Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HSX: STB) vừa công bố Báo cáo tài chính riêng Quý IV/2015. Đây là Báo cáo tài chính đầu tiên được Sacombank công bố sau ngày nhận sáp nhập Southern Bank.
Báo cáo đã cho thấy phần nào tình hình sức khỏe của Sacombank hậu sáp nhập. Nhất là những số liệu nợ xấu – vấn đề mà công chúng đang đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, suốt từ 2013 đến nay, Southern Bank – đối tượng vừa “hòa tan” vào STB – luôn bí mật về các thông tin tài chính.
Theo phân loại của Sacombank, trong tổng số 180 nghìn tỷ đồng cho vay khách hàng của nhà băng này tính đến ngày 31/12/2015, đang có 176.423 tỷ đồng nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), 790 tỷ đồng nợ cần chú ý (nhóm 2), 225 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), 125 tỷ đồng nợ nghi ngờ (nhóm 4) và 3.029 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Tính ra, tổng nợ xấu cho vay khách hàng (nhóm 3 – nhóm 5) của Sacombank là 3.379 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,85% tổng dư nợ. Đây là tỷ lệ hoàn hảo với các ngân hàng, và dường như cho thấy sau sáp nhập với "bệnh nhân" Southern Bank, tình hình tài chính Sacombank vẫn rất ổn.
So sánh với cùng kỳ 2014, nợ xấu ở Sacombank đã tăng 1.893 tỷ đồng về số tuyệt đối và 0,65% về số tương đối.
Cùng với đó là cả chục nghìn tỷ đồng nợ xấu khác đang “tạm trú” ở Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam dưới tên “trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành”.
Khối nợ xấu tráo danh này hiện đang chiếm phần lớn trong tổng số hơn 16 nghìn tỷ đồng chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn mà Sacombank đang liệt kê trong Bảng cân đối kế toán của mình.
Nhưng liệu rằng khối nợ xấu đang “di căn” trong lòng Sacombank đã dừng ở đó… ?
Cả tỷ USD nợ xấu đang “ẩn” ở Tài sản có khác?
Theo tính toán của VietTimes, quy mô nợ xấu thực sự ở Sacombank, không loại trừ khả năng, có thể bị đội lên… cả tỷ USD nữa.
Khối nghi ngờ nợ xấu này rất có thể đang được Sacombank ghim ở tài khoản Tài sản Có khác.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2015, tổng giá trị Tài sản Có khác của Sacombank đã tăng sốc tới hơn 4 lần so với đầu năm, lên mức 44.315 tỷ đồng, chiếm đến… 15% tổng tài sản.
Chiếm lớn nhất trong số đó là Các khoản lãi, phí phải thu với 25.144 tỷ đồng. Kế đến là Các khoản phải thu với 17.529 tỷ đồng.
Để làm rõ hơn sự bất thường của số liệu Tài sản có khác ở Sacombank, chúng ta có thể so sánh với các số liệu tương ứng ở các ngân hàng khác.
Chẳng hạn như ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, mặc dù tổng dư nợ Cho vay khách hàng của Vietcombank tại ngày 31/12/2015 lên tới 376 nghìn tỷ đồng – gấp đôi Sacombank – nhưng Tài sản có khác của Vietcombank chỉ là 8.927 tỷ đồng, bằng 1/5 so với Sacombank. Trong đó, Các khoản lãi và phí phải thu là 4.815 tỷ đồng (bằng 1/5 so với Sacombank), Các khoản phải thu là 2.527 tỷ đồng (bằng 1/7 so với Sacombank).
Hay như ở Ngân hàng Công thương Việt Nam, mặc dù tổng dư nợ Cho vay khách hàng của Vietinbank gấp 3 lần Sacombank nhưng giá trị Tài sản có khác của Vietinbank cũng chỉ bằng phân nửa so với Sacombank.
Sự bất cập tương tự cũng diễn ra trong các so sánh giữa Sacombank với BIDV và MBBank.
Thống kê của VietTimes, Sacombank đang là nhà băng đang có giá trị Tài sản có khác lớn nhất hệ thống về cả số tuyệt đối, lẫn số tương đối. Khoảng cách với các ngân hàng khác thậm chí còn được tính bằng bội số.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, Các khoản lãi, phí phải thu; Các khoản phải thu là một nơi giấu nợ rất kín đáo.
“Lãi quá hạn không thu được là dự thu. Lãi dự thu có thể có tài sản bảo đảm, còn phí dự thu thường do ngân hàng đứng ra bảo lãnh, không có tài sản bảo đảm, đến khi khách hàng không trả được, ngân hàng trả thay. Đến phí còn không thu được, thì tất nhiên gốc làm sao thu được. Các ngân hàng không tách riêng phí phải thu, lãi phải thu, mà gộp chung thành lãi, phí phải thu”, vị này cho hay.
Rõ ràng, có lý do để nghi về về số liệu nợ xấu thực chất ở Sacombank và để làm rõ điều này đơn vị kiểm toán, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng cần thiết bóc tách rõ con số hơn 44 nghìn tỷ đồng đang được Sacombank hạch toán ở Tài sản có khác.
Bất ngờ báo lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV/2015
Trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, giải trình cho lý do khiến ngân hàng bị lỗ trong quý IV, Sacombank cho biết có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất là Thu nhập lãi thuần giảm 348,5 tỷ đồng do chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay tăng 1.153,1 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của khách hàng tăng 96.332 tỷ đồng và lãi suất huy động cũng tăng lên chi phí trả lãi tăng 1.151 tỷ đồng; tiền vay tăng 533 tỷ đồng, chi phí trả lãi vay giảm 4,5 tỷ đồng; chi phí khác tăng 6 tỷ đồng.
Thu nhập lãi tăng 804,6 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay tăng 59.655 tỷ đồng và lãi suất cho vay cũng tăng nên thu nhập lãi vay tăng 872 tỷ đồng; Tiền gửi đình kỳ tài các TCTD bình quân trong quý tăng so với cùng kỳ năm trước nên thu nhập lãi tiền gửi tăng 13,5 tỷ đồng; Đầu tư chứng khoán nợ giảm 2.016 tỷ đồng nên thu lãi từ chứng khoán nợ giảm 79,2 tỷ đồng và thu nhập lãi khác giảm 2,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân thứ 2 khiến Sacombank lỗ quý IV là thu nhập từ các hoạt động khác giảm 18,9 tỷ đồng.
Nguyên nhân thứ 3 là do chi từ các hoạt động khác tăng 622 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí dự phòng tín dụng tăng 938,1 tỷ đồng.
Ba nguyên nhân trên khiến Sacombank bị lỗ 989,4 tỷ đồng và làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ, vẫn vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (chỉ tiêu điều chỉnh sau khi nhận sáp nhập Southern Bank ở mức 1.002 tỷ trước thuế và sau thuế 782 tỷ đồng).
Ninh Giang – Quốc Dũng