Điểm tựa đi vào kỷ nguyên vươn mình, chỉ dấu về vận nước đã tới
Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Trương Gia Bình nói rằng nếu như ngày xưa nhà toán học Archimedes từng nói một câu nổi tiếng rằng "nếu cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả thế giới lên", thì hiện tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị chính là điểm tựa để Việt Nam đi vào kỷ nguyên vươn mình.
Nhắc lại khát vọng của FPT vào buổi đầu thành lập - ngày 13/9/1988, ông Bình nói rằng FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, phát triển mạnh mẽ bằng cách đi sâu vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
"Thời gian đó Việt Nam còn bị cấm vận, các kỹ sư của chúng tôi đã phải mua sách ở sân bay của Hồng Kông mang về tự học và viết hệ thống đặt vé giữ chỗ đầu tiên cho Vietnam Airlines. FPT cũng tự viết chương trình lõi cho ngân hàng và được hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam sử dụng, thậm chí đã bán được cho một ngân hàng của Đài Loan", ông Trương Gia Bình nhớ lại.
Sau 10 năm hoạt động, với tầm nhìn "Go Global" - phải tiến ra thế giới, FPT sau đó đã mở văn phòng đại diện tại Bangalore (Ấn Độ) và Silicon Valey (Mỹ) nhưng không giành được hợp đồng nào. Tuy nhiên, khi tới thị trường Nhật Bản, FPT đã được nhiều doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đón nhận, bởi FPT là công ty duy nhất mà các kỹ sư CNTT sẵn sàng học tiếng bản địa để làm phần mềm.
Sau thị trường Nhật Bản, FPT tiếp tục mở rộng sang thị trường Hàn Quốc. Tăng trưởng phần mềm tại thị trường Hàn Quốc có những năm lên tới 85%. Việc tiếp tục mở rộng sang các thị trường Trung Quốc, Đức, Pháp đã giúp FPT doanh thu phần mềm của FPT luôn duy trì mức tăng trưởng cao.
Năm 2023, lần đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD về xuất khẩu phần mềm và tập đoàn tiếp tục hướng tới những nấc thang mới.
Nói thêm về điều kiện để đảm bảo ngành phần mềm Việt Nam ở nước ngoài liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, Chủ tịch FPT cho biết đấy là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cũng theo ông Bình, những xung đột địa chính trị trên thế giới khiến các cường quốc chuyển hướng tới Việt Nam, đồng thời chuyển giao công nghệ. Điều này giúp Việt Nam có được những kỹ năng và công nghệ mà bình thường chúng ta phải mất 10 năm mới có được.
"Bây giờ, khi Việt Nam đã có một đội ngũ kỹ sư tương đương với các nước phát triển về CNTT thì chúng ta cần tiếp tục đổi mới. Nghị quyết 57 như một chỉ dấu quan trọng về vận nước đã đến", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
3 cam kết của FPT
Chủ tịch FPT cho biết để hưởng ứng sự chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như 7 nhóm nhiệm vụ mà Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra, tập đoàn FPT cam kết thực hiện 3 nhóm công việc bao gồm:
Cam kết thứ nhất là tập trung đầu tư vào các công nghệ then chốt như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ông Bình nói rằng tương lai thế giới sẽ phụ thuộc vào chip bán dẫn có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Việt Nam sẽ hướng tới sản xuất hàng triệu con chip tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Ô tô cũng là một lĩnh vực mà FPT đang đầu tư, bởi lĩnh vực này đang chuyển đổi từ cơ khí sang phần mềm, giống như một chiếc điện thoại có bánh xe - ông Bình ví von. FPT hiện đang hợp tác với Ford, Volvo, Toyota để cung cấp phần mềm cho xe thông minh.
FPT cũng sẽ tham gia vào công tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các ngành nghề, địa phương, cho các mảng y tế, giáo dục...
Các kết thứ hai của FPT là đầu tư vào nguồn nhân lực. Hiện tại FPT có 12.000 kỹ sư về AI, được cấp gần 1 vạn chứng chỉ NVIDIA trong thời gian ngắn. FPT cam kết đến 2030 sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, 50.000 kỹ sư AI, tham gia đào tạo kiến thức về AI cho nửa triệu nhân lực.
Cam kết thứ ba, theo ông Trương Gia Bình, là đầu tư vào hạ tầng. FPT đã xây dựng 2 nhà máy ở Việt Nam và Nhật Bản. 5 năm nữa, 2030 FPT sẽ xây dựng 5 nhà máy trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia cung cấp hạ tầng tính toán về trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu