Hôm trước, cổ phiếu của Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán EIB) chính thức bị đưa vào diện cảnh báo. Tuy nhiên, vấn đề mà giới đầu tư quan tâm là ngoài các cổ đông lớn nắm giữ từ 5% -15% cổ phần Eximbank trở lên phải công bố thông tin, số cổ phần còn lại thuộc về ai?
Từng có hiện tượng thu gom cổ phiếu
Theo hồ sơ của Eximbank, trong 15% cổ phần mà đối tác chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) đang nắm giữ, ông Naoki Nishizawa - thành viên HĐQT đại diện 10% và ông Yasuhiro Saitoh - thành viên HĐQT đại diện 5%. Riêng ông Yasuhiro Saitoh còn đại diện hơn 5% cổ phần cho 2 tổ chức khác là Quỹ đầu tư VOF Investment Limited và Mirae Asset Exim Investments Limited. Ông Cao Xuân Ninh - thành viên HĐQT đại diện cho một số cá nhân và 8,2% cổ phiếu mà NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang nắm giữ.
Thế nhưng, đáng chú ý là ông Ngô Thanh Tùng - thành viên HĐQT, đại diện 10% cổ phần của nhóm đầu tư gồm 5 doanh nghiệp và 2 cá nhân: Công ty CP Địa ốc Phú Long, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Á Châu, Quỹ đầu tư VOF Investment Limited và bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận. Đặc biệt, nhóm nhà đầu tư nắm giữ 30% cổ phần Eximbank cũng có 3 cá nhân, trong đó 2 người có nguồn gốc từ một NH nhỏ ở TP HCM - mỗi người đại diện 10% cổ phần và cả 3 hiện là thành viên Ban Kiểm soát Eximbank.
Theo giới đầu tư tài chính, trong năm 2015, thị trường có hiện tượng thu gom cổ phiếu Eximbank. Lãnh đạo của một NH lớn ở TP HCM cho hay có 3 doanh nghiệp liên quan đến một đại gia ngành NH, từng vay tiền của NH để mua cổ phiếu Eximbank từ nhiều năm trước. Đến cuối năm 2015, họ phải bán đi số cổ phiếu này để tháng 6 -2016 trả nợ dứt điểm cho NH. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này phải bán theo phương thức trả chậm. Theo đó, bên mua chỉ đặt cọc 5% giá trị giao dịch, bên bán đồng ý cho bên mua cử người đại diện ứng cử vào HĐQT khi Eximbank tổ chức đại hội cổ đông bất thường - bầu mới HĐQT vào tháng 12-2015.
Nhóm nhà đầu tư có quan hệ thân thiết với một NH nhỏ ở TP HCM cũng thu gom 30% cổ phiếu Eximbank theo hướng bên mua đặt cọc - bên bán đồng ý cho bên mua làm đại diện tỉ lệ cổ phiếu để ứng cử vào HĐQT.
Nhiều người suy luận nếu nhóm nhà đầu tư giới thiệu một cá nhân đại diện 10% cổ phiếu Eximbank thì họ phải bỏ ra ít nhất 1.200 tỉ đồng (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) bởi vốn điều lệ của Eximbank là 12.000 tỉ đồng. Thế nhưng, một số cán bộ ngành NH nhận định đứng sau nhóm nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Eximbank là chủ một NH và chủ một doanh nghiệp vận tải xăng dầu, có rất nhiều bất động sản. Toàn bộ số tài sản này sẽ được thế chấp cho nhiều NH mới đủ tiền mua cổ phần Eximbank.
Thực tế cho thấy Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã bán 25,62 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương 2% vốn điều lệ NH này. Tháng 1-2015, thông qua sàn giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư cũng chuyển nhượng 93 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương 7,5% vốn điều lệ, giá trị giao dịch lên tới 1.200 tỉ đồng. Trước đó, Quỹ VOF Investment Limited cũng bán 1,6 triệu cổ phiếu Eximbank, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần từ 5% xuống 4,9% và không còn là cổ đông lớn.
Cơ cấu cổ đông liên tục thay đổi
Từ tháng 3-2015, cơ cấu cổ phần Eximbank liên tục thay đổi. Lúc đó, để tiến hành đại hội cổ đông năm 2015, bầu mới HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, Eximbank công bố danh sách ứng cử viên gồm 6 người, trong đó đáng chú ý là ông Trần Ngô Phúc Vũ - nguyên Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Nam A Bank, đại diện 10,03% cổ phiếu Eximbank; ông Trần Ngọc Tâm - nguyên Phó Tổng giám đốc Nam A Bank, đại diện 10,39% cổ phiếu Eximbank; ông Lê Minh Quốc đại diện 10,22%...
Tuy nhiên, tháng 4-2015, Eximbank công bố hoãn đại hội cổ đông thường niên năm 2015. Đến giữa tháng 7-2015, NH này mới tổ chức đại hội cổ đông nhưng không có nội dung bầu mới HĐQT. Mãi đến ngày 15-12- 2015, Eximbank mới tiến hành đại hội cổ đông bất thường để bầu HĐQT nhiệm kỳ mới (2015-2020). Tuy nhiên, danh sách ứng cử viên HĐQT chỉ được đưa ra trước giờ khai mạc đại hội vài giờ. Theo đó, ông Trần Ngô Phúc Vũ, ông Trần Ngọc Tâm không có tên trong danh sách. Ông Lê Minh Quốc không còn đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ hơn 10% cổ phiếu và được HĐQT đương nhiệm giới thiệu ứng cử vào HĐQT mới với tư cách là thành viên HĐQT độc lập. Trong đó, ông Ngô Thanh Tùng là người hết sức lạ lẫm, đại diện cho nhóm nhà đầu tư nắm giữ hơn 10% cổ phiếu Eximbank.
Kết quả bầu cử HĐQT mới, ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng trúng cử. Thế nhưng, trước khi về đầu quân cho Eximbank, ông Quốc và ông Tùng đều là thành viên HĐQT Công ty Âu Lạc - một khách hàng lớn của Eximbank. Từ đó, giới đầu tư thắc mắc liệu công ty này có liên quan với các nhóm cổ đông Eximbank, đồng thời vị Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc cũng có tên là Ngô Thu Thúy?
Người nhà phó tổng giám đốc thôi bán cổ phiếu
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cho biết ông Bùi Đỗ Đan Thanh, em ruột bà Bùi Đỗ Bích Vân, Phó Tổng giám đốc Eximbank, đã có văn bản xin rút thông báo bán 11.232 cổ phiếu Eximbank. Theo ông Thanh, do không cần tiền nên ông tiếp tục nắm giữ cổ phiếu Eximbank. Trước đó, ngày 4-4, ông Thanh đã có thông báo đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu này với lý do chi tiêu cá nhân.
Trong 5 phiên giao dịch gần đây (từ ngày 4 đến 8-4), tuy cổ phiếu Eximbank có 2 phiên tăng giá, 1 phiên giảm giá và 1 phiên đứng giá nhưng tính ra, giá cổ phiếu của NH này vẫn tăng 300 đồng, từ 10.100 đồng/cổ phiếu lên 10.400 đồng/cổ phiếu.
Theo NLĐ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu