Nga điều quân tới Đông Ukraine: Bước đi làm dấy lên lo ngại về chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hành động mới nhất của Nga khi công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng làm tăng nhiệt cuộc khủng hoảng mà phương Tây lo ngại là sẽ gây ra một cuộc chiến lớn.
Người dân ở Donetsk ăn mừng sau quyết định công nhận của Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: AP)
Người dân ở Donetsk ăn mừng sau quyết định công nhận của Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Theo hãng tin Reuters, một nhân chứng đã trông thấy nhiều xe tăng cùng các loại khí tài khác đang di chuyển qua thành phố Donetsk nơi phe ly khai đang kiểm soát, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng và ra lệnh triển khai lực lượng tới những khu vực này để “duy trì hòa bình”.

Khoảng 5 chiếc xe tăng đã được trông thấy ở Donetsk và 2 chiếc khác ở khu vực khác của thành phố, theo phóng viên của Reuters. Phù hiệu trên các phương tiện này không rõ.

Quyết định của Tổng thống Putin đã vấp phải phản ứng của Mỹ và châu Âu, và những lời đe dọa áp lệnh trừng phạt, mặc dù vẫn chưa rõ đây có phải bước đi lớn đầu tiên của ông Putin trong kế hoạch tấn công quy mô lớn nhằm vào Ukraine – như phương Tây đã đồn đoán trong nhiều tuần qua – hay không.

Trong hôm đầu tuần này, Trung Quốc đã kêu gọi các bên kiềm chế để tránh làm tăng căng thẳng khủng hoảng Ukraine, hối thúc các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao trong một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ.

“Tất cả các bên liên quan cần phải kiềm chế và tránh mọi hành động gây căng thẳng. Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao” – Trương Quân, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, nói.

Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại LHQ, nói trong một cuộc họp rằng việc Moscow công nhận 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là một phần trong âm mưu nhằm tạo tiền đề để tấn công nước láng giềng.

Đại sứ Đức tại LHQ Antje Leendertse nói tại hội đồng rằng Nga đã cho thấy ý định thực sự của họ bằng việc triển khai binh sĩ. “Nga đã liên tục khẳng định rằng họ không phải một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ngày hôm nay, họ đã tự vạch trần mình và cho thấy họ luôn là một bên”, Leendertse nói.

Đội ngũ ngoại giao của Mỹ, đã được chuyển từ thủ đô Kiev sang thành phố Lviv, được chỉ thị tới Ba Lan trong lúc cuộc khủng hoảng gia tăng.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ nói rằng việc Nga triển khai quân tới Donetsk và Lugansk vẫn chưa cấu thành một cuộc “xâm lược” để khiến Washington áp những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất, nhưng một chiến dịch quy mô lớn hơn có thể được khởi động vào bất cứ lúc nào.

Nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden giờ đang có nguy cơ đổ vỡ.

Tổng thống Biden, người cũng đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã ký một sắc lệnh ngừng tất cả các hoạt động kinh doanh của Mỹ ở Donetsk và Lugansk, đồng thời cấm nhập khẩu tất cả các loại hàng hóa từ 2 khu vực này. Những biện pháp này không liên quan tới các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đã chuẩn bị để áp đặt trong trường hợp Nga tấn công tổng lực Ukraine, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.

Nhà Trắng nói rằng các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ được công bố trong ngày 22/2.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng sắc lệnh trên “được đưa ra nhằm ngăn chặn Nga kiếm lợi từ hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của họ”.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức nói rằng Đức, Pháp và Mỹ đã nhất trí phản ứng bằng các lệnh trừng phạt, trong khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho hay Anh sẽ công bố lệnh trừng phạt mới trong hôm 22/2.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga “cố gắng tạo tiền đề” để tấn công Ukraine.

Trong một bài phát biểu được tường thuật trên truyền hình, Tổng thống Putin lộ rõ vẻ tức giận và nói rằng Đông Ukraine là vùng đất cổ xưa của Nga. Kênh truyền hình quốc gia của Nga chiếu cảnh ông Putin, bên cạnh là các thủ lĩnh ly khai được Nga hậu thuẫn, đang ký một sắc lệnh công nhận sự độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk.

Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định của ông trong các cuộc điện đàm trước đó với lãnh đạo Đức và Pháp, theo Điện Kremlin.

Trong bài phát biểu của mình, ông Putin đã nói về lịch sử từ thời Đế chế Ottoman và cả diễn biến mới đây, khi mà NATO mở rộng về phía Đông. Ông yêu cầu Ukraine từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, một đề nghị đã liên tục bị Kiev và các nước thành viên NATO bác bỏ.

“Tôi cho rằng việc đưa ra một quyết định mà đáng lẽ nên được đưa ra từ lâu là điều cần thiết – đó là ngay lập tức công nhận sự độc lập và chủ quyền của nước cộng hòa Donetsk và Lugansk” – ông Putin.

Mỹ nói rằng Nga đã điều động một lực lượng khoảng 169.000 – 190.000 binh sĩ trong khu vực này, bao gồm cả những người ly khai ở Lugansk và Donetsk, và cảnh báo rằng một cuộc “xâm lược” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tổng thống Putin trong nhiều năm qua đã mong muốn phục hồi lại tầm ảnh hưởng của Nga đối với các quốc gia trỗi dậy sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, trong đó Ukraine nắm giữ một vị trí quan trọng trong nỗ lực này.

Nga khẳng định không có ý định tấn công nước láng giềng, nhưng đã đe dọa sẽ có hành động “quân sự-kỹ thuật” chưa xác định trừ khi họ nhận được sự đảm bảo về mặt an ninh, bao gồm lời hứa sẽ không cho Ukraine gia nhập NATO.

Việc công nhận 2 khu vực mà người ly khai nắm giữ sẽ làm thu hẹp các lựa chọn ngoại giao để tránh khỏi một cuộc chiến, bởi nó đi ngược lại lệnh ngừng bắn kéo dài suốt 7 năm mà Đức và Pháp từng đứng ra làm trung gian.