyên