Đã chuẩn bị các phương án
Trong suốt tuần vừa rồi, số ca COVID-19 tại TP.HCM đều ở mức cao, trên 1.000 ca/1 ngày. Ngày 12/11, số liệu từ Bộ Y tế cho biết, TP.HCM ghi nhận 1.338 ca, tăng 203 so với ngày 11/11.
Tại diễn đàn thông tin cùng người dân TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tình trạng số ca F0 trên địa bàn gia tăng như thời gian vừa qua vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát và kế hoạch dự kiến. Khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn, lãnh đạo TP.HCM và các quận, huyện, phường, xã đã dự báo trước về tình hình này và luôn theo dõi sát, có đánh giá, phân tích để có phương án xử lý kịp thời.
BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, trước tình hình số ca COVID-19 tăng, TP.HCM đã kích hoạt hàng loạt trạm y tế lưu động, tái khởi động mạng lưới thầy thuốc đồng hành, đội đặc nhiệm kiểm dịch.
BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm, TP.HCM vẫn đang giữ lại một số bệnh viện dã chiến để dự phòng tình huống dịch chuyển biến xấu có thể xảy ra. Đồng thời, TP còn có ba Trung tâm hồi sức COVID-19 và ba bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 đã biến đổi thành mô hình bệnh viện dã chiến ba tầng để kịp thời ứng phó với diễn biến dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu. Ảnh: Huyền Mai |
Theo BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, hiện tại ở toàn bộ các quận, huyện của TP.HCM cũng đã thành lập thêm các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận những F0 không thể cách ly tại nhà. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất có tập trung đông công nhân đều hình thành các khu cách ly cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Ngày 12/11/2021, Sở Y tế TP. HCM và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM quyết định kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho người bệnh COVID-19 (F0) đang có xu hướng tăng lại trong thời gian gần đây trên địa bàn TP. Khi cần tư vấn và hỗ trợ của “Thầy thuốc đồng hành”, người F0 hoặc người thân hãy gọi tổng đài “1022”, bấm phím “4”.
Có thể phải siết chặt hoạt động
“TP.HCM đã chuẩn bị tất cả các kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất khi dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên khi số ca bệnh tăng, khả năng thu dung điều trị của hệ thống điều trị đạt ngưỡng, có thể TP.HCM quay lại những biện pháp giãn cách như trước đây” – BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.
Với hiện tượng thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM ghi nhận một số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, dẫn tới tử vong dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đa số là người trên 65 tuổi, có bệnh nền và do lớn tuổi nên có thể cơ địa đáp ứng vaccine thấp, dẫn đến tử vong.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người già yếu đi lại khó khăn ở TP.HCM. Ảnh: HCDC |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định, nếu dịch Covid-19 giảm xuống, các khu vực màu xanh mở rộng hơn thì hoạt động trên địa bàn TP.HCM được mở nhiều hơn, còn nếu vàng lên, hoặc chuyển thành màu cam, màu đỏ thì hoạt động phải giảm đi, siết chặt hoạt động.
Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý: “Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăn cao nếu chúng ta lơ là, chủ quan. Để TP.HCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin, nhất là biện pháp 5K”.
Được biết, ngày 12/11, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế báo cáo số lượng tiếp nhận và đề xuất nhu cầu vaccine năm 2022. Theo báo cáo, từ nay đến cuối năm 2021, TP.HCM cần hơn 1 triệu liều vaccine tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm vét mũi 1, trong đó hơn 696.000 liều AstraZeneca, hơn 60.000 liều Pfizer và hơn 264.000 liều Vero Cell; hơn 2,9 triệu liều vaccine cho trẻ em (hơn 1,2 triệu mũi 1 và hơn 1,7 triệu mũi 2).
Năm 2022, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn (6 tháng/mũi) với số lượng cụ thể hơn 18 triệu liều (hơn 14,4 triệu liều với người trên 18 tuổi, nhóm từ 12-17 tuổi là hơn 1,5 triệu liều, nhóm từ 3-11 tuổi là hơn 2,1 triệu liều (nhóm tuổi này chưa được Bộ Y tế cấp phép tiêm chủng).