Du lịch Việt Nam đang có gì trong tay?

VietTimes -- Sáng 29/8/2018, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và công ty Mobifone đã phối hợp tổ chức hội thảo "Ứng dụng giải pháp công nghệ số cho du lịch thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0". Hội thảo có sự tham gia cùa khoảng 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. 
2 năm gần đây các công nghệ thông minh đã thực sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch với sự ra đời của các doanh nghiệp thuần túy công nghệ và liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn (ảnh minh họa: Advertising Vietnam)
2 năm gần đây các công nghệ thông minh đã thực sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch với sự ra đời của các doanh nghiệp thuần túy công nghệ và liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn (ảnh minh họa: Advertising Vietnam)

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của CMCN 4.0 đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với việc ứng dụng công nghệ số cho du lịch thông minh. Ông Vinh nhấn mạnh cần phải ứng dụng các giải pháp giúp doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Báo cáo về du lịch thông minh ở Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí - Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết, 2 năm gần đây các công nghệ thông minh đã thực sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch với sự ra đời của các doanh nghiệp thuần túy công nghệ và liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn... Còn với du khách, ai cũng có điện thoại thông minh để tra cứu thông tin và thực hiện các giao dịch. Có thể nói CMCN 4.0 đã tác động rất lớn đến ngành du lịch Việt Nam. 

ông Vũ Quốc Trí - Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch báo cáo tổng thể về du lịch thông minh
 ông Vũ Quốc Trí - Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch báo cáo tổng thể về du lịch thông minh

Ông cũng cho biết, gần 100% các doanh nghiệp du lịch đã có website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hầu hết các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi đã có wifi miễn phí và dịch vụ này đang được nhiều địa phương thực hiện. Nhiều di tích đã ứng dụng robot thuyết minh đa ngôn ngữ.

Đã có trên 50% doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp bán hàng, thanh toán trực tuyến nhưng hiệu quả không đồng đều, doanh số thu được qua mạng chưa cao. Có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch đã ra đời nhưng mới chiếm khoảng 20% các giao dịch dịch vụ và số còn lại là do các sàn giao dịch điện tử nước ngoài thực hiện. Thêm một vấn đề tồn tại là phần lớn các di tích danh thắng tuy đã có website nhưng thông tin chủ yếu mới chỉ bằng tiếng Việt. 

Theo ông Trí, để phát triển du lịch thông minh một cách toàn diện thì cần sự vào cuộc của rất nhiều bộ, ngành để giải quyết rất nhiều vấn đề như cấp visa cho du khách, giao thông, tài chính - ngân hàng... mà trông đó không thể thiếu yếu tố kết nối thông tin của các mạng di động. Tuy nhiên, các nhà mạng di động cần có sự hợp tác, chia sẻ vì lợi ích chung của du lịch thông minh và Tổng cục Du lịch sẵn sàng làm đầu mối để thu xếp việc này. 

Cũng tại hội thảo, đại diện của Mobifone đã giới thiệu các giải pháp kết nối tổng đài đa kênh cho các doanh nghiệp du lịch. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm về chi phí mà còn kiểm soát được các giao dịch so với tổng đài truyền thống. Cùng với việc đó, đại diện của Mobifone còn giới thiệu các dịch vụ chuyển vùng quốc tế cho các thuê bao trong nước khi ra nước ngoài với chi phí thấp và kiểm soát được cước phí sử dụng cùng các dịch vụ khác về dữ liệu. Mobifone rất mong muốn các doanh nghiệp du lịch cùng hợp tác để phát triển sản phẩm về chuyển vùng và khai thác dữ liệu nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. 

Ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (đứng) điều hành phần giao lưu
 Ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (đứng) điều hành phần giao lưu

Trong phần giao lưu sau các báo cáo, ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc VCCI đã đặt câu hỏi về vai trò của doanh nghiệp trong du lịch thông minh. Trả lời cho câu hỏi này, ông Vũ Quốc Trí cho biết, doanh nghiệp chính là chủ thể quan trọng nhất còn nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chủ động nguồn lực cho mình với du lịch 4.0 và nhà nước chỉ đầu tư mạng lưới, quảng bá và xúc tiến thương mại.