Mất mát do COVID-19: Nhiều nhân viên y tế và trẻ em bị sang chấn tâm lý nặng nề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khốc liệt không chỉ cướp đi tính mạng của nhiều người dân mà còn khiến nhiều người ở lại bị sang chấn tâm lý nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ tinh thần.
Nhân viên y tế làm việc liên tục để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế làm việc liên tục để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Mất mát quá lớn

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến không ít người mắc bệnh nặng, phải nhập viện để điều trị, mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương, hàng nghìn trẻ nhỏ mồ côi.

Chỉ trong vài tháng qua, ở TP. HCM, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến hơn 1.500 trẻ rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ. Không ít trẻ đã bị tổn thương, sang chấn tâm lý nghiêm trọng.

Mới đây, báo chí đã đăng tải câu chuyện của 2 chị em Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ sau 2 ngày đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Bố và mẹ của 2 chị em Tuyền mất cách nhau đúng 1 ngày. Bố mất ngày 5/8 nhưng phải đến 10 ngày sau 2 chị em mới nhận được tin báo của bệnh viện. Còn mẹ của 2 chị em đã ra đi mãi mãi vào ngày 4/8. Trường vẫn luôn khóc vì nhớ thương bố mẹ.

Em Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) (bên trái) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi) (bên phải) mồ côi cha mẹ vì COVID-19 (Ảnh - PL)

Em Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) (bên trái) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi) (bên phải) mồ côi cha mẹ vì COVID-19 (Ảnh - PL)

Tương tự như 2 chị em Tuyền, em Trần Tiến Đạt, 16 tuổi, sống ở tổ 19, phường 13, Quận 8, TP. HCM. Mẹ của em không may mắc COVID-19 và không thể qua khỏi. Từ ngày mẹ ra đi, Đạt trở nên trầm tính và ít nói, thường xuyên sống thu mình.

Cũng như Đạt, em Nguyễn Văn Tấn Anh, 12 tuổi, sống ở phường 15, Quận 8, TP. HCM đã thay đổi tính cách kể từ ngày mẹ em ra đi vì COVID-19. Trước khi mẹ mất, Tấn Anh rất vui vẻ, hoạt bát nhưng từ khi COVID-19 cướp đi người mà em yêu thương nhất thì em ngày càng ít nói, lầm lì, khuôn mặt thiếu vắng nụ cười.

Đủ đau thương cho cả 1 đời người

Đại dịch COVID-19 khốc liệt đã khiến nhiều trẻ nhỏ bị tổn thương sâu sắc và người lớn cũng không ngoại lệ. Thực tế, nhiều bác sĩ tuyến đầu chiến đấu chống dịch COVID-19, ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh cũng bị sang chấn tâm lý sau khi chứng kiến những bệnh nhân mà mình trực tiếp điều trị lần lượt ra đi. BS. T.N.D - một chuyên gia chống dịch hàng đầu, chứng kiến dồn dập những cái chết của bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM, anh đã rơi vào trầm cảm và phải quay ra Hà Nội để điều trị.

BS. Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai – người trực tiếp điều trị ở Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP. HCM - cũng tâm sự: “Tôi cùng các bác sĩ vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP. HCM đúng thời điểm dịch COVID-19 dữ dội và phải chứng kiến sự ra đi của nhiều bệnh nhân, trong đó có cả gia đình bị nhiễm và không qua khỏi. Đến khi bệnh nhân tử vong, chúng tôi cũng không biết gọi điện cho ai. Chứng kiến bệnh nhân tử vong, tôi vô cùng day dứt. Tôi luôn tự trách bản thân không biết là mình làm như vậy đã cố gắng hết sức hay chưa, bệnh nhân còn khả năng cứu chữa được hay không? Làm thế nào để cứu sống người bệnh? Đôi khi tôi còn cảm thấy bất lực vì số lượng bác sĩ hạn chế, nhất là bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu.”– BS. Hùng xúc động nói.

BS. Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - BYT)

BS. Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - BYT)

Mặc dù đã có kinh nghiệm chống dịch nhiều lần nhưng với BS. Hùng, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tại TP. HCM là đợt dịch dữ dội nhất mà anh từng chứng kiến. “Những gì mà tôi chứng kiến có lẽ đã đủ sự đau thương cho cả 1 đời người” – BS. Hùng nghẹn ngào.

Đối với các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, áp lực là điều không thể tránh khỏi và BS. Nguyễn Thanh Huy - Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM cũng vậy.

BS. Huy tâm sự: “Có người vừa nói chuyện ít ngày trước, đã vĩnh viễn bất động. Lại có những cuộc gọi dài của người nhà bệnh nhân dồn dập đến và hầu như họ đều chết lặng, hoặc thảng thốt không dám tin khi nhận thông báo từ bác sĩ, nên công việc rất áp lực. Lúc đầu tôi và cộng sự của mình rất khó ngủ. Nếu khó ngủ triền miên thì ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Người nọ chỉ người kia cách giữ cân bằng tâm lý, ngăn chặn mệt mỏi kéo dài. Làm công việc này thực sự cảm xúc rất khó diễn tả”.

BS. Nguyễn Thanh Huy - Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM (Ảnh - SKĐS)

BS. Nguyễn Thanh Huy - Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM (Ảnh - SKĐS)

Để không rơi vào khủng hoảng sâu về tinh thần, BS. Huy cùng đồng nghiệp đã rèn luyện ý nghĩ xem “bệnh nhân chính là người thân, là ruột thịt của mình và tự nhủ, đừng hoảng, đừng sốc. Mỗi người nén lại lòng mình một chút. Đau nhất là khi liên lạc với gia đình để báo dòng tin không ai mong muốn” – BS. Huy nói.

Làm thế nào để điều trị sang chấn tâm lý hiệu quả?

Trao đổi với PV VietTimes, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM – cho biết: Tùy theo trải nghiệm chủ quan, khi đối diện với cùng một sự kiện đau thương, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau. Có những người nhanh chóng giảm dần mức độ căng thẳng theo thời gian nhờ quá trình tự phục hồi của tâm trí. Tuy nhiên, một số khác lại gặp phải tình trạng căng thẳng kéo dài và đưa đến các rối loạn tâm thần như rối loạn stress cấp, stress sau sang chấn (PTSD), trầm cảm, lo âu,… Sang chấn tâm lý có thể xảy ra cho bất kỳ ai. Nguyên nhân của sang chấn tâm lý có thể đến từ những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày làm chúng ta đau khổ, sợ hãi, cảm thấy bị đe dọa, bất lực như bạo lực, tai nạn, mất mát người thân đột ngột, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh.

Dịch COVID-19 và những hệ quả của nó trên toàn thế giới có thể xem là một sang chấn tập thể. Khác với sang chấn của cá nhân, sang chấn tập thể của một cộng đồng có thể tồn tại qua nhiều thế hệ và thời gian.

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, việc trẻ phải chứng kiến cái chết của cha mẹ, người thân một cách đột ngột do dịch bệnh là một sang chấn tâm lý đối với các em. Tùy vào độ tuổi, mức độ nhận thức, mức độ gắn bó trong mối quan hệ của trẻ và cha mẹ mà ở mỗi em sẽ có những ảnh hưởng tâm lý khác nhau.

Sang chấn tâm lý ở trẻ em do cha mẹ hoặc người chăm sóc chính qua đời bất ngờ vì COVID-19. Trẻ có thể có những cảm xúc lo sợ, buồn bã, quấy khóc, bỏ ăn, thu mình,… “Trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào, khi đối diện với việc người thân qua đời, các em cũng có rất nhiều các cảm xúc đau buồn, lo sợ, hụt hẫng. Do đó, người lớn cần nhận biết và trợ giúp các em trong giai đoạn khó khăn này” – ông Thiện nói.

Về vấn đề nhiều bác sĩ bị sang chấn tâm lý trong quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ông Thiện cho hay: Một số vấn đề mà nhân viên y tế thường gặp phải khi phòng, chống dịch COVID-19 là stress, lo âu, kiệt sức nghề nghiệp, trầm cảm, nguy cơ tự sát,… đã được ghi nhận trong nhiều công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ, nhân viên y tế đều gặp phải 2 vấn đề gồm: tổn thương đạo đức (Moral injury) và cạn kiệt lòng trắc ẩn (Compassion fatigue).

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - BYT)

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - BYT)

Để điều trị sang chấn tâm lý hiệu quả cho các bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện cho rằng: Cần có những nghiên cứu làm nền tảng khoa học cho các giải pháp can thiệp. Từ kết quả các nghiên cứu, có thể xây dựng các mô hình để can thiệp và lượng giá cụ thể trên sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế.

Ngoài ra, các khuyến cáo cũng chỉ ra các yếu tố như nâng đỡ xã hội (social support), sức bật tinh thần (resilience), thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, chính sách thu nhập,... có thể tác động tích cực đến tinh thần của nhân viên y tế.

Cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ bác sĩ bị sang chấn tâm lý

Trước thực tế các bác sĩ bị sang chấn tâm lý khi chống dịch COVID-19, PV VietTimes đã liên hệ với ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Ông Khoa cho biết: “Hiện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chưa thể tổng hợp được số liệu các bác sĩ bị sang chấn tâm lý trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bởi để đánh giá vấn đề này khá khó, không dễ dàng. Cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 nên bệnh nhân và các bác sĩ không thể tránh khỏi việc bị sang chấn tâm lý. Mỗi bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đều phải đối mặt với những áp lực riêng. Theo quan điểm của tôi, việc các bác sĩ bị sang chấn tâm lý là điều khó có thể tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta phải có cách thức, giải pháp để hạn chế tác hại của sang chấn tâm lý”.

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh - BYT)

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh - BYT)

Để điều trị, hỗ trợ cho các bác sĩ bị sang chấn tâm lý hiệu quả, ông Khoa cho hay: “Hiện, các đơn vị, cơ sở y tế đã chủ động trong việc mời các chuyên gia, bác sĩ về tâm lý để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các thầy thuốc. Cùng với đó, các bác sĩ cũng được hỗ trợ thông qua các kênh tư vấn trực tuyến. Điển hình là cổng thông tin 1022, tiếp nhận thông tin 24/24 về dịch bệnh COVID-19”.


Trao đổi với VietTimes, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Nhằm chủ động phòng, chống sang chấn tâm lý cho người dân cũng như các bác sĩ, nhân viên y tế, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch COVID-19. Hướng dẫn bao gồm đầy đủ các nội dung cho các đối tượng khác nhau như: hướng dẫn, khuyến nghị cho người dân, cán bộ y tế, người trong khi cách ly, người chăm sóc trẻ em, người chăm sóc người cao tuổi và người có rối loạn sức khỏe tâm thần,...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ảnh: Đăng Khoa)

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ảnh: Đăng Khoa)

Ngành y tế cần phổ biến rộng rãi hướng dẫn này cho người dân, đặc biệt thông qua mạng lưới y tế cơ sở, qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để cho tất cả mọi người, từ lực lượng tuyến đầu đến mỗi người dân đều biết và thực hiện tốt những nội dung trong hướng dẫn nhằm phòng tránh các rối loạn sức khỏe tâm thần có thể xảy ra trong dịch COVID-19.

Hiện, các quốc gia khi bùng phát dịch COVID-19 đã có các biện pháp để chủ động phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần tùy theo điều kiện của mỗi nước. Trên cơ sở đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổng hợp, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị, làm cơ sở cho Việt Nam nghiên cứu và vận dụng gồm:

Lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần vào trong các Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 cấp quốc gia cũng như ở các địa phương.

Tăng cường lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và các dịch vụ quản lý bệnh mạn tính vào chăm sóc, điều trị COVID-19, đảm bảo mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tiếp tục duy trì cung cấp đầy đủ các dịch vụ quản lý, điều trị, chăm sóc cho người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch.

Có các hướng dẫn, tư vấn kịp thời để phổ biến cho người dân và cán bộ y tế

Thực hiện truyền thông, thông tin đầy đủ, minh bạch, giải thích rõ ràng giúp làm giảm căng thẳng, lo âu.

Xây dựng kế hoạch, giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thời kỳ hậu COVID-19.

Thực hiện phòng, chống COVID-19 cùng với bảo đảm đời sống an sinh xã hội cho người dân.

Theo khuyến cáo của một số tổ chức quốc tế và thực tiễn dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế đang chỉ đạo Viện Sức khỏe tâm thần cùng các chuyên gia tiếp tục xây dựng hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong đó có các hướng dẫn hoạt động để nâng cao sức khỏe tinh thần của người dân; hướng dẫn đánh giá nguy cơ rối loạn tâm thần; hướng dẫn các hoạt động can thiệp theo các nhóm nguy cơ.

(T.H)