Theo dõi sát tình trạng của trẻ
Trong tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà, Sở Y tế Hà Nội đã hướng dẫn chi tiết cách sử dụng thuốc để điều trị COVID-19 tại nhà cho trẻ em.
Theo đó, trẻ em là F0 điều trị tại nhà phải được nằm phòng riêng. Cha mẹ cần đeo khẩu trang cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Khi thấy trẻ sốt, phụ huynh cần lưu ý điều trị triệu chứng cho trẻ bằng các biện pháp sau:
Hạ sốt khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38.5 độ C bằng thuốc Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần mỗi 6 giờ.
Cho trẻ dùng thuốc điều trị ho, ưu tiên thuốc ho thảo dược, uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ (bú mẹ, ăn đầy đủ).
Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng cho trẻ.
Đo nhiệt độ cho trẻ (Ảnh minh hoạ) |
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần theo dõi, đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi thấy trẻ sốt; đo SpO2 (nếu có thiết bị) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trẻ dưới 1 tuổi đến 12 tuổi cần sử dụng thuốc Paracetamol với 2 dạng khác nhau (bột, viên) và liều dùng tuỳ theo từng độ tuổi. Cụ thể:
Trẻ dưới 1 tuổi dùng thuốc Paracetamol bột 80mg; trẻ từ 1- dưới 2 tuổi dùng thuốc Paracetamol bột 150mg; trẻ từ 2- dưới 5 tuổi dùng thuốc Paracetamol bột 250mg; trẻ từ 5-12 tuổi dùng thuốc Paracetamol viên 325mg; trẻ trên 12 tuổi dùng Paracetamol viên 500mg.
Khi trẻ sốt trên 38.5 độ C, phụ huynh có thể cho con uống Paracetamol lặp lại mỗi 4 đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt. Khi thấy trẻ có triệu chứng bất thường như: Sốt trên 38.5 độ C, tức ngực, đau rát họng, ho, cảm giác khó thở, tiêu chảy, SpO2 < 96% (nếu đo được), trẻ mệt, không chịu chơi, ăn/bú kém,… gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế/cấp cứu 115, tổ y tế cộng đồng để trẻ được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ bị thở nhanh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực.
Làm thế nào để điều trị COVID-19 tại nhà hiệu quả?
Khi trở thành F0, cả trẻ em và người lớn đều có tâm lý hoang mang, lo lắng, tác động không nhỏ đến quá trình điều trị bệnh. Vì thế, để điều trị COVID-19 hiệu quả, ứng phó với căng thẳng tinh thần, F0 cần tránh xem, đọc hoặc nghe những tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên mạng xã hội; chăm sóc cơ thể và sức khoẻ tinh thần của bản thân; hít thở sâu hoặc thực hành thiền; cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya; tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma tuý, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.
Cùng với đó, F0 cần dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, cố gắng thực hiện 1 vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình nấu ăn,… gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày; tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác, tâm sự về những lo lắng.
Ngoài ra, mỗi F0 khi điều trị tại nhà cần chú ý luyện tập, vận động nâng cao sức khoẻ bằng các cách sau:
Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi.
Tống thải đờm với những người bị tăng tiết đờm.
Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp.
Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
Tập bài tập thở, vận động tại giường, tập bài tập giãn cơ, bài tập thể lực tăng sức bền.
Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như: mệt, khó thở, đau ngực tăng, bệnh nhân cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên thì người bệnh cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
Nhiều trẻ bị sang chấn tâm lý trong đại dịch COVID-19
Dịch COVID-19 và những hệ quả của nó trên toàn thế giới có thể xem là một sang chấn tập thể. Khác với sang chấn của cá nhân, sang chấn tập thể của một cộng đồng có thể tồn tại qua nhiều thế hệ và thời gian.
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM – việc trẻ phải chứng kiến cái chết của cha mẹ, người thân một cách đột ngột do dịch bệnh là một sang chấn tâm lý đối với các em. Tùy vào độ tuổi, mức độ nhận thức, mức độ gắn bó trong mối quan hệ của trẻ và cha mẹ mà ở mỗi em sẽ có những ảnh hưởng tâm lý khác nhau.
Sang chấn tâm lý ở trẻ em do cha mẹ hoặc người chăm sóc chính qua đời bất ngờ vì COVID-19. Trẻ có thể có những cảm xúc lo sợ, buồn bã, quấy khóc, bỏ ăn, thu mình,… “Trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào, khi đối diện với việc người thân qua đời, các em cũng có rất nhiều các cảm xúc đau buồn, lo sợ, hụt hẫng. Do đó, người lớn cần nhận biết và trợ giúp các em trong giai đoạn khó khăn này” – ông Thiện nói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu