Hai "vũ khí không tiếng súng" giúp Ukraine đối phó đà tiến của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trước thế áp đảo của quân đội Nga, Ukraine sử dụng công nghệ để tìm cách làm chậm đà tiến của đối thủ, trong đó có "vũ khí" đặc biệt từ tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk.
Một thiết bị đầu cuối của Starlink ở Odessa, Ukraine hồi tháng 3 (Ảnh: Getty).
Một thiết bị đầu cuối của Starlink ở Odessa, Ukraine hồi tháng 3 (Ảnh: Getty).

Theo Asia Times, một trong hai "vũ khí" công nghệ của Ukraine xuất xứ từ nước ngoài, từ tỉ phú Elon Musk. Trong khi đó, "vũ khí" còn lại là "cây nhà lá vườn" do một nhóm tình nguyện viên của Kiev tự sản xuất.

Một trong những "vũ khí" quan trọng nhất của Ukraine chính là hệ thống Starlink của tỉ phú Musk. Hệ thống này kết nối hàng nghìn vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp của trái đất mang lại khả năng phát mạng internet. Ông Musk đã cấp cho Ukraine 15.000 thiết bị.

Các vệ tinh này rất quan trọng trong việc kết nối máy bay không người lái của Ukraine với các lực lượng pháo binh và tên lửa và được sử dụng để duy trì các dịch vụ thiết yếu. Thiết bị thu tín hiệu Starlink cũng được cung cấp cho các bệnh viện và trường học ở Ukraine.

Trong tác chiến hiện đại, khi chiến trường thay đổi từng giờ, từng phút, việc đảm bảo thông tin được truyền tải xuyên suốt, không đứt gãy là rất thiết yếu.

Asia Times cho biết, Nga sở hữu khả năng làm nhiễu tín hiệu vệ tinh, tuy nhiên, cho tới nay họ chưa thể can thiệp vào tín hiệu của Starlink.

Ngoài ra, Starlink có khả năng truyền thông tin tốc độ cao, gửi hình ảnh, video chất lượng cao, vượt trội so với các hệ thống internet vệ tinh đời cũ hơn.

Starlink cũng có thể nhanh chóng thay thế các vệ tinh nếu chúng bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa. Một vệ tinh thông thường mất 7,5 năm để được sản xuất và sẵn sàng phóng. Starlink hiện đang sản xuất 45 vệ tinh mỗi tuần - tốc độ cao vượt trội.

Việc tìm kiếm một phương tiện vũ trụ để phóng vệ tinh Internet là một trở ngại khác. Tuy nhiên, vì ông Musk cũng kiểm soát công ty vũ trụ SpaceX, nên việc phóng vệ tinh lên không gian cũng trở nên dễ dàng hơn với Starlink.

Tướng Steve Butow, quan chức tại cơ quan đổi mới quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định rằng việc Ukraine tiếp cận được Starlink đã làm ảnh hưởng tới "chiến lược thông tin" của Nga.

Trước đó, Ukraine đã đề nghị được cấp Starlink để đối phó với các động thái mà họ cáo buộc là "tác chiến không gian mạng" của Nga.

Cùng với Starlink, Ukraine tự phát triển một phần mềm mang tên GIS Arta. Đây là ứng dụng thu thập thông tin trinh thám từ máy bay không người lái, tin tức tình báo từ phương Tây và nguồn tin chiến trường. Từ các thông tin thô, phần mềm sẽ xử lý để cho ra tọa độ chính xác của mục tiêu của Nga nhằm phục vụ cho pháo binh Ukraine phóng hỏa lực.

GIS Arta do một nhóm kỹ sư phần mềm Ukraine tình nguyện phát triển. Phần mềm này giúp quân nhân Ukraine đẩy nhanh tốc độ phát hiện, khóa mục tiêu và tấn công lên rõ rệt.

Hệ thống pháo mà Ukraine sử dụng đa phần là từ thời Liên Xô và bộ phận khai hỏa của chúng đã chậm và lỗi thời. Trên chiến trường, chậm chân hơn đối phương khi triển khai pháo đồng nghĩa với nguy cơ bị phản công rất cao. GIS Arta mang lại khả năng ngắm bắn chính xác và nhanh chóng hơn tạo nên ưu thế không nhỏ cho Ukraine.

Theo giới quan sát, sự xuất hiện của Starlink và GIS Arta cho thấy, vai trò ngày càng gia tăng của công nghệ mới trong tác chiến hiện đại và xu thế này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Theo Dantri.com.vn