Đối phó tên lửa siêu thanh của láng giềng, Nhật Bản nghiên cứu chế tạo pháo điện từ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Truyền thông Nhật tiết lộ nước này đang nỗ lực nghiên cứu công nghệ pháo điện từ để chống tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên; đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải tăng cường răn đe Trung Quốc.
Báo Nikkei Asia viết về Nhật đang nghiên cứu phát triển Pháo điện từ để chống tên lửa siêu thanh (Ảnh: Nikkei)
Báo Nikkei Asia viết về Nhật đang nghiên cứu phát triển Pháo điện từ để chống tên lửa siêu thanh (Ảnh: Nikkei)

Trang web Nikkei Asian Review của Nhật ngày 4/1 đưa tin, các nguồn tin cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ phát triển công nghệ pháo điện từ để đánh chặn tên lửa của đối phương, “bởi vì Nhật Bản hiện đang lo lắng đối phó với việc Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang phát triển vũ khí siêu thanh."

Nikkei Asian Review cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu công nghệ “railgun” có thể phóng đạn thông qua gia tốc điện từ, phương pháp phóng đạn này nhanh hơn các hệ thống đánh chặn thông thường và có thể bắn liên tục. Cùng với tên lửa tầm xa, hệ thống vũ khí thế hệ mới này sẽ cung cấp cho Nhật Bản khả năng đánh chặn nhiều lớp.

Bản tin đề cập rằng tốc độ bay của vũ khí siêu thanh thường vượt quá Mach 5 ( 5 lần tốc độ âm thanh). Vào tháng 11/2021, truyền thông Anh Financial Times đưa tin Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử vũ khí siêu thanh vào tháng 8/2021 và nói rằng vũ khí này có thể phóng tên lửa trong khi đang bay; Triều Tiên vào tháng 9/2021 cũng tuyên bố đã thực hiện một vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh Hwasong-8 mới được phát triển. Tổng thống Nga Putin trước đó đã tuyên bố rằng Nga có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình siêu thanh trong năm 2022.

Pháo điện từ thử nghiệm bắn (Ảnh: Sina).

Pháo điện từ thử nghiệm bắn (Ảnh: Sina).

Bài báo của Nikkei Asian Review còn nói, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản coi vũ khí siêu thanh là thế hệ vũ khí quân sự tiếp theo và cho rằng Nhật Bản phải ngay lập tức tăng cường khả năng răn đe của mình, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Bài báo sau đó phân tích rằng hệ thống mới này sẽ tăng cường khả năng phản ứng tên lửa của Nhật Bản, khả năng này đã bị một số chuyên gia mô tả là "lỗ hổng trong phòng thủ của Nhật Bản". Ngoài việc bổ sung pháo điện từ vào hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có, Nhật Bản cũng đang xem xét việc sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công đáp trả. Việc kết hợp các hệ thống này sẽ hình thành một “mối đe dọa ba lớp”.

Bài báo cho biết Văn phòng mua sắm và ngành hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã và đang nghiên cứu công nghệ cơ bản của pháo điện từ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất phân bổ đặc biệt 6,5 tỷ yên (tương đương 56 triệu USD) trong ngân sách tài khóa năm 2022 cho việc phát triển nguyên mẫu thiết bị pháo điện từ. Giới hạn tốc độ đánh chặn hiện tại của tên lửa là khoảng 1700 mét/giây, trong khi các quả đạn đánh chặn được phóng bằng pháo điện từ dự kiến ​​sẽ đạt tốc độ hơn 2000 mét/giây. Trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, tốc độ phóng đạn của nguyên mẫu pháo điện từ của Nhật Bản đã đạt tới gần 2.300 mét/giây.

Pháo điện từ có kích cỡ rất lớn (Ảnh: Sina).

Pháo điện từ có kích cỡ rất lớn (Ảnh: Sina).

Theo phân tích của báo cáo, việc nâng cao tốc độ sẽ làm tăng cơ hội đánh chặn tên lửa siêu thanh; khả năng bắn liên tục và nhanh của đạn đánh chặn cũng sẽ làm tăng hiệu suất bắn trúng tên lửa siêu thanh lên gấp bội. Pháo điện từ cũng có thể phóng đạn đánh chặn ở nhiều tốc độ khác nhau, và những viên đạn cỡ nhỏ do pháo điện từ bắn ra cũng có khả năng tàng hình nhất định.

Trang web Hoanqiu của Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc ngày 5/1 cho rằng, “trong khi thổi phồng mối đe dọa của vũ khí siêu thanh ở các nước khác, bản thân Nhật cũng đang tích cực phát triển loại vũ khí tương tự”. Theo Huanqiu, năm 2019, khi Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức "Triển lãm Quốc tế thiết bị Quốc phòng và An ninh" (DESI), họ đã lần đầu tiên trình diễn thiết bị bay "Tàu lượn tốc độ cao" do Cục Trang bị Quốc phòng Nhật Bản phát triển. Loại máy bay này thực chất là một loại thiết bị bay siêu thanh. Trong hình ảnh hoạt hình trình chiếu tại triển lãm, Cục Trang bị Quốc phòng Nhật đã mô tả quá trình sử dụng loại vũ khí này tấn công một mục tiêu mặt nước có hình dạng giống như tàu sân bay. Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu rõ phải triển khai hai lữ đoàn tên lửa hành trình siêu thanh vào khoảng năm 2028 trong chương trình phòng thủ trung hạn.

Trung Quốc đã lắp pháo điện từ trên tàu đổ bộ Hải Dương Sơn (Ảnh: QQ).

Trung Quốc đã lắp pháo điện từ trên tàu đổ bộ Hải Dương Sơn (Ảnh: QQ).

Ngoài ra, theo Nikkei (Nihon Keizai Shimbun) ngày 1/12/2021, Nhật Bản đang có kế hoạch nâng cấp và mở rộng khả năng của tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu cách xa hơn 1.000 km và có kế hoạch triển khai các tên lửa này vào nửa cuối những năm 2020. Nikkei dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Khi các nước láng giềng tiếp tục phát triển tên lửa, Nhật Bản cũng sẽ cần có các thiết bị để tăng cường khả năng răn đe."

Trong nội dung của dự toán ngân sách năm tài chính 2022 được Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông qua vào tháng 8/2021, ngân sách quốc phòng lên tới 5.479,7 nghìn tỷ Yên, "lập kỷ lục tăng trong 8 năm liên tiếp". Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên tiếng, cho rằng, do nguyên nhân lịch sử, động thái an ninh quân sự của Nhật Bản luôn thu hút sự quan tâm của các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế. Ông nói: "Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản cần kiên định con đường phát triển hòa bình, thận trọng trong lời nói và việc làm trong lĩnh vực an ninh quân sự, làm nhiều việc có lợi hơn cho việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, chứ không phải ngược lại."

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Tốc độ của tên lửa siêu thanh là không dưới Mach 5 và Nga tuyên bố tên lửa Avangard của họ có tốc độ lên tới Mach 20, không tên lửa nào của nước nào, kể cả Trung Quốc và Mỹ, có thể đánh chặn được tên lửa siêu thanh. Vì lý do này, các quốc gia cần phải tìm ra các phương pháp đánh chặn mới, và pháo điện từ rõ ràng là lựa chọn tốt nhất.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng công nghệ pháo điện từ của Nhật Bản thực ra cũng bình thường, nếu thay thế bằng công nghệ phát triển hơn của Trung Quốc, tốc độ đánh chặn của pháo điện từ sẽ cao hơn.

Vào tháng 4/2018, vệ tinh thương mại của Mỹ đã chụp được cảnh Trung Quốc thử nghiệm bắn xuyên mục tiêu tấm thép 12 lớp bằng pháo điện từ. Ít lâu sau, một tháp pháo có vẻ như là một khẩu pháo điện từ đã xuất hiện trên mũi tàu đổ bộ Hải Dương Sơn của PLA. Tháng 11/2021, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng một video về việc sử dụng súng điện từ để dập lửa, đánh dấu sự thu nhỏ pháo điện từ của Trung Quốc và tiến dần tới chiến đấu thực tế.

Tên lửa siêu thanh Kinzhai của Nga trên máy bay MiG-31 (Ảnh: Dwnews).

Tên lửa siêu thanh Kinzhai của Nga trên máy bay MiG-31 (Ảnh: Dwnews).

Thực ra nguyên lý hoạt động của súng ray điện từ rất đơn giản, nói đơn giản là dùng năng lượng điện từ để phóng đạn với tốc độ cao và dùng động năng cực mạnh để sát thương đối thủ. Ưu điểm là tốc độ phóng có thể điều chỉnh tùy theo cự ly và cường độ của mục tiêu, có thể phóng liên tiếp nhiều đạn, tránh được nhược điểm của pháo truyền thống là phụ thuộc vào số lượng thuốc phóng của đạn pháo và góc phóng để tấn công mục tiêu. Điểm bất lợi là pháo điện từ cần một lượng điện lớn và khó thu nhỏ.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, việc Nhật Bản phát triển pháo điện từ chỉ là một phần trong tham vọng quân sự của nước này. Tiếp sau tàu sân bay, tàu khu trục cỡ vạn tấn và tên lửa tầm xa, trong tương lai Nhật Bản chắc chắn sẽ phát triển nhiều thiết bị tấn công mạnh hơn trong tương lai. “Vì vậy, đối với các quốc gia xung quanh Nhật Bản, mọi hành động quân sự của Nhật Bản đều không thể xem thường và đáng cảnh giác!”