Quan tâm, chăm sóc đặc biệt với F0 có bệnh nền
Thông tin về các trường hợp F0 điều trị tại nhà, BS CKII. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: Đa số những người bệnh COVID-19 nhẹ và không triệu chứng có thể điều trị, cách ly tại nhà. Tuy nhiên, những người có một số bệnh nền có thể có nguy cơ diễn biến nặng hơn khi mắc COVID-19 thì nên được điều trị tại cơ sở y tế. Ví dụ như người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, suy gan, suy thận, tiểu đường, béo phì, mắc các bệnh ác tính,…
BS. Cấp khuyến cáo: Những người tuổi cao, không thể tự theo dõi, chăm sóc bản thân và không có người hỗ trợ chăm sóc tại nhà cần được điều trị tại cơ sở điều trị tập trung, để đảm bảo sự chăm sóc, theo dõi trong quá trình họ bị bệnh.
Trong trường hợp chưa thể bố trí được nơi điều trị tập trung kịp thời, người bệnh nên bình tĩnh, giữ kết nối chặt chẽ với y tế cơ sở hoặc các đơn vị hỗ trợ bệnh nhân từ xa như mạng lưới thầy thuốc đồng hành để được tư vấn, theo dõi giám sát từ xa thường xuyên và phân loại nguy cơ, hỗ trợ đưa đi bệnh viện kịp thời nếu họ không may có diễn biến nặng.
BS CKII. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Đặng Thanh) |
Đồng quan điểm với BS. Cấp, ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – cho hay: F0 có bệnh nền vừa phải điều trị bệnh sẵn có và vừa điều trị COVID-19. Nếu bệnh nhân bị tiểu đường thì vẫn phải điều trị tiểu đường, tăng huyết áp thì điều trị tăng huyết áp như bình thường trên nền COVID-19. Nếu F0 có bệnh nền mắc bệnh nặng thì cũng phải duy trì điều trị song song giữa COVID-19 và bệnh sẵn có.
“Bệnh nền đáng sợ nhất đối với bệnh nhân COVID-19 là bệnh béo phì. Người bệnh béo phì có BMI (Body Mass Index - chỉ số khối cơ thể) trên 30 khi mắc COVID-19 dễ chuyển nặng. Cùng với đó, phụ nữ đang mang thai khi nhiễm SARS-CoV-2 cũng vô cùng nguy hiểm” – ông Thường nói.
Ngoài ra, các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, có tiền sử đặt stent động mạch vành, nhồi máu cơ tim,… nhiễm SARS-CoV-2 rất dễ rơi vào tình trạng nặng, vì COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch.
Quản lý bệnh nền bằng phần mềm
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều F0 có bệnh nền, điều trị tại nhà, Sở Y tế Hà Nội đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) chủ trì, đầu mối triển khai, kiểm tra giám sát, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn thành phố theo quy định; tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quản lý, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm sử dụng phần mềm báo cáo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Phần mềm báo cáo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường (Ảnh - Minh Thuý) |
Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn theo chỉ đạo của trung ương và thành phố; là đầu mối triển khai, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn; triển khai thực hiện quản lý, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm sử dụng phần mềm báo cáo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường; cử cán bộ làm đầu mối triển khai phần mềm báo cáo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tới tuyến xã, phường,...
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm theo chỉ đạo của trung ương và thành phố; cử cán bộ làm đầu mối triển khai phần mềm báo cáo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường theo quy định và hướng dẫn của CDC Hà Nội.
Dưới đây là video hướng dẫn sử dụng phần mềm báo cáo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):