Bộ Quốc phòng Nga vừa kết thúc diễn tập xây dựng cầu cảng, kho chứa, trạm cung cấp nhiên liệu, khu nghỉ dưỡng cho quân nhân. Những công nghệ mới này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Hải quân Nga, là cơ sở để Bộ Quốc phòng Nga bí mật phát triển cơ sở hạ tầng tiếp nhận tàu chiến tại bất kỳ khu vực bờ biển nào của mình. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tàu chiến mặt nước của Nga có thể neo đậu, bảo toàn khả năng chiến đấu, tránh các cuộc tấn công của đối phương.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, Hạm đội phương Bắc vừa kết thúc thành công cuộc diễn tập thử nghiệm, nhằm kiểm tra hoạt động của hệ thống căn cứ hải quân di động. Cuộc diễn tập là kết quả của 5 năm hoạt động, tiến hành mua sắm các thiết bị chuyên dụng, thành lập các đơn vị đặc biệt.
Trong thời gian diễn tập trên vịnh Kola, thuộc vùng Bắc cực, một khu đảm bảo hậu cần/kỹ thuật cho Hải quân đã được thiết lập. Trung đoàn công binh của Hải quân đã lắp ráp căn cứ hải quân cơ động. Căn cứ này bao gồm: sở chỉ huy lâm thời, điểm bốc dỡ hàng hóa, khu vực khai thác và cung cấp nước sạch, cầu cảng và khu nghỉ dưỡng cho quân nhân. Các trung tâm khí hậu, thủy văn cũng đồng thời được đưa vào hoạt động, cung cấp các thông số chính xác để xác lập bản đồ địa hình. Cuộc diễn tập còn tính đến những diễn biến phức tạp trong chiến dịch quân sự, trên cơ sở đó thực hành việc tổ chức đảm bảo kỹ thuật/hậu cần cho lực lượng tăng cường.
Trao đổi với phóng viên hãng Iz.ru, nhà sử học quân sự Nga Dmitri Boltenkov cho biết: “Khi xảy ra chiến tranh, mục tiêu tấn công đầu tiên của kẻ thù là các căn cứ hải quân, lực lượng hải quân phải nhanh chóng rút khỏi các căn cứ truyền thống, di chuyển vào các vị trí bí mật. Trong khi đó, tàu chiến vẫn cần phải nạp nhiên liệu, vũ khí và lương thực vẫn cần được tiếp tế - và đây chính là nhiệm vụ của các căn cứ hải quân di động, các căn cứ di động này phải được bố trí ở những nơi hẻo lánh, tách biệt, khiến kẻ thù rất khó , thậm chí không thể phát hiện”.
Cách đây 10 năm, Hải quân Nga tiến hành cắt giảm biên chế, nhiều đơn vị, nhiều chuyên ngành vì thế mà chấm dứt hoạt động. Trong những năm gần đây, hoạt động của nhiều đơn vị bị cắt giảm đó đã được khôi phục lại.
Trong Hạm đội phương Bắc, đơn vị bến nổi được tái thiết lập, đơn vị này có thể tiếp nhận tàu chiến có lượng choán nước lên tới 25.000 tấn. Mỗi công trình bến nổi có 4 khối bê tông, có hình dạng giống như xà lan. Bến nổi này được tàu kéo đưa tới, sau đó được kết nối với bờ bằng cầu nổi chuyên dụng, thông qua cầu nổi chuyên dụng này, hệ thống dây cáp truyền thông được thiết lập, hệ thống dây cáp này sẽ cung cấp điện, nước và khí cho các tàu chiến neo đậu vào bến.
Năm 1944, quân đội của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã sử dụng những công trình thủy văn nhân tạo, di động đầu tiên. Trước khi đổ bộ lên Normandy, quân đồng minh đã xây dựng hai bến cảng nhân tạo Mulbery. Ngày 6/6/1944, trong chiến dịch đổ bộ vào nước Pháp, có 2,5 triệu quân nhân đã đổ bộ lên Mulbery, 500 nghìn đơn vị khí tài và 4 triệu tấn hàng hóa khác nhau đã được vận chuyển qua đây.
Xét về cơ cấu tổ chức, Hải quân Liên Xô đã đưa các đơn vị bến cảng nổi vào biên chế của căn cứ hải quân ven bờ và lữ đoàn tàu ngầm. Còn cầu nổi thì thuộc biên chế của những lữ đoàn chế tạo và sửa chữa tàu ngầm và nhóm tàu hỗ trợ.
Ngoài những bến cảng di động, Hạm đội phương bắc còn có những kho nhiên liệu cơ động, có thiết bị tiếp nhiên liệu cho tàu ngay ngoài biển, tàu cần tiếp nhiên liệu có thể cách bờ 500 đến 600 m, hệ thống ống dẫn sẽ được đưa tới, thao tác này mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ.
Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, để đảm bảo di chuyển linh hoạt lực lượng, trên những hướng chiến lược khác nhau, đặc biệt là hiện đại hóa các sân bay quân sự ở Bắc cực.