Washington Post: Mỹ đã chuẩn bị cho việc xung đột Nga-Ukraine kéo dài vài năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhân Ngày Độc lập của Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã bày tỏ ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau để giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu chống Nga.
Trong gói vũ khí viện trợ lần này, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS (Ảnh: Guancha).
Trong gói vũ khí viện trợ lần này, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS (Ảnh: Guancha).

Ngày 24/8/2022 là kỉ niệm lần thứ 31 Ngày Độc lập của Ukraine, và cũng là tròn nửa năm Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, rõ ràng là một nút thời gian rất quan trọng. Do đó, vào thời điểm này, phương Tây đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine bằng nhiều cách khác nhau, hy vọng rằng Ukraine có thể mạnh hơn và tiếp tục chiến đấu chống lại Nga trong thời gian dài hơn.

Đầu tiên, là Mỹ. Tổng thống Joe Biden một lần nữa tuyên bố sẽ cung cấp bổ sung cho Ukraine số vũ khí và trang thiết bị trị giá 2,98 tỉ USD, bao gồm các hệ thống tên lửa đất đối không, các hệ thống pháo binh, các radar chống pháo và máy bay không người lái. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết sẽ giúp Ukraine huấn luyện binh sĩ. Tất cả những gì ông Biden làm là hy vọng Ukraine sẽ có thể tiếp tục chiến đấu chống Nga trong thời gian dài nữa.

Trang web Nhà Trắng đăng tuyên bố của ông Biden nhân Ngày Độc lập của Ukraine.

Trang web Nhà Trắng đăng tuyên bố của ông Biden nhân Ngày Độc lập của Ukraine.

Kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu năm 2021 đến nay, khoản viện trợ quân sự Mỹ hứa dành cho Ukraine đã lên tới hơn 13,5 tỉ USD. Tuy có một số khoản viện trợ chưa được chuyển đến tay Ukraine, nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, việc dành ra khoản tiền rất lớn như thế để hỗ trợ Ukraine, có thể thấy rõ Mỹ gửi gắm hi vọng vào Ukraine.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng những vũ khí này sẽ được sử dụng để giúp Ukraine xây dựng hệ thống phòng thủ trung và dài hạn, vì vậy có thể mất từ ​​một đến ba năm để đến được Ukraine.

Ông Biden nói trong một tuyên bố được Nhà Trắng công bố cùng ngày: "Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine trong cuộc chiến tiếp tục bảo vệ chủ quyền của họ. Là một phần của cam kết này, tôi tự hào thông báo khoản hỗ trợ an ninh lớn nhất của chúng ta cho đến nay: sẽ thông qua Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) cung cấp khoảng 2,98 tỉ USD vũ khí và thiết bị". Ông nói, điều này sẽ đảm bảo cho Ukraine có thể tiếp tục tự vệ lâu dài.

Ông Joe Biden gặp gỡ các nhà báo và nói về kế hoạch viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Guancha).

Ông Joe Biden gặp gỡ các nhà báo và nói về kế hoạch viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Guancha).

Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã đưa ra một tuyên bố giới thiệu các món có trong đợt viện trợ quân sự này: 6 bộ hệ thống phòng không tầm trung NASAMS (Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy) cùng đạn, 245.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155mm, 65.000 viên đạn cối 120 mm, 24 radar phản pháo, một số máy bay không người lái Scan Eagle và thiết bị hỗ trợ, một số hệ thống chống máy bay không người lái Vampire, hệ thống đạn tên lửa dẫn đường bằng laser và tiền quỹ cho đào tạo nhân viên, bảo trì thiết bị.

Lầu Năm Góc cũng nói rằng việc công bố gói viện trợ quân sự mới vào Ngày Độc lập của Ukraine nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ lâu dài cho Ukraine và tiêu biểu cho việc Hoa Kỳ đồng ý cung cấp cho Ukraine "các năng lực ưu tiên bổ sung" trung và dài hạn.

Reuters chỉ ra rằng việc sử dụng quỹ của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) đã được Quốc hội phê duyệt có nghĩa là chính quyền Biden sẽ mua vũ khí từ nơi chế tạo, thay vì lấy từ các kho dự trữ vũ khí hiện có của Mỹ. Quá trình này có thể mất thời gian, tùy thuộc vào việc công ty vũ khí có dây chuyền lắp ráp đang sản xuất vũ khí hay không, công suất của nó là bao nhiêu và thời gian cần thiết để điều chỉnh lịch sản xuất khi có nhu cầu.

Sẽ có thêm một số máy bay không người lái Scan Eagle được cung cấp cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Sẽ có thêm một số máy bay không người lái Scan Eagle được cung cấp cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói rằng thời gian cần thiết để loạt vũ khí này tiếp cận Ukraine là khác nhau, trong đó hệ thống phòng không và radar chống pháo sẽ khá lâu. Bà Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề chính sách, nói với giới truyền thông rằng trong một số trường hợp, vũ khí có thể mất từ ​​một đến ba năm để đến được Ukraine.

Bà Kahl nói với các phóng viên: "(Gói viện trợ quân sự này) không liên quan gì đến cuộc chiến hôm nay, ngày mai, tuần sau". Bà cũng nhấn mạnh, đây sẽ không phải là hỗ trợ an ninh cuối cùng của Mỹ cho Ukraine. Truyền thông Mỹ cho rằng điều này có nghĩa là Mỹ có thể hỗ trợ thêm từ các kho dự trữ vũ khí hiện có.

Trước đó đã có quan chức chỉ ra rằng kế hoạch này là một cam kết với chính phủ Ukraine rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine ngay cả sau khi cuộc xung đột kết thúc. Tờ Washington Post ngày 24/8 đưa tin, giới quan sát cho rằng thời hạn giao hàng dài như vậy dường như cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài trong vài năm, bất kể tình hình trong vài tháng tới như thế nào.

Sắp mãn nhiệm nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 24/8 vẫn đến Kiev lần thứ ba kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu (Ảnh: QQ).

Sắp mãn nhiệm nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 24/8 vẫn đến Kiev lần thứ ba kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu (Ảnh: QQ).

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, kể từ tháng 1/2021 đến nay, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 13,5 tỉ USD cho Ukraine; nếu tính từ năm 2014, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 15,5 tỉ USD cho Ukraine.

Về phía Liên minh châu Âu. Đầu tiên, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh, gần đây tuyên bố rằng EU đã viện trợ cho Ukraine 9,5 tỉ euro, nhưng sẽ nhanh chóng cung cấp thêm 8 tỷ euro nữa, mức độ hỗ trợ cũng không phải là nhỏ.

Ngoài ra, Vương quốc Anh mặc dù đã rời khỏi Liên minh châu Âu, nhưng sự ủng hộ của nước này đối với Ukraine cũng tương tự như các nước châu Âu khác. Thủ tướng Anh Boris Johnson sắp mãn nhiệm hiện đã tới Kiev, thủ đô Ukraine lần thứ 3. Ngoài việc thể hiện sự hỗ trợ về mặt tinh thần, ông còn mang thêm đến cho ông Zelensky 54 triệu bảng (63,5 triệu USD) viện trợ quân sự bổ sung.

Có thể thực hiện một phép tính, tổng cộng, London đã viện trợ cho Kiev 2,3 tỉ bảng Anh (2,71 tỉ USD) sau khi Nga phát động chiến dịch chống lại Ukraine. Kinh tế Anh hiện tại đang trong tình trạng không tốt, trong hoàn cảnh như vậy họ vẫn hết sức ủng hộ Ukraine, đồng thời hy vọng khả năng tự vệ của Ukraine sẽ mạnh hơn.

CNN lưu ý, ông Jonhson không phải là quan chức nước ngoài duy nhất đến thăm Kiev trong Ngày Độc lập. Ngoại trưởng Bồ Đào Nha João Gomes Cravinho ngày hôm đó cũng tới Kiev và viết trên Twitter: “Tới đây trong ngày quan trọng này là một điều vinh hạnh. Xin hãy chờ đón sự ủng hộ toàn lực của Bồ Đào Nha!”.

Sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối với Ukraine có vẻ tương đối khiêm tốn. Mới đây, Ukraine đã đề xuất tổ chức “Diễn đàn quốc tế về Crimea”. Tại diễn đàn quốc tế này, Tổng thống Macron đã tham gia với phương thức trực tuyến và kêu gọi tất cả các nước không thể hiện sự yếu kém trước Nga, vì thể hiện sự yếu kém trước Nga thực chất là phá hoại hòa bình thế giới.

Thủ tướng Pháp Macron đã bày tỏ ủng hộ Ukraine lấy lại Crime từ tay Nga (Ảnh: QQ).

Thủ tướng Pháp Macron đã bày tỏ ủng hộ Ukraine lấy lại Crime từ tay Nga (Ảnh: QQ).

Ngoài ra, việc ông tham gia một sự kiện như vậy thực chất là một kiểu ủng hộ Ukraine lấy lại Crimea. Crimea trên thực tế đã bị Nga kiểm soát trong vài năm, nhưng lần này, "Diễn đàn quốc tế về Crimea" do Ukraine tổ chức đã có sự tham dự của hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế. Ý định của Ukraine qua sự kiện này là lấy lại Crimea.

Tại diễn đàn quốc tế này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chính thức tuyên bố Crimea mãi mãi là lãnh thổ của Ukraine và sẽ gia nhập Liên minh châu Âu cùng với Ukraine. Do đó, trong những dịp như vậy, Tổng thống Pháp Macron cũng đưa ra tuyên bố kiểu này, tức là ông đang ủng hộ Ukraine.

Nhưng thành thật mà nói, Ukraine rất khó lấy lại Crimea, phương Tây đã hỗ trợ Ukraine rất nhiều về vũ khí, tinh thần và tiền bạc, kể cả việc huấn luyện quân sự; nhưng cuộc chiến tranh này có thể kéo dài đến bao giờ, rủi ro thay, quyết định vẫn là người dân Ukraine.

Vì vậy, để kết thúc cuộc chiến khốc liệt đang tàn phá cả Nga lẫn Ukraine này, các bên liên quan phải sớm ngừng bắn và ngồi lại vào bàn đàm phán.