Thông tin phục vụ du lịch: Nhiều website không có nội dung tiếng Anh

VietTimes -- Theo TS Lee Johnson, Tổng giám đốc công ty HI-TEK, Việt Nam hiện ở vị trí thứ 17 trong bảng xếp hạng những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới và có hơn 53% dân số sử dụng Internet hàng ngày. Ngoài ra, có 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua internet.
Trang web của khu di tích Đền Hùng hoàn toàn không có thông tin bằng tiếng Anh. Ảnh chụp màn hình
Trang web của khu di tích Đền Hùng hoàn toàn không có thông tin bằng tiếng Anh. Ảnh chụp màn hình

Việc khách nước ngoài chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng trước khi đến Việt Nam chính là một tiền đề rất thuận lợi để ngành du lịch thu hút khách. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của họ thì thông tin trên mạng được cung cấp phải là bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Đó chính là điều mà các doanh nghiệp du lịch và các điểm tham quan phải chủ động.

Tuy nhiên, thực tế là hiện mới chỉ có các doanh nghiệp du lịch làm việc này bởi thực tế là chưa có nhiều điểm tham quan cung cấp thông tin lên website bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Điển hình có thể nói đến website là di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội cũng mới chỉ cung cấp thông tin bằng tiếng Anh rất lấy lệ và mọi thông tin vẫn chủ yếu bằng tiếng Việt. Còn website của di tích Đền Hùng ở Phú Thọ thì hoàn toàn không có thông tin bằng tiếng Anh. Thực tế này khiến khách du lịch nước ngoài khó có thể nắm bắt trước các thông tin cần thiết trước khi đến tham quan các di tích của Việt Nam.

Có thể nói với không ít các di tích của Việt Nam thì lượng khách du lịch trong và ngoài nước đổ đến là rất lớn và nguồn thu của họ là không hề nhỏ. Nên chăng, các di tích cần trích từ nguồn thu của họ để cập nhật thông tin cho website của họ ít nhất là bằng tiếng Anh để khách du lịch có cơ hội tìm hiểu trước khi có quyết định đến tham quan. Có thêm nhiều khách du lịch, nguồn thu của các di tích cũng vì thế mà sẽ gia tăng.