Người nhiễm HIV mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn 30 lần so với người không nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo TS.BS. Đỗ Thị Nhàn, người nhiễm HIV mắc COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng, tử vong cao hơn khoảng 30 lần so với người bình thường. 
TS.BS. Đỗ Thị Nhàn - Trưởng Phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS (Ảnh - Minh Thuý)
TS.BS. Đỗ Thị Nhàn - Trưởng Phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS (Ảnh - Minh Thuý)

Thông tin trên được đưa ra trong buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (10/11-10/12) khởi động chiến dịch: “Yêu mới khó. Phòng chống HIV có ngại gì” diễn ra vào sáng nay, ngày 17/11.

Điều trị cho người nhiễm HIV khi phải phong toả vì COVID-19

Tại buổi gặp mặt, TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục Trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – cho biết: "Theo dự báo của các chuyên gia y tế, đại dịch COVID-19 còn kéo dài và HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Mỗi năm nước ta phát hiện hơn 30.000 người nhiễm HIV và có tới 15.000 người tử vong do AIDS. Phần lớn số người nhiễm HIV là ở lứa tuổi trẻ, tuổi lao động trụ cột của gia đình".

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để điều trị hiệu quả cho người nhiễm HIV, các cơ sở y tế đã thành lập đội đội đặc nhiệm để xử lý các tình huống. Cụ thể, người nhiễm HIV được cấp thuốc ARV trong 3 tháng thay vì hàng ngày phải đi lấy thuốc uống như trước. Tại TP. HCM, khi cả thành phố phải phong toả vì COVID-19, các cơ sở y tế đã kê đơn thuốc 7 ngày cho người nhiễm HIV tự điều trị tại nhà.

TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục Trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh - Minh Thuý)

TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục Trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh - Minh Thuý)

Từ thực tế trên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng hướng dẫn, kịch bản cho trường hợp người nhiễm HIV phải cách ly tại nhà và tình huống cơ sở điều trị cho bệnh nhân phải cách ly, phong toả vì COVID-19. Để đảm bảo người nhiễm HIV không bị dứt thuốc, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch dự phòng cấp, phát thuốc cho người bệnh.

Theo ông Cảnh, Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 đang đi đúng hướng. Trong 30 năm ứng phó với HIV/AIDS, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để phòng và điều trị bệnh.

“Để chấm dứt đại dịch, chúng ta xác định mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bằng cách nâng cao nhận thức cho họ để họ tự đi xét nghiệm. Với những người nhiễm HIV thì cần điều trị sớm, có thể điều trị ngay tại xã, phường. Từ đó, củng cố hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, thay đổi hình thức truyền thông về dự phòng, điều trị - thực hiện giải pháp can thiệp, thay đổi hành vi, cung cấp bơm kim tiêm, điều trị methadol,… hướng tới mục tiêu người nhiễm HIV cơ bản được điều trị thuốc ARV và người có nguy cơ cao được điều trị dự phòng Prep” – ông Cảnh nói.

Người nhiễm HIV nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn 30% so với người không mắc HIV

Thông tin về nguy cơ mà người nhiễm HIV phải đối mặt khi mắc COVID-19, TS.BS. Đỗ Thị Nhàn (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) cho biết: “Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn 30% so với người bình thường, đặc biệt là phải vào viện cao hơn so với người không nhiễm HIV”.

Theo thống kê, người nhiễm HIV mắc COVID-19 điều trị nội trú trong bệnh viện có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao hơn khoảng 30 lần so với những người nhập viện nhưng không nhiễm HIV.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân HIV (Ảnh - Cục HIV/AIDS)

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân HIV (Ảnh - Cục HIV/AIDS)

Chính vì thế, Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho người nhiễm HIV. Theo quyết định của Bộ Y tế, người nhiễm HIV là 1 trong những đối tượng ưu tiên cần được tiêm vaccine COVID-19. Hiện nay, Cục phòng, chống HIV/AIDS đang xây dựng các cách tiếp cận để tăng cường việc tiêm vaccine COVID-19 cho người nhiễm HIV.

Về tỉ lệ tử vong của người nhiễm HIV mắc COVID-19 thì đến nay chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, 1 số cơ sở y tế đã ghi nhận trường hợp người nhiễm HIV tử vong sau khi mắc COVID-19.

Báo động nguy cơ nhiễm HIV ở nhóm đồng giới nam

Chia sẻ về tình hình lây nhiễm HIV ở nhóm đồng giới nam, ThS.BS. Võ Hải Sơn - Trưởng phòng Giám sát xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS - cho biết: “Đối tượng chính làm lây truyền HIV hiện nay là nhóm người đồng giới nam. Khi quan hệ tình dục, nhóm đồng giới nam có nguy cơ lây truyền HIV cao. Số người nhiễm HIV có xu hướng gia tăng và số người trong nhóm đồng giới nam cũng tăng trong 2-3 năm gần đây”.

BS. Sơn cho hay: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do kiến thức, kĩ năng của người đồng giới còn hạn chế. Thực tế, cán bộ y tế đã phát hiện trường hợp học sinh trung học phổ thông nhiễm HIV người còn đang học trung học.

ThS.BS. Võ Hải Sơn - Trưởng phòng Giám sát xét nghiệm Cục Phòng chống HIV/AIDS (Ảnh - Minh Thuý)

ThS.BS. Võ Hải Sơn - Trưởng phòng Giám sát xét nghiệm Cục Phòng chống HIV/AIDS (Ảnh - Minh Thuý)

Ngoài ra, 1 vấn đề đáng quan ngại hiện nay là tình trạng sử dụng ma tuý rồi quan hệ tình dục tập thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV, thậm chí, 1 số người không biết mình nhiễm HIV nên khi quan hệ tình dục không ý thức tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cho người khác.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để điều trị hiệu quả cho người nhiễm HIV, BS. Sơn khuyến cáo: Các cơ sở y tế cần có hướng dẫn khám điều trị ARV trong tình hình dịch COVID-19; hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở cấp phát thuốc methadone; thay đổi mô hình cung ứng dịch vụ xét nghiệm HIV từ trực tiếp sang online; hướng dẫn cấp phát thuốc nhiều ngày; thành lập nhóm hỗ trợ tránh gián đoạn cấp phát thuốc ARV (nhóm 500 người); giám sát và hỗ trợ kĩ thuật online; làm việc tại nhà, hỗ trợ từ xa hoặc cử cán bộ trực tiếp tham gia hỗ trợ các tỉnh công tác phòng, chống HIV/AIDS.