Những ngày gần đây, số F0 ở Hà Nội liên tục tăng nhanh, trung bình gần 3.000 ca/ngày. Số ca mắc COVID-19 tăng vọt kéo theo số ca tử vong tăng.
Theo thống kê của CDC Hà Nội, trong ngày 27/1, Thủ đô ghi nhận 2.907 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 422 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 679 ca cộng đồng và 2.228 ca đã được cách ly. Đặc biệt, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay đã là 560 người.
Người nào dễ tử vong vì COVID-19?
Thông tin về đối tượng dễ chuyển nặng, tử vong vì COVID-19, trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương – cho biết: Hiện nay số ca mắc COVID-19 của Hà Nội đang tăng. Điều này đã được dự báo từ trước. Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng tập trung ở các nhóm có nguy cơ cao (người chưa tiêm vaccine, tuổi cao, > 50-60 tuổi, mắc các bệnh nền liên quan đến chuyển hoá như: béo phì, đái tháo đường, bệnh lý về huyết áp, tim mạch, bệnh phổi,…).
Bác sĩ khám cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý) |
Tại Bệnh viện tuyến đầu chiến đấu chống COVID-19 tại Hà Nội, BS CKII. Nguyễn Trung Cấp – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho hay: Bệnh viện đang điều trị cho 580 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Đối tượng người bệnh tử vong chủ yếu là người cao tuổi, mắc các bệnh nền (ung thư giai đoạn cuối, xơ gan, suy thận mạn, chạy thận nhân tạo,…).
Đồng ý kiến với PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung và BS. Cấp, ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – chia sẻ: 3 nhóm nguy cơ chính khiến bệnh nhân dễ tử vong do COVID-19 gồm: Chưa tiêm vaccine (92% số bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện chưa tiêm vaccine); người cao tuổi và người có bệnh nền. Nếu người bệnh vừa cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền lại chưa tiêm vaccine thì “không có đường ra”.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị hơn 300 ca mắc COVID-19, trong đó tầng 3 có 150 bệnh nhân.
Làm thế nào để khống chế ca tử vong do COVID-19 tại Hà Nội?
Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, để giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, thành phố phải rà soát tất cả các đối tượng có nguy cơ chuyển nặng cao khi mắc bệnh đã tiêm đủ liều vaccine hay chưa. Bởi 100% đối tượng này phải tiêm đủ 3 mũi vaccine mới giảm được nguy cơ mắc COVID-19 nặng. Việc tiêm vaccine thì xã, phường phải phụ trách.
Thứ 2, với người có yếu tố nguy cơ/đã được tiêm vaccine thì việc tiếp cận điều trị đúng, ngay từ ban đầu vô cùng quan trọng – bệnh nhân cần được tư vấn đầy đủ, có tâm lý ổn định.
Thực tế, người bệnh COVID-19 được điều trị ở nhà là tốt nhất, kết nối với y tế địa phương để khi có dấu hiệu chuyển nặng được theo dõi kịp thời.
Thứ 3, khi mắc COVID-19, bệnh nhân phải đảm bảo đủ dinh dưỡng (calo, đạm, axit amin để sản xuất ra kháng thể), điện giải, uống đủ nước. Cùng với đó, người bệnh cần tập thể dục, tập thở, tập vận động, luyện tập khí công. Các bài tập này thực hiện ở nhà là tốt nhất.
Thứ 4, những trường hợp có nguy cơ (béo phì, tuổi cao, tăng huyết áp,…), kể cả không có triệu chứng khi mắc bệnh phải dùng thuốc kháng virus sớm, ngay từ đầu.
Nếu thực hiện được các giải pháp trên thì 95% bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ điều trị tốt, 5% bệnh nhân còn lại sẽ được các bệnh viện tiếp nhận. Khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện phải đáp ứng yêu cầu chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, tránh quá tải. Tỉ lệ tử vong chủ yếu nằm trong nhóm 5% bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng.
Như vậy, muốn giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19, người bệnh phải được tiếp cận y tế sớm, được tư vấn, cấp thuốc kịp thời. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu “3 không”. Để thực hiện mục tiêu này thì y tế ở tuyến xã, phường phải có năng lực kiềm chế số ca mắc mới (người dân tích cực khai báo y tế), quản lý, điều trị kịp thời F0 tại nhà, trạm y tế lưu động và bệnh viện; rà soát tình hình tiêm vaccine.
Bác sĩ kiểm tra khu vực điều trị bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý) |
Cũng chia sẻ về biện pháp giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19, ông Thường cho hay: Hiện, Hà Nội đã làm rất quyết liệt việc tiêm vaccine COVID-19, thậm chí còn tới tận nhà để tiêm cho người cao tuổi, tai biến,… không thể trực tiếp đến bệnh viện. Đặc biệt, các đơn vị cần quản lý bệnh nhân trên hệ thống quản lý bệnh nền để phát hiện kịp thời phân tầng người bệnh.
Để ngăn chặn tình trạng F0 chuyển nặng phải nhập viện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khuyến cáo: "Gần đây đã xuất hiện tình trạng F0 cao tuổi ở nhà chuyển nặng, có chỉ định vào tầng 2 thì gia đình lại muốn xin cho người bệnh ở nhà. Nếu để bệnh nhân ở nhà lâu, tình trạng suy hô hấp nặng thì cơ hội sống rất ít. Do đó, với những F0 có nguy cơ là người cao tuổi, khi đã có chỉ định của bác sĩ, gia đình cần tuân thủ để kịp thời cứu sống người bệnh".
BS. Cấp cũng nhấn mạnh: Các bệnh nhân phải được theo dõi sớm, can thiệp các rối loạn ngay từ khi mới xuất hiện để hạn chế tối đa nguy cơ chuyển nặng, tử vong.
Với những nhận định, khuyến cáo trên của các bác sĩ, F0 cũng như gia đình cần đặc biệt quan tâm tới tình hình sức khoẻ của bản thân và gia đình khi theo dõi, điều trị tại nhà. Các F0 rất cần được y tế cơ sở, y tế xã, phường quan tâm, theo dõi để chăm sóc và tư vấn. Nếu y tế cơ sở quá tải, Hà Nội cần đề nghị các bệnh viện trên địa bàn hỗ trợ để người dân được chăm sóc kịp thời.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quản lý, áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Trung ương, thành phố; tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, năng lực quản lý, điều trị bệnh nhân từ cơ sở.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các cơ sở đảm bảo thực hiện tốt việc phân luồng, phân tuyến điều trị, đảm bảo tiêu chí bệnh viện an toàn; đảm bảo ôxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất, cung cấp đầy đủ các túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà.