Di chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống
Theo báo cáo mới nhất của GS.BS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - bệnh COVID-19 để lại 203 di chứng, trong đó có đến 80% người gặp di chứng mệt mỏi, 61% có xơ phổi, 52% gặp vấn đề về trí nhớ, 45% mất ngủ, 33% tổn thương thận cấp...
Bên cạnh những triệu chứng nói trên, COVID-19 còn gây ra tình trạng rụng tóc, ho kéo dài, thay đổi giọng nói, đau cơ, mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác, vị giác, hội chứng viêm đa hệ thống... và những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
Cũng theo GS.BS Kính, các trường hợp gặp di chứng hậu COVID-19 thường xuất hiện sau khoảng 3 tháng, kể từ ngày khởi phát triệu chứng và tồn tại ít nhất 2 tháng, nhưng đến nay không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác. Đặc biệt, các triệu chứng như: mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác sẽ nặng hơn sau khi có các hoạt động thể lực.
Cùng quan điểm với GS.BS Nguyễn Văn Kính, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - cho rằng, mặc dù tỉ lệ người mắc COVID-19 do biến thể Omicron có giảm mức độ nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhưng số lượng người mắc cao và nhiều người gặp tình trạng sức khỏe chậm phục hồi, có nhiều biểu hiện khác thường làm cho người bệnh gặp khó khăn để trở lại cuộc sống bình thường.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Cảnh, sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, có tới 25% số bệnh nhân giảm hoạt động thể lực. Đặc biệt, có đến 60% bệnh nhân sau mắc COVID-19 có triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương. Các tổn thương hay gặp nhất là sương mù não (giảm trí nhớ), xơ hóa phổi, viêm phổi, dày các vách liên tiểu thuỳ… tuy nhiên những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường.
BS CKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - MT) |
Các biểu hiện chủ yếu do hậu COVID-19 được PGS.TS Cảnh chỉ ra gồm: tình trạng mất mùi vị kéo dài, ho, khó thở, đau ngực, bệnh phổi kẽ, tình trạng ban đỏ mề đay, trầm cảm, lo âu, hồi hộp, giảm trí nhớ, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Người bệnh thường tìm đến các phương pháp của y học cổ truyền và y học hiện đại cũng như phối hợp cả 2 phương pháp.
Không chỉ ở Việt Nam, những di chứng hậu COVID-19 còn được ghi nhận ở châu Âu và các nước trên thế giới. Theo GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Cochin (Pháp), thành viên nhóm phản ứng nhanh Hội chứng COVID mãn tính của Hội Hô hấp châu Âu thì các chuyên gia nghiên cứu về triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài đã tìm ra hơn 50 triệu chứng do mắc COVID kéo dài. Trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là mệt mỏi (58%), nhức đầu (44%), đau khớp (19%), thiếu máu,... Ngoài các triệu chứng nói trên, các bệnh như đột quỵ và đái tháo đường cũng xuất hiện trên người mắc COVID-19.
Không những vậy, một nghiên cứu khác của các chuyện gia Hội Hô hấp châu Âu đối với 380.000 người về Hội chứng COVID-19 kéo dài tại Anh cũng chỉ ra những triệu chứng như mệt mỏi chiếm hơn một nửa số người tham gia khảo sát (51%), tiếp đến là khó thở (35%), mất khứu giác (34%), mất vị giác và khó tập trung đều chiếm 1/4 số người được khảo sát (25%).
Chưa thể lý giải và xác định cụ thể phác đồ điều trị chung
Mặc dù ghi nhận hàng loạt di chứng hậu COVID-19, nhưng theo hầu hết các chuyên gia, những triệu chứng hậu COVID-19 xuất hiện cả bệnh nhân nhập viện lẫn điều trị tại nhà, các triệu chứng không phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh COVID-19 ban đầu và khoảng thời gian của các triệu chứng trong giai đoạn cấp tính.
Hơn nữa, các di chứng hậu COVID-19 là bệnh lý mới nổi và chưa được hiểu biết đầy đủ nên khó có thể để xác định chính xác con số cũng như cách giải quyết triệt để.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - đến nay không có bệnh hậu COVID-19 mà là tập hợp các rối loạn hậu COVID do nhiều cơ chế, tổn thương phối hợp. Chính vì vậy, việc điều trị phải cá thể hóa theo từng cơ chế bệnh sinh ở mỗi trường hợp, mà không có phác đồ chung cho tất cả bệnh nhân.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các phác đồ điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân, rất cần sự tham gia của Hội Đông y Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về lý luận bệnh học hậu COVID, cũng như đề xuất hướng điều trị của đông y theo từng thể bệnh và cơ chế bệnh để đưa người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Trần Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội – cho biết, thời gian qua, Bệnh viện đã kết hợp các bài thuốc đông y với y học hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội tiếp nhận khoảng 100 trường hợp đến khám, điều trị hậu COVID-19. Các biện pháp y học cổ truyền được áp dụng ở giai đoạn bệnh mới khởi phát và giai đoạn hậu COVID-19. Riêng đối với bệnh nhân bước sang giai đoạn nặng thì cần phối hợp giữa đông y và y học hiện đại.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội (ảnh NVCC) |
Còn PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng - Trường Đại học Y Hà Nội, đa số những bệnh nhân khi nhiễm SARS-CoV-2 bị mất vị giác và khứu giác đều bị nhẹ và sẽ tự hồi phục sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu được công bố trên thế giới thì tỉ lệ mất mùi vĩnh viễn sau mắc COVID-19 có thể chiếm tới 1-8,7%, nên bệnh nhân cần nên điều trị sớm để tránh bị mất mùi lâu.
“Để điều trị bệnh mất mùi, các biện pháp cần làm là điều trị tốt biểu hiện ngạt mũi của người nhiễm SARS-COV-2, châm cứu hoặc điện xung các huyệt kết hợp với các thuốc điều trị mất vị giác và khứu giác ở người nhiễm SARS-CoV-2. Đặc biệt, những trường hợp bị kéo dài người bệnh nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được tư vấn điều trị đúng, tuyệt đối không tự ý điều trị, tự ý dùng thuốc vì có thể gặp nhiều bất lợi cho sức khỏe của chính mình” - PGS.TS Phạm Thị Bích Đào chia sẻ.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu