Tại cuộc họp của Bộ Công Thương diễn ra vào sáng ngày 3/9, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều cho biết chênh lệch tỷ giá đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn này.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc của TKV cho biết - hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn đã bước đi đầu đi vào ổn định sau trận lũ. Về cơ bản TKV đã khắc phục xong và đưa vào khai thác các mỏ, ngoại trừ mỏ than Mông Dương. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu của TKV ước đạt 71.500 tỷ đồng, đạt 62,7% kế hoạch năm.
Lỗ hàng nghìn tỷ
Tuy nhiên, do chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Đặc biệt liên quan đến sản xuất điện, chênh lệch tỷ giá đã khiến cho TKV bị lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, tính đến thời điểm hiện nay theo thông báo của ông Tuấn.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì không chỉ áp lực tỷ giá, mà giá dầu giảm còn làm cho doanh thu của Tập đoàn này giảm mạnh. Theo ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc PVN, hiện tập đoàn phải vay lượng lớn ngoại tệ để thực hiện các dự án lớn, nên việc điều chỉnh tỷ giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Trong khi đó, tình hình giá dầu thế giới giảm mạnh cũng đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Tập đoàn. Theo ông Quỳnh, giá dầu suy giảm xuống chỉ ở mức 58 USD/thùng, khiến doanh thu của toàn tập đoàn trong 8 tháng đầu năm đạt 383.000 tỷ đồng, chỉ đạt 53% so với kế hoạch đề ra.
Ảnh hưởng cân đối tài chính
“Trong 8 tháng đầu năm Tập đoàn Dầu khí đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhưng chỉ riêng chỉ tiêu về tài chính không đạt được”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất do tỷ giá là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khi đơn vị này đang thực hiện nhiều dự án điện quan trọng. Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, chênh lệch tỷ giá đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất điện của tập đoàn.
So sánh từ TKV, ông Hải cho biết nếu như Tập đoàn Than – Khoáng sản chỉ chiếm khoảng từ 10 – 15% trong hệ thống cấp điện. Do đó, với các đơn vị sản xuất điện của EVN cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá rất nhiều, tác động đến tình hình tài chính của EVN.
Không tiết lộ cụ thể nhưng đại diện của EVN cho biết mức lỗ mà Tập đoàn này đang phải gánh chịu từ chênh lệch tỷ giá cho các dự án điện có thể gấp hơn chục lần con số “thiệt hại” của TKV.
Được biết, EVN đang tính toán và thống kê con số cụ thể, báo cáo lên Bộ CÔng Thương để có phương hướng giải quyết. Tuy nhiên, theo đại diện của TKV thì cần có phương án hỗ trợ cho DN như miễn giảm, giãn thuế và các chính sách khác để khác phụ khó khăn.
Theo Trí thức trẻ