Lý giải về Nord Stream 2 - Dự án vừa bị Đức ngừng phê duyệt do khủng hoảng Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đức vừa ngừng dự án đường ống dẫn dầu gây tranh cãi của Nga, sau khi Moscow công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine.
Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí kéo dài 1.230 km nằm dưới biển Baltic, chạy từ Nga tới bờ biển của Đức (Ảnh: DPA)
Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí kéo dài 1.230 km nằm dưới biển Baltic, chạy từ Nga tới bờ biển của Đức (Ảnh: DPA)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ngừng quy trình phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) để phản ứng trước việc Nga công nhận các khu vực do người ly khai nắm giữ ở miền Đông Ukraine.

Đường ống dẫn dầu xuyên biển này trực tiếp cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu thông qua Đức và đã hoàn thiện nhưng chưa đi vào vận hành. Nó đã trở thành một mục tiêu lớn trong lúc chính phủ các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt với Nga và ngăn chặn Moscow có thêm động thái nhằm vào nước láng giềng.

Nord Stream 2 là gì?

Đây là một đường ống dẫn khí kéo dài 1.230 km nằm dưới biển Baltic, chạy từ Nga tới bờ biển của Đức. Nó chạy song song với đường ống dẫn khí Nord Stream trước đây và sẽ giúp nâng gấp đôi lượng khí chuyển sang châu Âu, lên tới 110 tỉ mét khối khí mỗi năm. Điều này có nghĩa rằng tập đoàn Gazprom của Nga có thể chuyển khí đốt tới hệ thống ống dẫn của châu Âu mà không phải sử dụng các đường ống dẫn hiện tại chạy qua Ukraine và Ba Lan.

Đường ống của Nord Stream 2 vốn đã được lấp đầy khí đốt nhưng vẫn đang phải chờ sự phê duyệt của Đức và Ủy ban châu Âu.

Thủ tướng Đức làm thế nào để chặn Nord Stream 2?

Các nhà điều phối của Đức chịu trách nhiệm xem xét xem dự án Nord Stream 2 có tuân thủ những quy định hiện hành của châu Âu về cạnh tranh công bằng hay không. Đây là một quy trình phê duyệt mà Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng sẽ đưa ra quyết định đình chỉ trong hôm 22/2.

Đức cần phải đưa ra một bản báo cáo chỉ ra rằng Nord Stream 2 gây ảnh hưởng tới an ninh năng lượng, và ông Scholz nói rằng bản báo cáo này đang được hoàn tất.

Tại sao Đức ra quyết định trong thời điểm hiện tại?

Ông Scholz, người tiếp nhận vị trí Thủ tướng Đức vào tháng 12/2021, ủng hộ dự án Nord Stream 2 từ khi còn là Bộ trưởng Tài chính dưới thời chính quyền Angela Merkel, và đảng Dân chủ Xã hội của ông cũng ủng hộ nó. Khi Nga dồn binh sát biên giới Ukraine, ông Scholz đặc biệt tránh nhắc tới Nord Stream 2, ngay cả khi Mỹ nói rằng họ vẫn muốn tiêu hủy Nord Stream 2 đến cùng dù cho Nga có tấn công Ukraine hay không.

Nhưng ông Scholz cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối diện với “những hậu quả nghiêm trọng” và rằng các lệnh trừng phạt cần phải được chuẩn bị sẵn. Đức đã nhất trí với Mỹ rằng họ sẽ hành động nhằm vào Nord Stream 2 nếu như Nga sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí hoặc tấn công Ukraine.

Thủ tướng trong hôm 22/2 nói rằng việc Nga công nhận độc lập của các khu vực người ly khai nắm giữ ở Ukraine đánh dấu “sự phá vỡ luật pháp quốc tế một cách nghiêm trọng” và rằng họ cần phải “gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới Moscow để chỉ rõ rằng những hành động như vậy sẽ đi kèm với hậu quả.”

Tại sao Nga muốn có Nord Stream 2?

Tập đoàn Gazprom của Nga nói rằng họ sẽ đáp ứng được như cầu khí tự nhiên ngày càng tăng của châu Âu, trong khi đường ống này sẽ hỗ trợ cho các đường ống cũ đi qua Belarus và Ukraine.

Nord Stream 2 cũng là giải pháp mới thay thế cho hệ thống ống dẫn đã cũ kỹ ở Ukraine, giúp giảm giá thành nhờ tiết kiệm chi phí trung chuyển mà Nga phải trả cho Ukraine, và tránh những vụ việc cắt nguồn cung gây ra do tranh chấp về giá giữa Nga và Ukraine như từng thấy vào năm 2006 và 2009.

Châu Âu là một thị trường quan trọng đối với Gazprom, và cũng giúp làm tăng ngân sách của chính phủ Nga. Châu Âu cần khí đốt bởi họ đang muốn thay thế các nhà máy điện chạy bằng than và năng lượng nguyên tử, trước khi các nguồn năng lượng tái tạo như gió hay năng lượng mặt trời đầy đủ hơn.

Tại sao Mỹ phản đối Nord Stream 2?

Nhà Trắng đã “tham vấn sát sao với Đức” và hoan nghênh quyết định ngừng phê duyệt dự án Nord Stream 2, thư ký báo chí Jen Psaki viết trên Twitter trong hôm 22/2.

Mỹ, các đồng minh châu Âu và NATO như Ba Lan và Ukraine đã liên tục phản đối dự án này, cho rằng nó khiến cho châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, và Moscow có thể sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí địa-chính trị. Châu Âu phải nhập khẩu phần lớn khí đốt của họ, trong đó 40% nguồn cung của họ đến từ Nga.

Đường ống dẫn khí này còn trở thành nút thắt trong quan hệ Mỹ-Đức. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không áp lệnh trừng phạt đối với nhà điều hành đường ống này khi nó gần hoàn thiện, để đổi lấy một thỏa thuận từ Đức rằng Berlin sẽ có hành động đối với Nga nếu như Moscow sử dụng khí đốt như vũ khí hoặc tấn công Ukraine.

Ngừng Nord Stream 2 sẽ khiến châu Âu “đóng băng”?

Không thể. Ngay cả từ trước khi Đức đưa ra động thái mới, các nhà điều hành đã nêu rõ rằng quy trình phê duyệt Nord Stream 2 không thể hoàn tất trong nửa đầu năm 2022. Điều đó có nghĩa rằng đường ống dẫn này chưa thể cung ứng cho châu Âu trong mùa Đông năm nay, thời điểm khí đốt khan hiếm.

Tình trạng khan hiếm này vẫn tiếp tục gây ra nhiều quan ngại về việc châu Âu phụ thuộc và khí đốt của Nga. Mặc dù Nga vẫn thực hiện các hợp đồng dài hạn với khách hàng ở châu Âu, nhưng lại ngừng các hợp đồng ngắn hạn và không lấp đầy các kho chứa ngầm ở châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng sự khan hiếm này càng cho thấy sự cấp thiết phải phê duyệt Nord Stream 2, điều này làm tăng quan ngại rằng Nga sử dụng khí đốt để gây ảnh hưởng tới châu Âu.

Nga có ngừng cung khí đốt cho châu Âu để trả đũa?

Mặc dù châu Âu cần khí đốt của Nga, nhưng ngược lại Gazprom cũng cần thị trường châu Âu. Sự phục thuộc lẫn nhau này chính là lý do tại sao mà nhiều người tin rằng Nga sẽ không cắt nguồn cung sang châu Âu, và giới chức Nga cũng khẳng định họ không có ý định làm như vậy.

Trong khi đó, khủng hoảng Ukraine cũng khiến cho chính phủ nhiều nước ở châu Âu có thêm lý do để đi tìm nguồn cung khác, như khí hóa lỏng (LNG) được cung cấp bởi Mỹ, Algeria và nhiều nước khác.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Twitter để thể hiện sự không hài lòng của ông trước việc Đức ngừng phê duyệt Nord Stream 2: “Xin chào mừng đến với thế giới mới, nơi mà người dân châu Âu sẽ phải sớm chi 2.000 Euro cho mỗi 1.000 mét khối khí tự nhiên!”.

Giá khí đốt trên thị trường châu Âu trong hôm 22/2 là 829 Euro cho 1.000 mét khối khí. Tháng 12/2021, giá khí đốt là 1.743 Euro, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, và kể từ đó đã giảm nhờ châu Âu đảm bảo được nguồn cung LNG.