TP.HCM đang xin ý kiến Bộ Y tế về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc đã nên tiêm vaccine cho trẻ ở giai đoạn này hay chưa. Trao đổi với VietTimes, TS Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành) đặc biệt lưu ý nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ em cao hơn so với người trưởng thành.
Cân đối giữa lợi ích và nguy cơ
*TP.HCM đang xin phép Bộ Y tế hướng dẫn để thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 -17 tuổi. Xin TS cho biết quan điểm riêng về việc này?
TS Bùi Lê Minh: - Việc tiêm chủng phòng COVID-19 với trẻ em 12-17 tuổi là cần thiết, nhưng với thực tế ở Việt Nam thì chưa đến thời điểm phù hợp với 2 lý do chính:
Thứ nhất, nguy cơ bệnh nặng với nhóm tuổi này là thấp hơn so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nguy cơ này rất thấp khi so với nguy cơ nặng và tử vong của nhóm trên 65 tuổi và người trưởng thành có bệnh nền. Trong khi nhiều tỉnh thành của chúng ta đang chưa có đủ vaccine cho 2 nhóm nguy cơ cao này thì không nên ưu tiên vaccine cho nhóm có nguy cơ thấp hơn.
Điểm mấu chốt trong việc duy trì khả năng ứng phó với dịch là khả năng chữa trị của hệ thống y tế, phải tập trung bảo vệ những nhóm có nguy cơ cao nhất để hạn chế số ca nặng và tử vong, nên khi vaccine chưa có đủ cho toàn dân thì bài toán phân bổ vaccine hợp lý là yếu tố đầu tiên phải cân nhắc.
Thứ hai, đối tượng trẻ em có những đặc điểm sinh lý riêng và đang phụ thuộc vào gia đình nên mức độ quan tâm tới tính an toàn của vaccine có phần còn cao hơn so với việc tiêm chủng cho người lớn nên cần có đánh giá cẩn thận để đưa ra lựa chọn phù hợp. Các vaccine đang sử dụng hiện nay đều không phải thiết kế riêng cho trẻ em mà là vaccine cho người lớn có thể sử dụng cho trẻ em thông qua việc mở rộng đối tượng tiêm chủng và thử nghiệm ở một số quốc gia.
Nếu nói chính thức thì WHO mới chỉ khuyến cáo có thể cân nhắc sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, nhưng chỉ trong trường hợp có nguy cơ cao như mắc bệnh nền và ngay bản thân vaccine Pfizer cũng gây ra những lo lắng nhất định ở phụ huynh do có liên quan tới nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm cao hơn với người trưởng thành.
Việc cân đối giữa lợi ích và nguy cơ nên làm cẩn thận. Các quốc gia khác như Trung Quốc, UAE, Cuba, Ấn Độ đã quyết định sử dụng vaccine phát triển trong nước cho trẻ em với các giới hạn nhóm tuổi khác nhau, nhưng lưu ý là các quốc gia này cũng đã tiêm phủ toàn dân ở mức độ cao và họ hoàn toàn chủ động nguồn vaccine trong nước.
Vì vậy, theo tôi thì Bộ Y tế vẫn nên lấy ý kiến từ người dân, cân nhắc cấp phép những loại vaccine có thể sử dụng cho trẻ em và ưu tiên tiêm cho trẻ có bệnh nền trước (nhóm này nên coi như người trưởng thành có bệnh nền). Việc tiêm chủng diện rộng nên để lùi lại cho đến khi tiêm đủ cho người cao tuổi và có bệnh nền.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởngc nó khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) đồng quan điểm chưa nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở giai đoạn này. Ảnh: HCDC |
*Phương pháp thúc đẩy miễn dịch tự nhiên với trẻ em có thể áp dụng với hầu hết các bệnh khác, tuy nhiên, với virus SARS-CoV-2, chỉ riêng đợt dịch thứ 4 vừa rồi, TP.HCM có hơn 20.000 trẻ mắc COVID-19. Theo anh, đây có phải là một căn bệnh mà chắc chắn trẻ cần phải tiêm vaccine để phòng ngừa?
TS Bùi Lê Minh: - Tất cả các nhóm lứa tuổi đều cần được bảo vệ như nhau. Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng nguy cơ của trẻ em thấp thì nó luôn luôn thấp và không có trẻ nào gặp nguy hiểm. Trong thực tế, ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn cao thì tỷ lệ tương đối trên cộng đồng và số lượng trẻ mắc bệnh và bệnh nặng cũng cao hơn.
Phần lớn trẻ em khi mắc bệnh sẽ trải qua nhanh với triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có những trường hợp trẻ em hoàn toàn khỏe mạnh mà tử vong vì COVID-19. Chúng ta vẫn chưa hiểu được hết virus này và chưa có chỉ thị nào có thể dùng để tiên lượng ca bệnh sẽ trở nặng hay không nên việc phòng bệnh vẫn là cần thiết.
Thực tế đã cho thấy ở các nước thực hiện tiêm chủng cho trẻ em thì tỷ lệ nhiễm virus và tăng nặng đều giảm đáng kể với nhóm đã tiêm chủng, nên vaccine chắc chắn là có giá trị cả với nhóm tuổi này. Tuy nhiên, vaccine COVID-19 không phải phương án duy nhất để tăng khả năng bảo vệ cho trẻ (ví dụ như tiêm các vaccine loại khác đã chứng minh dùng an toàn cho trẻ em và có tác dụng bảo vệ chéo, đảm bảo 5K cho bé, bổ sung vitamin, dinh dưỡng tăng cường sức khỏe…), cũng như khó có thể nói chính xác loại vaccine nào là phù hợp hơn, nên quyết định của phụ huynh là quan trọng nhất. Khi chương trình tiêm chủng cho trẻ em có thể tiến hành trên diện rộng, theo tôi là không nên bắt buộc và cung cấp nhiều nhất những lựa chọn có thể.
Tiêm vaccine không phải yếu tố tiên quyết để mở lại trường học
*Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết sắp tới, trẻ em sống trên địa bàn sẽ quay trở lại trường học, dự kiến là từ tháng 1/2022 hoặc có thể sớm hơn tuỳ theo tình hình thực tế. Như vậy, tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ có phải là biện pháp tốt nhất?
Trẻ em xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ hào hứng trở lại trường. Ảnh: Hoà Bình ghép |
TS Bùi Lê Minh: - Trong các biện pháp bảo vệ trẻ thì đúng là vaccine là phương án sẽ có tác dụng nhất và áp dụng đồng đều được cho gần như tất cả các đối tượng, nhưng vaccine không phải là điều kiện tiên quyết để mở cửa lại trường học. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc họ vẫn đang mở cửa trường học với các biện pháp phòng dịch, nhưng không bắt buộc trẻ phải tiêm vaccine để đi học. Đặc biệt, ở Nhật Bản mặc dù họ đã giảm giới hạn tối thiểu về tuổi để có thể tiêm vaccine Pfizer xuống 12, Chính phủ vẫn khuyến cáo là không nên tổ chức tiêm chủng ở trường học. Học sinh nếu tiêm chủng thì nên tự đi tiêm ở nơi khác để tránh phân biệt, kỳ thị khi trẻ biết ai đã tiêm vaccine, ai không. Đây là một động thái rất tinh tế khi Nhật Bản để lựa chọn tiêm vaccine hoàn toàn cho gia đình lựa chọn.
Các đánh giá về nguy cơ lây nhiễm ở trường học đều cho thấy nếu trẻ có nhiễm bệnh thì phần lớn lại là từ gia đình chứ không phải do lây trực tiếp ở trường và những nơi có tỷ lệ trẻ mắc bệnh nhiều đều tương ứng với tỷ lệ người lớn chưa tiêm chủng cao. Các nước châu Âu như Thụy Điển, Scotland, Nauy, Pháp… sau khi mở cửa trường học đều trải qua một giai đoạn tăng số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em nhưng sau đó giảm nhanh.
Theo tôi việc chưa tiêm chủng cho trẻ em ngay bây giờ còn có thêm một cái lợi nữa là đến khi có thể tiêm chủng cho trẻ em trên diện rộng thì cơ hội các cháu sẽ được tiêm các phiên bản vaccine mới đã dùng các biến thể SARS-CoV-2 mới. Đây là lựa chọn sẽ kéo dài được thời gian bảo vệ cho trẻ hơn việc sử dụng vaccine phát triển dựa trên virus ban đầu.
*Thưa TS, các biện pháp cần thiết phải tiến hành để phòng dịch cho đối tượng trẻ em là gì nếu TP.HCM không thể tiến hành tiêm vaccine cho trẻ, vì hiện tại Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn gì về việc này?
TS Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành) |
TS Bùi Lê Minh: - Tôi chắc chắn là Bộ Y tế cũng có những cái khó trong việc quyết định loại vaccine nào sẽ dùng cho chương trình tiêm chủng, vì chúng ta đang sử dụng nhiều loại khác nhau cho người lớn và có nhiều yếu tố về hiệu quả, an toàn của vaccine cần phải cân nhắc.
Như tôi đã nhắc tới ở trên, có nhiều biện pháp khác chúng ta vẫn có thể làm để đảm bảo an toàn cho trẻ, trong đó giải pháp tiêm các vaccine có thể có hiệu quả bảo vệ chéo như vaccine phòng cúm mùa, phế cầu cũng có thể coi như tương tự sử dụng vaccine phòng COVID-19 với hiệu quả bảo vệ ở mức trung bình.
Khi số ca nhiễm trong cộng đồng còn cao như ở TP.HCM thì cũng không nên đưa trẻ em tới những nơi có mật độ người cao và vẫn luôn phải đảm bảo 5K cho các cháu khi tiếp xúc với bên ngoài. Các hướng dẫn cho phụ huynh chăm sóc sức khỏe và phản ứng phù hợp khi trẻ mắc bệnh là cần thiết nhất trong thời điểm hiện nay.
*Ngay cả khi TP.HCM đã tiến hành tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi đến trường, sẽ cần áp dụng các biện pháp phòng dịch như thế nào khi trẻ trở lại trường trong thời gian tới thưa TS?
TS Bùi Lê Minh: - Việc mở cửa trường học nên học theo các mô hình đang có tác dụng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… có nhiều đặc điểm giống các trường học ở Việt Nam hơn các nước Châu Âu. Ngoài 5K thì có thể cân nhắc các biện pháp bổ sung như giới hạn số học sinh đến trường, học luân phiên, sinh hoạt chỉ trong nội bộ lớp để dễ kiểm soát khi dịch bùng phát, phân luồng học sinh đến lớp và tan học, sử dụng tấm chắn trên bàn học...
Đặc biệt cần chuẩn bị sẵn tình huống khi số ca nhiễm xuất hiện trong trường tăng cao thì có thể đóng cửa một phần hoặc toàn bộ trường, cần bố trí không gian để phục vụ việc cách ly, thăm khám học sinh tại chỗ. Các trường hợp xác định bệnh ngay ở trường thì cũng nên chuyển sang cách ly theo dõi tại nhà, hạn chế việc buộc phải cách ly tập trung.
Nhà trường cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tình huống phải kết hợp dạy online và trực tiếp linh động theo tình hình dịch. Ngoài ra, việc xét nghiệm khi cần thiết với trẻ em cũng cần phải được điều chỉnh với các loại kit phù hợp hơn với trẻ em như kit test nhanh dùng bông ngoáy mũi, lấy mẫu nước bọt thay vì dùng bông ngoáy tỵ hầu có thể khiến trẻ đau và sợ việc lấy mẫu. Theo tôi thì không nên làm xét nghiệm nhiều với trẻ em, chỉ khi thực sự rất cần thiết.
*Trân trọng cảm ơn TS đã giành thời gian trả lời tạp chí điện tử VietTimes!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu