Mỹ đem trực thăng Mi-17 mua của Nga viện trợ Ukraine, Nga giận dữ phản đối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ thông báo quyết định cung cấp cho Ukraine 4 máy bay trực thăng vũ trang Mi-17 mà Nga bán cho Mỹ để viện trợ chính phủ Afghanistan trước đây, Nga lập tức phản đối mạnh mẽ.
Mỹ quyết định viện trợ thêm 4 máy bay trực thăng vũ trang Mi-17 mua của Nga cho Ukraine (Ảnh: USArmy).
Mỹ quyết định viện trợ thêm 4 máy bay trực thăng vũ trang Mi-17 mua của Nga cho Ukraine (Ảnh: USArmy).

Trong thông cáo ra ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Nga chỉ rõ "4 máy bay trực thăng Mi-17 này nằm trong 'gói viện trợ' của chính phủ Mỹ dành cho Ukraine được công bố vào ngày 1/6. Nguồn gốc 4 chiếc trực thăng này vốn được Nga bán cho Mỹ để cung cấp cho quân đội Afghanistan trước đây chống lực lượng Taliban, trong các hợp đồng liên quan và giấy chứng nhận người sử dụng cuối đều ghi rõ những chiếc trực thăng này chỉ được giao cho lực lượng vũ trang của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan sử dụng. Thế nhưng Mỹ đã liều lĩnh hy vọng dùng chúng làm vũ khí viện trợ Ukraine, coi thường mọi sự ràng buộc pháp lý".

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Nga đã nhiều lần nhắc nhở Mỹ chú ý rằng hành vi coi thường nghĩa vụ đối với hiệp ước và hợp đồng là không thể chấp nhận được. Đại sứ quán Nga tại Washington đã đưa ra tuyên bố chính thức với Bộ Ngoại giao Mỹ và yêu cầu giải thích chi tiết lý do tại sao trực thăng Mi-17 được chuyển giao cho Ukraine mà không có sự đồng ý và thông báo của bên xuất khẩu (tức là Nga), vi phạm cơ chế ngoại giao đã thiết lập. Nhưng phía Nga chưa bao giờ nhận được bất kỳ câu trả lời có thể chấp nhận nào từ phía Mỹ; trái lại phía Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh với phía Nga rằng các hành động của Mỹ "phù hợp với lợi ích quốc gia và luật pháp" và rằng tất cả hàng tỷ USD viện trợ quân sự Mỹ cung cấp cho Ukraine đều có tính chất được gọi là phòng thủ.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: "Hành vi của Mỹ là một thứ 'tiêu chuẩn kép' cực kỳ rõ ràng, tức là Mỹ chỉ thực hiện các thỏa thuận có lợi cho họ tại một thời điểm cụ thể và hành vi vi phạm luật quốc tế rõ ràng của Mỹ cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến việc kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine".

Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, "Mỹ một mặt tuyên bố không quan tâm đến tình hình leo thang giữa Nga và NATO, nhưng lại đồng thời cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực tầm xa một cách vô trách nhiệm. Mỹ đã biện luận rằng họ đã nhận được sự đảm bảo từ Ukraine rằng các hàng viện trợ quân sự của họ sẽ không được sử dụng ở bên ngoài biên giới Ukraine. Nhưng phía Nga nhận thức rất rõ giá trị của những sự đảm bảo của Ukraine, có thể thấy rõ qua lịch sử Ukraine về việc họ 'tuân thủ' thỏa thuận Minsk ra sao".

Phía Nga phản đối Mỹ viện trợ máy bay Mi-17 mua của Nga cho Ukraine, vi phạm thỏa thuận giữa hai bên.

Phía Nga phản đối Mỹ viện trợ máy bay Mi-17 mua của Nga cho Ukraine, vi phạm thỏa thuận giữa hai bên.

Bộ Ngoại giao Nga “kịch liệt lên án hành động của Mỹ, cho rằng cách tiếp cận của Mỹ sẽ chỉ tạo ra những trở ngại cho việc giải quyết sớm và hòa bình xung đột Ukraine. Mỹ và con rối của họ ở Ukraine phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả”.

Đây là lần thứ 2 Mỹ cung cấp máy bay Mi-17 cho Ukraine. Lô máy bay trực thăng Mi-17 đầu tiên mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là 5 chiếc, những chiếc trực thăng này vốn được Mỹ mua cho lực lượng quân đội chính phủ Afghanistan trước đây. Ngày 13/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ John Kirby đã thông báo chi tiết về chương trình viện trợ quân sự bổ sung của Mỹ cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp 11 máy bay trực thăng Mi-17 cho Ukraine.

Đáp lại việc Mỹ cung cấp máy bay trực thăng Mi-17 cho Ukraine, Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga ngày 27/4 đã đưa ra một tuyên bố, nêu rõ: “Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga phản đối bất kỳ hành vi chuyển giao bất hợp pháp nào vũ khí của Nga (Liên Xô) sản xuất cho Ukraine hoặc các nước khác, trong đó bao gồm các máy bay trực thăng do Rosoboronexport chuyển giao theo hợp đồng năm 2011 với Lầu Năm Góc”.

Cục này khi đó cũng chỉ ra rằng hợp đồng mua sắm với Lầu Năm Góc và giấy chứng nhận người dùng cuối có liên quan quy định rằng các máy bay trực thăng được sử dụng để Mỹ bàn giao cho các lực lượng chính phủ Afghanistan trước đây và không thể tái xuất hoặc chuyển giao cho bất kỳ nước thứ ba nào mà không có sự đồng ý của Nga. Quyết định đơn phương của Mỹ cung cấp các máy bay trực thăng này cho Ukraine đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và các quy định trong các văn kiện hợp đồng Nga-Mỹ.

Truyền thông Nga chỉ ra rằng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Mỹ và các đồng minh NATO đã liên tục gửi vũ khí tới Ukraine. Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Biden đã ký Luật hợp đồng cho thuê để bảo vệ nền dân chủ Ukraine, đơn giản hóa đáng kể quy trình để Mỹ cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự và các nguồn lực cần thiết khác.

Phía Nga nhiều lần cho rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí sẽ chỉ kéo dài xung đột, đồng thời cảnh báo rằng một khi những vũ khí và thiết bị này vào lãnh thổ Ukraine, chúng sẽ bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.