Giải mã loại vũ khí Đức cung cấp giúp Ukraine giành lại một phần quyền kiểm soát bầu trời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Sputnik , Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock mới đây đã nói với giới truyền thông ở Berlin rằng Đức sẽ chuyển giao cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không hiện đại IRIS-T SL trong vài tuần tới.
Tên lửa của Hệ thống phòng không IRIS-T SLM của Đức có thể được tích hợp trên các loại bệ phóng khác nhau (Ảnh: QQ).
Tên lửa của Hệ thống phòng không IRIS-T SLM của Đức có thể được tích hợp trên các loại bệ phóng khác nhau (Ảnh: QQ).

Theo ông David Helmbold, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức, quân đội Đức hiện vẫn chưa được trang bị thứ vũ khí này. Vậy tại sao Đức lại cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến chính mà quân đội nước này thậm chí còn chưa được trang bị? Nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cục diện trên chiến trường Nga-Ukraine? Liệu nó có thể giúp Ukraine giành lại một phần quyền kiểm soát bầu trời hiện đang nằm trong tay quân Nga?

Tên lửa không đối không biến thành tên lửa đất đối không

Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SL (Surface Launched - Phóng từ mặt đất) được phát triển từ tên lửa không đối không IRIS-T. Tên lửa IRIS-T được tập đoàn công nghiệp 6 nước do Công ty Diehl BGT Defense của Đức đứng đầu hợp tác phát triển nhằm thay thế tên lửa AIM-9 "Sidewinder" của Mỹ.

Tên lửa không đối không IRIS-T gắn trên máy bay tiêm kích (Ảnh: QQ).

Tên lửa không đối không IRIS-T gắn trên máy bay tiêm kích (Ảnh: QQ).

Tên lửa IRIS-T là tên lửa không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại tầm ngắn với khả năng tấn công đa hướng, có thể khóa mục tiêu không chỉ trước khi phóng mà còn cả sau khi phóng. Kích thước và trọng tâm của IRIS-T tương tự như của AIM-9L/M "Sidewinder". Nó sử dụng động cơ đẩy rắn của công ty NAM-MO và có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 25 km. Sự kết hợp của 4 cánh hình chữ thập giúp cải thiện đáng kể khả năng cơ động và hiệu suất chuyển hướng nhanh của IRIS-T. Không giống như AIM-9 "Sidewinder", tên lửa IRIS-T sử dụng hệ thống cảm biến quán tính với con quay hồi chuyển sợi quang, có thể nhanh chóng phát hiện thay đổi về vị trí của tên lửa.

Hiện tại, vũ khí đa năng đang được coi là một xu hướng trong lĩnh vực thiết kế vũ khí trang bị và IRIS-T cũng là một trong những thứ loại này. Năm 2007, theo nhu cầu của các hoạt động phòng không, Công ty Diehl BGT Defense đã ký hợp đồng với Văn phòng Thiết bị, Công nghệ Thông tin và Sử dụng Quân đội Đức (BAAINBW) để phát triển tên lửa IRIS-T SL mới dựa trên IRIS-T không đối không được trang bị cho nền tảng phóng mới để cung cấp cho các lực lượng vũ trang Đức khả năng phòng không chiến thuật. Loại tên lửa mới được phát triển có hai biến thể, IRIS-T SLS (tầm ngắn) và IRIS-T SLM (tầm trung).

Đạn tên lửa được phóng từ mặt đất theo chiều thẳng đứng (Ảnh: QQ).

Đạn tên lửa được phóng từ mặt đất theo chiều thẳng đứng (Ảnh: QQ).

Trong số đó, hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn IRIS-T SLS sử dụng đạn tên lửa không đối không IRIS-T, được phóng thẳng đứng từ phương tiện phóng Unimog 5000 và có thể bao quát 360 °. Khả năng cơ động và khả năng tác chiến trên mọi địa hình của hệ thống phòng không cũng như tính năng "plug-in-combat" (cắm điện là tác chiến), phù hợp với tác chiến phòng không dã chiến và bảo vệ tầm gần các mục tiêu quan trọng như hệ thống radar và sân bay. Trước khi tên lửa được phóng đi, mục tiêu được xác nhận bởi hệ thống dưới mặt đất, sau đó đầu dò hồng ngoại khóa mục tiêu thông qua hệ thống điều hành chiến đấu của đài chỉ huy mặt đất.

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung IRIS-T SLM sử dụng loại tên lửa khác, được trang bị công nghệ Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) / Hệ thống dẫn đường quán tính (INS) để điều hướng tự động, cũng như điều khiển véc tơ lực đẩy tích hợp, Đường kính của động cơ đã được tăng từ 12,5 cm lên 15 cm, ngoài việc bổ sung mui khí động học và liên kết dữ liệu tần số vô tuyến (RF) để cải thiện tầm bắn, tên lửa sử dụng đầu đạn phân mảnh đúc sẵn và có tầm bắn 40 km. Sau khi tên lửa được phóng đi, nó được dẫn đường thông qua GPS và liên kết dữ liệu để cập nhật dữ liệu mục tiêu trong quá trình bay và dẫn đường cho tên lửa đến phạm vi có thể đánh chặn. Sau khi đầu dò hồng ngoại bắt được mục tiêu, vì vậy nó có khả năng kháng nhiễu cả chủ động và thụ động rất mạnh.

Radar của hệ thống phòng không IRIS-T SL (Ảnh: Zhihu).

Radar của hệ thống phòng không IRIS-T SL (Ảnh: Zhihu).

Tên lửa IRIS-T SLM sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng và có thể bao quát mọi hướng. Tên lửa được chứa trong thùng sợi thủy tinh để vận chuyển và phóng, mỗi xe phóng có thể mang theo tối đa 8 tên lửa. Hệ thống phóng có thể khai hỏa trong vòng 10 phút sau khi vào vị trí phóng và triển khai, có khả năng bắn nhanh và có thể đánh nhiều mục tiêu cùng lúc. Trung tâm hoạt động chiến thuật của nó, được trang bị hệ thống chỉ huy, điều khiển và liên lạc BMD-Flex của Thelma Đan Mạch, và hệ thống quản lý chiến đấu Oerlikon Skymaster của Rheinmetall Air Defense, Thụy Sĩ, được kết nối với các hệ thống khác bằng sóng vô tuyến hoặc cáp quang.

Về biện pháp phát hiện, IRIS-T SLM hiện được trang bị radar mảng pha quét 3D đa chức năng quét điện tử chủ động CEA-FAR của Công ty CEA Technology của Australia, bao quát 360 °, cung cấp khả năng giám sát không phận và truyền dữ liệu mục tiêu cùng một lúc. Theo yêu cầu khác nhau của khách hàng, tích hợp các radar tìm kiếm của các công ty khác, chẳng hạn như radar đa chức năng 3D "Giraffe", v.v. Nếu cần, hệ thống này cũng có thể bổ sung hệ thống cảm biến điện quang, tăng khả năng phát hiện, tăng cường khả năng chống nhiễu cho hệ thống.

Ngoài ra, các bộ phận của hệ thống tên lửa IRIS-T SLM có trọng lượng nhẹ và kích thước nhỏ, tất cả các thành phần có thể được tích hợp trên một khung container 20 feet tiêu chuẩn ISO nên dễ vận chuyển, có khả năng cơ động mạnh và linh hoạt.

Ukraine hi vọng Hệ thống phòng không IRIS-T SL sẽ giúp họ giành lại một phần quyền kiểm soát bầu trời (Ảnh: QQ).

Ukraine hi vọng Hệ thống phòng không IRIS-T SL sẽ giúp họ giành lại một phần quyền kiểm soát bầu trời (Ảnh: QQ).

Hiệu quả thực tế vẫn còn phải chờ xem

Lần này, Đức tuyên bố sẽ chuyển giao IRIS-T SLM cho Ukraine trong vài tuần nữa, một mặt là để kiểm tra tính năng của loại tên lửa phòng không mới được họ phát triển bằng thực tế chiến đấu để cải tiến; mặt khác để tăng cường hơn nữa lập trường của Đức ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Đức luôn chủ trương giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao, bày tỏ hoan nghênh "mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột". Sau đó, khi tình hình ở Nga và Ukraine nóng lên, một số đồng minh NATO và các nước châu Âu lần lượt bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng chính phủ Đức trước việc Ukraine liên tục yêu cầu cung cấp vũ khí, vẫn tuân thủ các hướng dẫn nghiêm ngặt đối với xuất khẩu vũ khí và “Thỏa thuận của liên minh cầm quyền” để từ chối. Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2, lập trường chính sách của chính phủ Đức đã được điều chỉnh lớn, đã phá vỡ cách tiếp cận bảo thủ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, một số lượng lớn vũ khí của Đức bắt đầu tràn vào Ukraine. Đại sứ Ukraine tại Đức Melnik tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Ukraine rằng hợp đồng với nhà sản xuất hệ thống phòng không IRIS-T SLM trị giá 178 triệu euro, và các khoản thanh toán liên quan sẽ do chính phủ Đức chi trả, và Ukraine sẽ nhận được 10 hệ thống phòng không IRIS-T SLM.

Dưới góc độ chuyên môn, sau khi quân đội Ukraine được trang bị IRIS-T SLM, sẽ mang đến mối đe dọa nhất định cho lực lượng trên không của Nga. Hiện tại, nhiều máy bay chiến đấu của Nga không được trang bị hệ thống cảnh báo tiếp cận tên lửa, trong khi tên lửa phòng không IRIS-T SLM sử dụng dẫn đường bằng hình ảnh hồng ngoại và không chủ động phát tín hiệu, rất có thể sẽ khiến các máy bay Nga bị tên lửa bắn trúng mà không hề hay biết, có thể giúp Ukraine giành được quyền kiểm soát trên không ở mức độ nhất định.

Tuy nhiên, con đường đưa các hệ thống IRIS-T SLM vào Ukraine không hề suôn sẻ, dù hệ thống phòng không này do Đức phát triển nhưng quân đội Đức hiện chưa được trang bị, đồng nghĩa với việc hiện không có hàng trong kho. Có quan điểm cho rằng, theo năng lực sản xuất hiện tại của Diehl BGT Defense thì họ chỉ có thể chế tạo được 2 hệ thống IRIS-T SLM mỗi năm. Chính phủ Đức có thể giao hàng cho Ukraine được trong vài tuần nữa có thể là do Diehl BGT Defense tạm thời chuyển hệ thống IRIS-T SLM ban đầu dự kiến ​​giao cho Ai Cập sang cho Ukraine. Điều này đã giải quyết được nhu cầu cấp thiết nhưng sẽ mất nhiều thời gian để đáp ứng đủ 10 hệ thống theo yêu cầu của Ukraine. Do đó, việc tên lửa IRIS-T SLM vào Ukraine sẽ gây nên ảnh hưởng như thế nào thì vẫn còn phải chờ xem.