Hàng loạt vũ khí hạng nặng phương Tây viện trợ dồn dập chuyển tới Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mấy ngày gần đây, ngoài hệ thống tên lửa đa năng HIMARS của Mỹ, nhiều loại vũ khí trang bị hạng nặng mà phương Tây cam kết viện trợ cho Ukraine chống Nga đã được chuyển tới.
Xe bọc thép phòng không Stormer của Anh viện trợ Ukraine đã được chuyển tới Kiev (Ảnh: BAE).
Xe bọc thép phòng không Stormer của Anh viện trợ Ukraine đã được chuyển tới Kiev (Ảnh: BAE).

Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 của Ba Lan

Trước đây có thông tin nói rằng Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha đã đồng ý chuyển giao 10 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A4 do Đức sản xuất cho Ukraine. Tuy nhiên, ngày 25/7, Ukraine xác nhận các xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 Twardy do Ba Lan viện trợ đã đến tay Ukraine và bắt đầu nhiệm vụ chiến đấu!

Xe tăng chiến đấu chủ lực (Main Battle Tank, MBT) có thể hiểu là xe tăng chiến đấu mang công nghệ đặc trưng của xe tăng hiện đại, đảm nhận các nhiệm vụ tác chiến chủ yếu trong trận đánh. Xe tăng chiến đấu chủ lực là trang bị cơ bản của lực lượng thiết giáp hiện đại và là vũ khí tấn công chủ lực trong tác chiến mặt đất, đồng thời là một trong những vũ khí chống tăng quan trọng nhất và là vũ khí có khả năng sống sót mạnh nhất trong điều kiện chiến tranh hạt nhân.

Ông Krzysztof Platek, người phát ngôn Cục Trang bị vũ khí của Bộ Quốc phòng Ba Lan, đã nói về việc chuyển giao một lô xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 từ Ba Lan sang Ukraine, nói rằng Ba Lan sẽ lấp đầy khoảng trống bằng cách mua xe tăng mới của Hàn Quốc.

Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 Twardy do Ba Lan viện trợ cho Ukraine (Ảnh: BQP Ba Lan).

Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 Twardy do Ba Lan viện trợ cho Ukraine (Ảnh: BQP Ba Lan).

Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc ngày 23/7 đưa tin Ba Lan có kế hoạch mua 180 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther từ quân đội Hàn Quốc.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, xác nhận trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình rằng các xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 của Ba Lan đã có mặt ở Ukraine. Tuy nhiên, ông không tiết lộ số lượng xe tăng nhận được.

PT-91 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực do Ba Lan phát triển và sử dụng công nghệ phương Tây cải tiến trên cơ sở xe tăng chiến đấu chủ lực T-72MI, được đưa vào trang bị từ năm 1995.

PT-91 được trang bị giáp phản ứng nổ bổ sung ERAWA-1 do Ba Lan phát triển, giúp tăng cường khả năng phòng thủ của xe tăng trước các loại đạn phá giáp và xuyên giáp. Xe tăng cũng được trang bị 4 máy thu cảnh báo laser. Ngoài ra, bề mặt bên ngoài của xe tăng có một lớp phủ hấp thụ được áp dụng bằng sơn hấp thụ 1K2KS, có thể làm giảm hiệu quả xác suất xe tăng bị radar phát hiện. PT-91 cũng được trang bị hệ thống chữa cháy và dập lửa tự động kiểu mới.

So với kiểu viện trợ được cho là “sấm to mưa nhỏ” của Đức cho Ukraine, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn vũ khí hạng nặng, trong đó có ít nhất 250 xe tăng gồm T-72 và PT-91, đồng thời bàn giao 18 pháo tự hành 155mm Krab do Ba Lan tự phát triển cùng tên lửa phòng không vác vai Piorun và máy bay không người lái tấn công cảm tử Warmate để quân đội Ukraine sử dụng.

Xe bọc thép phòng không Stormer mang tên lửa Starstreak

Ngày 25/7, Quân đội Ukraine xác nhận lô 5 trong số 6 xe bọc thép phòng không Stormer đầu tiên mà Vương quốc Anh dự định viện trợ cho Ukraine cộng với hàng trăm tên lửa Starstreak được trang bị kèm theo xe đã đến Ukraine, giúp nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu của Ukraine. Sự kết hợp của hai loại vũ khí trang bị này được cho là thiết bị tốt nhất mà các đồng minh phương Tây cung cấp cho Ukraine cho đến nay ngoại trừ hệ thống tên lửa nhiều nòng M142 HIMARS!

Tên lửa Starstreak được trang bị kèm theo xe bọc thép phòng không Stormer (Ảnh: BAE).

Tên lửa Starstreak được trang bị kèm theo xe bọc thép phòng không Stormer (Ảnh: BAE).

Bộ Chỉ huy tác chiến phía Nam của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thông báo tin này trên Facebook, đồng thời chỉ ra rằng ưu điểm chính của hệ thống tên lửa phòng không Stormer là nó không cho phép máy bay đối phương xâm nhập trong bán kính 18 km có thể thoát. Nó cũng được sử dụng như một hệ thống phòng không dẫn đường bằng laser bán tự động.

Xe bọc thép phòng không Stormer có hình dáng trông giống như một xe tăng, nặng 13,5 tấn, được Tập đoàn BAE Systems Land & Armaments, một công ty con của công ty BAE Systems của Anh sản xuất. Nó được cải tiến từ xe bọc thép chở quân, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 80 km/h.

Stormer chỉ cần kíp 3 người (lái xe, chỉ huy và pháo thủ) vận hành và có thể bắn 17 tên lửa phòng không Starstreak. Sau khi tên lửa Starstreak được phóng đi, nó sẽ phân rã thành 3 đầu đạn nên có thể bắn trúng mục tiêu nhiều lần. Tốc độ bay của tên lửa nhanh gấp ba lần tốc độ âm thanh, rất lý tưởng để bắn hạ máy bay bay thấp và trực thăng tấn công của đối phương.

Tên lửa Starstreak lần đầu tiên được sử dụng trong Chiến tranh Iraq vào năm 2003, kể từ đó nó được đưa vào biên chế trong Quân đội Anh và các quân đội khác.

Tên lửa chống bức xạ bí mật của Mỹ

Theo truyền thông Ukraine, vào tuần trước, quân đội Ukraine đã phá hủy hệ thống radar "48Ya6-K1" tối tân được mệnh danh là tiên tiến nhất của quân đội Nga tại khu vực Kherson. Loại vũ khí được sử dụng để tấn công vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, thật trùng hợp, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov gần đây đã tiết lộ rằng Ukraine sẽ nhận được một loại tên lửa chống bức xạ chưa đi vào hoạt động, nó không nằm trong danh sách viện trợ quân sự mới của Mỹ trị giá 270 triệu USD, tên lửa chống bức xạ được thiết kế để chuyên đối phó với radar của đối phương.

Hệ thống radar 48Ya6-K1 tối tân của Nga ở Kherson (phải) bị phá hủy bởi loại vũ khí bí mật (trái) (Ảnh: LTN).

Hệ thống radar 48Ya6-K1 tối tân của Nga ở Kherson (phải) bị phá hủy bởi loại vũ khí bí mật (trái) (Ảnh: LTN).

Ông Serhiy Zguets, một nhà phân tích quân sự nổi tiếng của Ukraine, cho biết trên chương trình Espreso TV của nước này rằng bí ẩn này có thể được cất giấu trong các tên lửa do hệ thống HIMARS bắn ra.

Theo các thông tin công khai, tên lửa dùng cho HIMARS do Mỹ cung cấp là loại M31 "Guided Multiple Rockets" (GMLRS) với tầm bắn khoảng 70 km.

Ông Zgurets chỉ ra rằng kể từ năm 2018, quân đội Mỹ đã bắt đầu phát triển một loại đầu đạn có điều khiển đặc biệt để tiêu diệt các radar phòng không và radar phản pháo của đối phương, chúng được sử dụng để gắn trên các tên lửa do HIMARS phóng. Dự án này bắt đầu được cấp vốn năm 2019 và thời gian hoàn thành là năm 2023.

Tên lửa chống bức xạ (Anti-Radiation Missile, ARM) là một loại tên lửa đặc biệt nhắm vào nguồn tín hiệu vô tuyến. Đầu điều khiển của nó sẽ tìm kiếm một hoặc nhiều nguồn tín hiệu được chỉ định. Sau khi xác định hướng của tín hiệu, tên lửa sẽ bám theo tín hiệu radio để bay tiêu diệt mục tiêu. Các tên lửa được HIMARS phóng được gắn đầu đạn nói trên, thực tế đã biến thành tên lửa chống bức xạ.

Zgurets cho rằng Mỹ có thể đã chuyển tên lửa này cho Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi sẽ là khách hàng sử dụng đầu tiên và thử nghiệm thứ tốt nhất trên thế giới, chuyển giao một loại vũ khí bí mật chưa được phục vụ trong quân đội Mỹ, là minh chứng cho sự tin tưởng thực sự của Mỹ đối với Ukraine”.

Xe chiến đấu phòng không Gepard của Đức

Ngày 25/7, Quân đội Ukraine xác nhận 3 chiếc đầu tiên trong số 15 chiếc xe chiến đấu phòng không Gepard mà Đức cam kết viện trợ đã đến Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã thông báo tin này trong cuộc họp báo, đồng thời cho biết ngoài 3 xe chiến đấu phòng không Gepard, quân đội Ukraine còn nhận được hàng chục nghìn viên đạn.

Xe bọc thép phòng không Gepard Đức cung cấp cho Ukraine (Ảnh: BQP Đức).

Xe bọc thép phòng không Gepard Đức cung cấp cho Ukraine (Ảnh: BQP Đức).

Danh sách viện trợ quân sự được Đức đưa vào ngày 21/6 bao gồm các hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng MARS (phiên bản M270 của Đức), 7 pháo tự hành PzH-2000, 30 xe chiến đấu phòng không Gepard, xe bọc thép chở quân M113 cùng Hệ thống Phòng không Tiên tiến IRIS -T SLM. Trước 3 xe chiến đấu phòng không Gepard này, loại vũ khí hạng nặng Đức đã thực sự giao cho Ukraine chỉ là 7 khẩu pháo tự hành PzH-2000.

Theo báo Pháp Le Monde, bất chấp lời hứa tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, Thủ tướng Đức Schotz trên thực tế đã cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine. Sau khi công bố hôm 21/6, bản danh sách các vũ khí viện trợ cho Ukraine đã bị sửa 3 nội dung, trong đó Hệ thống phòng không IRIS-T SLM bị nghi ngờ là đã bị Hội đồng An ninh Liên bang Đức phong tỏa. Ba tuần sau khi đơn đề nghị cung cấp của Ukraine được đệ trình, cho đến nay phía Đức vẫn chưa có phản hồi.