Mỹ và phương Tây cung cấp xe tăng cho Ukraine: lợi bất cập hại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau thời gian dài tranh chấp, Mỹ, Đức và các nước phương Tây khác lần lượt tuyên bố sẽ cung cấp các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chúng sẽ gây gánh nặng hậu cần cho Kiev.
Xe tăng Leopard được Bồ Đào Nha chở đến viện trợ cho Ukraine (Ảnh) Creaders).
Xe tăng Leopard được Bồ Đào Nha chở đến viện trợ cho Ukraine (Ảnh) Creaders).

Ukraine nói rằng họ cần ít nhất 300 xe tăng để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào mùa xuân và gọi quyết định của phương Tây là một yếu tố giúp thay đổi cục diện chiến trường.

Tuy nhiên, tờ Financial Times của Anh ngày 5/2 đã đăng bài viết cho rằng so với xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, công tác hậu cần và bảo dưỡng xe tăng M1 Abrams của Mỹ quá nặng nề, thay vì giúp xoay chuyển cục diện, sẽ trở thành "gánh nặng" cho quân đội Ukraine.

Theo bài viết này, xe tăng M1 Abrams sử dụng động cơ tua-bin khí, yêu cầu bảo dưỡng tỉ mỉ hơn và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Các binh sĩ Ukraine cũng cần thời gian huấn luyện lâu hơn để thành thạo việc vận hành và bảo dưỡng xe tăng Abrams so với xe tăng Leopard 2 của Đức trang bị động cơ diesel truyền thống.

Bài viết liên quan của Financial Times.

Bài viết liên quan của Financial Times.

Ông Stephen Biddle, thành viên cấp cao về chính sách quốc phòng tại Hiệp hội Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho biết: "Biết cách sửa một chiếc ô tô Volkswagen Beetle chưa chắc đã biết cách sửa một chiếc xe đua F1. Động cơ tua-bin khí dùng cách tiêu thụ lượng nhiên liệu cao để đổi lấy khả năng tăng tốc lớn hơn, nhưng nó đòi hỏi "linh, phụ kiện hoàn toàn khác" và phải đào tạo chuyên môn riêng cho kíp lái và các nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng.

Ông lưu ý rằng động cơ của xe tăng Abrams thường tiêu thụ nhiên liệu hàng không là loại nhiên liệu khó kiếm hơn nhiều so với dầu diesel thông thường. Ngoài việc bảo trì tỉ mỉ, xe tăng Abrams cần có nguồn cung cấp phụ tùng thay thế ổn định, nhưng mạng lưới cung cấp dịch vụ của nó nằm ở lục địa Mỹ, cách xa châu Âu. Ngược lại, Ukraine có thể dễ dàng có được nguồn cung cấp phụ tùng thay thế cho xe tăng Leopard 2 của Đức từ châu Âu.

Ông John Nagl, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ, cũng nhấn mạnh rằng xe tăng Abrams thực sự là một loại xe tăng xuất sắc, “nhưng đây là loại xe tăng của Mỹ, và phương thức chiến đấu của quân đội Mỹ cần có sự hỗ trợ hậu cần toàn diện”.

Xe tăng Leopard 2 của Đức (Ảnh: DPA).

Xe tăng Leopard 2 của Đức (Ảnh: DPA).

Ông John Nagl nêu ví dụ, trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lực lượng tăng-thiết giáp Mỹ đã phải mất rất nhiều công sức vào việc ngăn chặn cát bụi xâm nhập vào động cơ tua-bin khí của xe tăng Abrams, "người ta rất lo ngại rằng việc hút phải cát bụi sẽ khiến động cơ xe tăng ngừng hoạt động", ông nói.

Josh Kirshner, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược Beacon Global Strategies của Mỹ, nói thẳng rằng những khiếm khuyết về hậu cần có thể khiến xe tăng M1 Abrams trở thành "gánh nặng" cho quân đội Ukraine, còn Leopard 2 thì đỡ vất vả hơn trong việc bảo trì. Xe tăng Leopard 2 dễ bảo trì hơn mới là lựa chọn tốt nhất cho quân đội Ukraine "Họ không cần thứ xe tăng Cadillac, họ chỉ cần thứ trang thiết bị đủ tốt".

Việc viện trợ nhiều hệ thống khác nhau khiến vấn đề hậu cần trở nên vô cùng phức tạp, ông Sonny Butterworth, một chuyên gia về xe tăng tại công ty tình báo quốc phòng Janes cho biết.

Xe tăng Challenger 2 của Anh sử dụng loại đạn khác với tiêu chuẩn NATO, còn khi nói đến Leopard 2, sẽ có sự khác biệt không dễ thấy trong các kho lưu trữ của mỗi quốc gia châu Âu cho dù chúng cùng mẫu. Ví dụ, xe tăng Leopard A4 của Tây Ban Nha có hệ thống radio hoặc kiểm soát hỏa lực khác với mẫu cùng loại của Phần Lan, dù chúng vẫn có khả năng tương tác một cách cần thiết.

Ngoài ra xe tăng phương Tây có trọng lượng lớn hơn nhiều so với các loại xe tăng Liên Xô mà Ukraine hiện có. Trong khi T-72 nặng khoảng 45 tấn, thì chiếc M1 Abrams của Mỹ có thể nặng từ 67 đến 74 tấn.

Chuyên gia quân sự và quốc phòng Michael Peck nói: "Điều này ảnh hưởng đến thiết kế của các loại cầu nối mà xe tăng sử dụng, từ đó ảnh hưởng đến nơi chúng được triển khai cũng như sự cơ động của chúng trên chiến trường".

Theo các chuyên gia, những cây cầu thời Liên Xô được thiết kế để chịu sức nặng của xe tăng vào thời bấy giờ và trong khu vực. Nhiều cây cầu của Ukraine có thể không phù hợp với loại xe tăng chiến đấu chủ lực mà phương Tây sắp viện trợ cho Ukraine.

Các thiết bị bắc cầu mà quân đội Ukraine đang sử dụng cũng được thiết kế dành cho xe tăng thời Liên Xô, chứ không phải Abrams, Challenger hay Leopard.

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ (Ảnh: Bloomberg).

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ (Ảnh: Bloomberg).

Mặc dù những lo ngại về khả năng hậu cần của Ukraine trong nội bộ Mỹ chưa bao giờ biến mất, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/1 vẫn tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng M1 Abrams. Số xe tăng này dự kiến ​​sẽ được vận chuyển đến Ukraine trong vòng vài tháng.

Ngoài ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ngày cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Leopard 2 và cho phép các nước châu Âu khác chuyển giao loại xe tăng do Đức sản xuất này cho Ukraine. Ông tuyên bố mục tiêu cuối cùng của Đức và các đối tác là cung cấp cho Ukraine 112 xe tăng Leopard 2.

Trước quyết định mở rộng viện trợ quân sự cho Ukraine của các nước phương Tây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27/1 đã cảnh báo việc viện trợ xe tăng cho Ukraine sẽ đẩy sự đối đầu giữa phương Tây và Nga lên một tầm cao mới. Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga ngày 30/1 nhấn mạnh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không làm thay đổi diễn biến tình hình, và "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga sẽ tiếp tục.