Mỹ sẽ cung cấp những vũ khí gì cho Ukraine trong đợt viện trợ lớn chưa từng thấy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 6/1, Mỹ đã công bố một đợt viện trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá 3,075 tỉ USD, là khoản viện trợ lớn nhất cho đến nay, trong đó có nhiều loại vũ khí lần đầu được Washington cung cấp cho Kiev.
Tên lửa RIM-7 Sea Sparrow được phóng từ dàn lắp đặt trên tàu chiến (Ảnh: Wiki).
Tên lửa RIM-7 Sea Sparrow được phóng từ dàn lắp đặt trên tàu chiến (Ảnh: Wiki).

Kể từ khi Joe Biden trở thành tổng thống Hoa Kỳ, ông đã hứa cung cấp hơn 24,9 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và đây là lần viện trợ lớn nhất.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 7/1, khoản viện trợ này gồm 2 phần, trong đó 2,85 tỉ USD được lấy từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng theo thẩm quyền phân bổ của Tổng thống Mỹ. 225 triệu USD còn lại lấy từ tài khoản quân sự của Bộ Ngoại giao. Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A2, đủ trang bị cho một tiểu đoàn bộ binh cơ giới, trang bị 500 tên lửa chống tăng bám mục tiêu bằng thiết bị quang học và điều khiển bằng dây dẫn, cùng 250.000 viên đạn pháo cỡ 25mm.

Ukraine cũng lần đầu tiên nhận được các tên lửa RIM-7 Sea Sparrow dẫn đường bằng radar, có thể phóng từ mặt biển hoặc đất liền để đánh chặn máy bay hoặc tên lửa hành trình. Trang tin Politico của Mỹ dẫn lời hai người thành thạo với vấn đề này nói rằng quân đội Ukraine đã sáng tạo trên chiến trường, tìm cách sửa đổi các bệ phóng tên lửa phòng không Buk thời Liên Xô để phóng tên lửa RIM-7 Sea Sparrow. Tên lửa RIM-7 Sea Sparrow phóng từ đất liền chỉ được quân đội Đài Loan sử dụng, còn Mỹ và các đồng minh đều sử dụng phiên bản phóng từ tàu chiến.

Dàn phóng và đạn tên lửa RIM-7 Sea Sparrow phiên bản triển khai trên đất liền Mỹ cung cấp cho Đài Loan (Ảnh: Wiki).

Dàn phóng và đạn tên lửa RIM-7 Sea Sparrow phiên bản triển khai trên đất liền Mỹ cung cấp cho Đài Loan (Ảnh: Wiki).

Quân đội Ukraine hiện đang nỗ lực cải tạo các bệ phóng tên lửa Buk thời Liên Xô họ có để có thể sử dụng phóng tên lửa RIM-7 Sea Sparrow. Đây là tín hiệu tích cực với Ukraine, vì nước này sở hữu rất nhiều bệ phóng Buk trong kho nhưng lại không có đủ đạn tên lửa gắn vào các bệ phóng này. Giới chuyên gia cho rằng RIM-7 Sea Sparrow sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu tên lửa cho các bệ phóng thời Liên Xô này, đặc biệt là những tên lửa này có khả năng bắn hạ cả máy bay và tên lửa hành trình.

RIM-7 Sea Sparrow do các hãng Raytheon và General Dynamic của Mỹ đồng phát triển từ đầu những năm 1960, dựa trên tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow. Sau hàng loạt nâng cấp, RIM-7 Sea Sparrow đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống phòng không trên tàu chiến Mỹ.

Các ống phóng tên lửa không đối đất Zuni (Ảnh: Sohu).

Các ống phóng tên lửa không đối đất Zuni (Ảnh: Sohu).

RIM-7 Sea Sparrow nặng khoảng 230 kg, trong đó 40,5 kg là đầu đạn nổ mạnh. Tên lửa có chiều dài 3,64 mét, đường kính 0,203 mét, tốc độ bay 4.256km/h, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 1,5km đến 30km ở độ cao từ 6 đến 15.000 mét.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper cho biết, tên lửa không đối đất Zuni có thể được lắp đặt trên các loại máy bay quân sự đang trong biên chế của Ukraine và được các máy bay cánh cố định hoặc trực thăng để tấn công các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất. Tên lửa này là loại tầm ngắn, được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1957, nó được đặt theo tên của một bộ lạc người Mỹ bản địa ở phía Tây Nam nước Mỹ. Các phiên bản ban đầu của tên lửa này không có điều khiển, một số sau đó đã được nâng cấp lên dẫn đường bằng laser.

Bà Cooper chỉ ra rằng tình hình chiến tranh ở Ukraine hiện đang ở vào thời điểm quan trọng và Mỹ phải làm mọi cách có thể để giúp Ukraine chống lại Nga. Viện trợ quân sự gắn với mở rộng huấn luyện quân đội Ukraine của Mỹ bổ sung cho nhau sẽ cải thiện khả năng cơ động chung và khả năng chiến đấu chung của họ. Bà cũng chỉ ra rằng lúc này là thời điểm thích hợp để Mỹ và các đồng minh cung cấp năng lực thiết giáp cho Ukraine, và đã đến lúc Ukraine sử dụng năng lực của chính họ để thay đổi cục diện trên chiến trường.

Lắp dàn tên lửa Zuni lên máy bay F-18 của Hải quân Mỹ (Ảnh: Sohu).

Lắp dàn tên lửa Zuni lên máy bay F-18 của Hải quân Mỹ (Ảnh: Sohu).

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày nêu rõ, chính phủ Joe Biden sẽ tiếp tục khuyến khích các đồng minh và đối tác cung cấp thêm cho Ukraine các hệ thống phòng không, pháo và xe chiến đấu. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố khoản tài trợ quân sự bổ sung trị giá 682 triệu USD để khuyến khích và “bù đắp” các thiết bị quân sự do các đồng minh và đối tác đã viện trợ cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/1 cho biết ông đang xem xét cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley để giúp quân đội Ukraine đáp trả các cuộc tấn công của Nga.

Với sự phát triển của tình hình cuộc chiến Nga-Ukraine, Mỹ đang tăng cường gửi các vũ khí có tính năng mạnh hơn tới Ukraine. Trong những ngày đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Mỹ chủ yếu cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không vác vai Stinger và tên lửa chống tăng Javelin. Khi cuộc xung đột lâm vào tình trạng đình trệ, Mỹ bắt đầu cung cấp cho quân đội Ukraine các hệ thống vũ khí phức tạp hơn, chẳng hạn như hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao M142 HIMARS và hệ thống tên lửa đất đối không tối tân NASAMS.

Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 50 xe chiến đấubộ binh Bradley M2A2 (Ảnh: Sohu).

Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 50 xe chiến đấubộ binh Bradley M2A2

(Ảnh: Sohu).

Vào tháng trước, Mỹ cũng cam kết cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không Patriot để giúp quân đội Ukraine đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Đây là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất mà các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine từ trước đến nay. Theo CNN ngày 5/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Ryder cho biết Mỹ đang xem xét huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot ở Mỹ và nước ngoài. Ông cho rằng, so với các hệ thống phòng không cung cấp cho Ukraine trước đây, tên lửa Patriot có thể bắn hạ nhiều hơn các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay.

Về vấn đề này, Nga đã nhiều lần cáo buộc Mỹ đang can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng. Đáp lại việc Mỹ cân nhắc cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 6/1 lên tiếng chỉ trích Mỹ một lần nữa phớt lờ lời kêu gọi của Nga và cố tình thực hiện các hành động nguy hiểm.

Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ (Ảnh: BJN).

Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ (Ảnh: BJN).

Ông Antonov nói rằng vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine không đơn thuần có tính chất phòng vệ quốc gia và hành vi của Mỹ sẽ khuyến khích những phần tử cực đoan Ukraine thực hiện những hành động nguy hiểm hơn. Ông Antonov cho rằng các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu từ lâu đã bắt đầu làm suy yếu Nga, và không ai cần phải nghi ngờ người nào phải chịu trách nhiệm về việc xung đột kéo dài. Lệnh "ngừng bắn" tạm thời do Nga đơn phương tuyên bố cũng được coi là một biện pháp "nghỉ xả hơi". Tất cả những điều này có nghĩa là Mỹ quyết định buộc Ukraine chiến đấu đến người cuối cùng, họ cơ bản không hề quan tâm đến số phận của người dân Ukraine.

Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 500 tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, (Ảnh: Sina).

Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 500 tên lửa chống tăng BGM-71 TOW,

(Ảnh: Sina).

Danh sách cụ thể những vũ khí và trang thiết bị Mỹ cung cấp cho Ukraine lần này:

●50 xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A2, cùng 500 tên lửa chống tăng BGM-71 TOW và 250.000 viên đạn pháo cỡ 25mm

●100 xe bọc thép chở quân M113

●55 xe chống mìn chống phục kích

●138 xe bánh lốp đa năng cơ động cao

●18 pháo tự hành 155mm, 70.000 viên đạn pháo cỡ 155mm cùng với 18 xe hỗ trợ đạn dược

●500 viên đạn pháo dẫn đường chính xác 155mm cùng 1.200 viên đạn chống giáp tầm xa 155mm

●36 pháo xe kéo 105mm cùng 95.000 viên đạn

●10.000 viên đạn súng cối 120mm

●Đạn bổ sung cho hệ thống tên lửa đa năng cơ động cao M142 HIMARS

●Tên lửa phòng không RIM7 Sea Sparrow (không rõ số lượng)

●4.000 quả tên lửa không đối đất Zuni

●Khoảng 2.000 tên lửa chống tăng

●Súng bắn tỉa, súng máy, súng phóng lựu và đạn vũ khí hạng nhẹ

●Mìn sát thương Broadsword

●Thiết bị nhìn đêm và thiết bị quang học

●Các loại phụ tùng và thiết bị chiến trường khác./.